Năm 2023, tỉnh xây dựng kịch bản kinh tế với tốc độ tăng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) đạt từ 9,0-9,5%. Tuy nhiên, những tháng đầu năm cho thấy những khó khăn lớn đối với việc thực hiện mục tiêu đề ra. Năm nay là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm 2020-2025. Do vậy, việc thực hiện được các chỉ tiêu phát triển đã đề ra có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các cấp, các ngành chức năng, các doanh nghiệp của tỉnh đang tăng tốc thực hiện đồng bộ các biện pháp thiết thực.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Trong bối cảnh 4 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng giảm sức mua tại các thị trường nhập khẩu truyền thống, các ngành, các địa phương triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách, quy định của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đáng kể, các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm, nhất là những chính sách thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, từng bước đảm bảo chất lượng gắn với an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, chuỗi giá trị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh đã tham gia tích cực vào quá trình sản xuất lúa, rau màu theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi như là Công ty TNHH Toản Xuân; Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường, Công ty cổ phần Cơ khí Đình Mộc, Hợp tác xã nấm Nhật Bằng… Ngành Công Thương và các ngành liên quan đặc biệt chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt sâu sát thông tin diễn biến, nhu cầu tiêu dùng trên các thị trường, phát triển đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đáng chú ý phải kể đến năng lực xoay xở, thích ứng của các doanh nghiệp khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch; khai thác hiệu quả các kênh thông tin ngoại giao kinh tế, ngoại giao nhân dân để nhanh chóng nắm bắt tín hiệu của các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để duy trì xuất khẩu. Nhờ đó, lượng hàng hoá xuất khẩu vào một số thị trường mới trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vẫn đảm bảo gia tăng nên đã phần nào “hạ nhiệt” khó khăn ngay trong bối cảnh sức mua toàn cầu suy giảm.
Tranh thủ chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt kết quả khá, ước thực hiện 1.894 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch năm, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cấp tỉnh 1.746 tỷ đồng, đạt 22,4%, tăng 9,4%; cấp huyện 83 tỷ đồng, đạt 17,4%, tăng 133,3%; cấp xã 65 tỷ đồng, đạt 23,1%, tăng 28,4%. Đồng thời, tỉnh quan tâm thúc đẩy đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế cả trong ngắn hạn, dài hạn như: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; xây dựng cầu qua sông Đào; tỉnh lộ 488B, 485B; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố. Nhờ đó, ngành xây dựng đã đóng góp cao vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng quý I mới đạt 7,7%, trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm đặt ra là 9,5%. Vì vậy 3 quý còn lại trong năm, mỗi quý tỉnh phải phấn đấu mức tăng trưởng tối thiểu 10% trở lên. Ngoài ra tỉnh cũng phải đối diện với những khó khăn, đe dọa làm suy yếu các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang đứng trước vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những hệ lụy suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột quân sự, chính trị… Theo đồng chí Nguyễn Văn Ty, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Về những khó khăn nội tỉnh, trước mắt, sản xuất nông nghiệp đang bị giảm sút một số năng lực. Nhất là diện tích gieo cấy vụ xuân giảm trên 600ha do có khoảng 300ha đất canh tác bị giảm sút do chuyển sang làm đường giao thông và còn khoảng 400ha đất vẫn còn bỏ hoang ở các huyện. Nuôi trồng thủy sản có mức đóng góp quan trọng nhưng diện tích đã giảm sút gần 1.000ha chuyển đổi sang mục đích khác do nuôi trồng thủy sản có giá trị chưa cao nên không hiệu quả. Chăn nuôi lợn trong vòng 5 năm trở lại đây đang có xu hướng giảm sút. Năng lực sản xuất công nghiệp có tăng lên, chủ yếu là do mở rộng quy mô sản xuất nhưng tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp lớn; giai đoạn hiện nay chắc chắn gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng thị trường thế giới. Dịch vụ tiêu dùng cũng chưa có sự phát triển đột biến.
Trong bối cảnh này, động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công trên cơ sở tỉnh đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm và phải gấp rút triển khai nhóm các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nếu các nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả, có chất lượng thì tổng cầu nền kinh tế của tỉnh trong năm nay sẽ được hỗ trợ rất tích cực, bù đắp cho những khó khăn từ thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều ngành như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng vẫn bị ảnh hưởng bởi ngành bất động sản trong năm 2023. Thu hút đầu tư của tỉnh đang khởi sắc và là tín hiệu khả quan cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp nhằm cải thiện nhanh môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh để tạo hiệu quả về thu hút đầu tư. Một điểm tựa quan trọng nữa để duy trì các động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được tỉnh xác định là sức chống chịu, khả năng cầm cự của các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tiếp tục bám sát diễn biến thực tế, nêu cao trách nhiệm phát hiện khó khăn vướng mắc để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh… Để đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay, cần chắt chiu, tận dụng mọi cơ hội và động lực tăng trưởng, dù lớn hay nhỏ. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong các chương trình, kế hoạch đã ban hành; phát huy các biện pháp, kinh nghiệm thành công đã được khẳng định qua thực tiễn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy