Nạn chặt chém là một phần nguyên nhân khiến mức chi tiêu cho mua sắm của du khách khi đến TP HCM còn thấp so với khu vực.
Laurine, du khách Pháp lần đầu đến Việt Nam và TP HCM. Trước chuyến đi, Laurine đã tham khảo nhiều tư vấn mua sắm tại thành phố nhắc tới chợ Bến Thành và được lưu ý “phải trả giá thấp hơn ít nhất một nửa khi mua đồ ở đây”.
Nữ du khách Pháp nhận xét chợ bày bán đủ loại hàng hóa dịch vụ, từ ăn uống, đến nông sản, đồ lưu niệm. Tuy nhiên, cùng một mặt hàng nhưng “mỗi gian lại có mức giá khác nhau”. Laurine hỏi mua vài thứ như hạt tiêu, nón lá trưng bày, tranh thêu nhỏ. Mỗi món đồ đều được chủ tiệm báo giá trên 200.000 đồng.
Làm theo review trên mạng xã hội, nữ du khách Pháp cũng trả giá mỗi món đồ bằng 50-70% mức mà chủ cửa hàng đưa ra. Khi người bán hàng không đồng ý, cô quay người “giả vờ bỏ đi” để được gọi lại và giá chỉ còn 40.000-80.000 đồng mỗi món. Tổng chi sau một buổi mua sắm của Laurine ở chợ chưa đến 300.000 đồng.
“Nói thách là điểm chung của nhiều khu chợ truyền thống tại nhiều nước châu Á không riêng gì Việt Nam. Do đó tôi không thấy sốc khi bị hét giá, chỉ không rõ giá trị thật của món đồ là bao nhiêu, xứng đáng với số tiền bỏ ra không”, Laurine nói.
Tương tự, Ash, nữ du khách đến từ New Zealand cũng lần đầu đến TP HCM và được trải nghiệm “mặc cả khi mua đồ”. Ash cũng ghé những điểm mua sắm truyền thống như chợ Bến Thành, Saigon Square, chợ Tân Định theo hướng dẫn của các trang tư vấn du lịch. Cô cho biết ở điểm mua sắm nào cô cũng phải mặc cả. “E ngại bị chặt chém, tôi chỉ mua vài món đồ lưu niệm ở chợ truyền thống, chi phí không đến 200.000 đồng”, nữ du khách New Zealand nói.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết 6 tháng đầu năm thành phố đón 1,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 80.833 tỷ đồng, trong đó hoạt động mua sắm của khách quốc tế đóng góp 9%, khách nội địa 2%.
Mặc dù mua sắm được xem là sản phẩm chính của ngành du lịch thành phố, song tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm còn thấp. Tại TP HCM, khách du lịch dành 17% tổng chi tiêu cho mua sắm. Ở Bangkok (Thái Lan), chỉ số này là 23%, Kuala Lumpur (Malaysia) 32%, Singapore 28%.
Theo ghi nhận của Sở Du lịch TP HCM, khách quốc tế đến thành phố thường mua sắm tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, nhưng sức mua thấp.
Tình trạng hét giá của một số tiểu thương chợ truyền thống được lan truyền trên các trang mạng xã hội gần đây ngoài gây thiệt hại trực tiếp đối với chính họ, còn “ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh du lịch thành phố”, bà Hiếu nói.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, “chặt chém” có thể ảnh hưởng đến sức chi của du khách khi đến Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề đang được ngành du lịch quan tâm. Để cải thiện tình trạng này, bà Hoàng đề xuất TP HCM xây dựng một “hành lang giá” thống nhất, đồng thời quy hoạch và xây dựng các khu phố mua sắm. Việc đưa các gian hàng về một khu vực không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm mà còn giúp quản lý dễ dàng hơn. Các mặt hàng bày bán tại đây phải được niêm yết giá rõ ràng và có kế hoạch quảng bá, phát triển cụ thể.
Đề xuất này phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch mua sắm của TP HCM, xây dựng thành phố thành một trung tâm mua sắm trong khu vực. Theo đại diện Sở Du lịch TP HCM, kế hoạch cụ thể của định hướng này là tận dụng sự đa dạng của các cửa hàng độc lập, chợ đường phố giảm giá, xây dựng các khu phố thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại, các trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa (factory outlet), các cửa hàng miễn thuế trong thành phố (downtown duty free). Trong giai đoạn 2026-2030, TP HCM kêu gọi đầu tư các cửa hàng miễn thuế, cửa hàng bán sản phẩm có thương hiệu với giá rẻ (outlet store) có quy mô lớn tại các vùng trọng điểm du lịch (Củ Chi, Cần Giờ, Chợ Lớn, TP Thủ Đức), đại diện Sở Du lịch TP HCM thông tin.
Sở Du lịch cho biết trong thời gian qua, việc xử lý tình trạng chặt chém khách du lịch đang được các đơn vị liên quan quan tâm, phối hợp giải quyết. Sở Du lịch đang tập trung thực hiện các giải pháp như cùng công an nâng cao chất lượng quản lý du lịch tại TP HCM, xử lý các vụ việc “chặt chém”; khuyến cáo người dân và du khách cung cấp chứng cứ, hình ảnh; phối hợp tổ chức chốt trực tại hơn 30 tuyến điểm du lịch trọng điểm để phát hiện, xử lý hành vi tiêu cực.
Để tránh tình trạng chặt chém, nói thách, một số du khách nước ngoài hạn chế mua sắm ở chợ truyền thống. Với đồ điện tử, mỹ phẩm, đồ thời trang, Ash chọn vào trung tâm thương mại vì giá đã được niêm yết. “Ở New Zealand, dù ở chợ nhỏ lẻ hay trung tâm thương mại, giá đều như nhau, tôi không phải nài nỉ mặc cả như khi đi du lịch”, cô nói.
Bài và ảnh: Bích Phương – Vân Khanh