Quảng Trị có rất nhiều đặc sản, trong đó có món chắt chắt và mực ống. Cả hai đều ở vùng Cửa Việt – nơi Thạch Hãn, con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, dài 155 km, có 3 phụ lưu là sông Vịnh Phước, sông Ba Lòng và sông Cam Lộ cùng đổ ra biển Đông.
Vùng nước lợ ở Cửa Việt (huyện Gio Linh) là giang sơn của chắt chắt. Cùng họ nhà hến nhưng chắt chắt nhỏ hơn, có màu đen sậm, sống dưới bùn cát. Chắt chắt “nhỏ nhưng có võ” vì chứa nhiều chất bổ, tốt cho sức khỏe người thiếu máu, bệnh tim mạch. Thịt chắt chắt có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu…
Chắt chắt kiếm ăn vào buổi sáng nên thợ cào phải thức dậy từ rất sớm, dùng vợt lưới để cào. Sau khi cào xong, họ đổ chắt chắt vào rổ, dùng chân xát mạnh, đãi hết lớp rong bùn bám quanh vỏ rồi bỏ vào nồi đun sôi. Lúc chắt chắt hả miệng, dùng que gỗ khuấy mạnh cho ruột rời khỏi vỏ. Nước luộc chắt chắt đục như nước vo gạo, ngọt lừ. Người dân Quảng Trị tận dụng mọi thứ từ con chắt chắt. Sau khi luộc xong, họ lọc lấy nước, vớt lấy ruột còn vỏ đem bán cho lò nung vôi.
Chắt chắt được chế biến thành nhiều món ngon như nấu canh, trộn gỏi, làm bún, làm cơm, bánh pizza… Nghe nói ở Cửa Việt, chắt chắt ngon nhất là ở làng cổ Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh).
Bên cạnh món ngon nhà nghèo chắt chắt, ở vùng biển Cửa Việt còn có con mực ống ngon nức tiếng. Ở đây, mực được chế biến thành 2 món bình dị, lạ mà ngon là mực ống hấp lá bứa và mì tôm mực trứng. Mực ở Cửa Việt hầu hết tươi rói, mắt còn nhấp nháy.
Bứa là dược liệu quý, thân mộc, thường xanh, cao đến 7 m. Lá và trái có vị chua, tác dụng giảm mỡ máu, chữa béo phì, dùng để nấu canh, hấp mực. Canh chua lá bứa với khô cá là đặc sản phục hồi sức khỏe của bộ đội Trường Sơn năm xưa. Bây giờ, người ta biến tấu thêm món mực ống hấp lá bứa; ngon, bổ, lạ. Mực ống xắt miếng vừa miệng, hấp chung với lá bứa, thêm gia vị, canh vừa chín tới thì nhắc xuống còn nóng hổi, ăn chung với rau thơm. Món này để ăn với cơm hay nhậu lai rai đều hợp cả.
Mì tôm mực trứng càng đơn giản. Mực trứng tươi, nguyên con, từng cặp, rửa sạch, luộc vừa chín. Cho mì gói vào tô, chế nước luộc vào, gác cặp mực lên mì và thêm hành tươi. Món này ăn kèm với cải mầm, giá, bắp chuối, xà lách, rau thơm. Món điểm tâm ăn nóng này bảo đảm năng lượng cho cả buổi sáng lao động cật lực của ngư dân. Và khi ngành du lịch phát triển, nó trở thành món đặc sản cho du khách đến Quảng Trị.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/chat-chat-va-muc-cua-viet-chua-an-la-thiet-20210128213553188.htm