Chiều nay 10.4, Bộ KH-CN họp báo định kỳ thông báo tình hình hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo thời gian qua và kế hoạch sắp tới.
Theo đó, bộ này sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH-CN, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật KH-CN (sửa đổi). Một nội dung quan trọng trong việc chuẩn bị này được báo chí quan tâm là luật hóa chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-CN), cho biết hiện tại việc sửa luật chưa đến khâu soạn thảo các nội dung cụ thể mà mới lập dự luật với các nhóm chính sách. Bộ KH-CN đề xuất 15 nhóm chính sách, hồ sơ được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành, doanh nghiệp, hiệp hội.
Về luật hóa chủ trương chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học đang được dư luận xã hội quan tâm, bà Diệp cho biết, Bộ KH-CN đề xuất mở rộng quy định so với luật KH-CN hiện hành (ban hành năm 2013).
Bà Diệp nói: “Theo luật hiện hành, Điều 23 (chính sách ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài KH-CN) quy định người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH-CN do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học”.
Bà Diệp cho biết thêm: “Đây là một nội dung xuyên suốt từ các chỉ đạo của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Nhiệm vụ của chúng tôi là thể chế hóa các chỉ đạo đó thành những quy định”.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang, các nội dung về chủ trương chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã được trao đổi nhiều trên các kênh truyền thông. Về quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng đã rõ, đầu tư cho nghiên cứu khoa học là khoản đầu tư chấp nhận rủi ro. Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu là để khuyến khích nhà khoa học theo đuổi đam mê.
Một dự án nghiên cứu khoa học không mang đến kết quả như mong muốn không có nghĩa là dự án đó thất bại. Nghiên cứu hôm nay nhưng 10 năm sau mới có kết quả là bình thường.