Trong thực tế, khi đối diện với câu chuyện con chậm nói, tăng động giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ, khó khăn học tập… vẫn còn nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc chấp nhận con mình cần sự giáo dục đặc biệt, và không để con được can thiệp sớm.
Bên cạnh đó, cũng có những người cha, người mẹ hy sinh công việc, thời gian để đồng hành cùng con, giúp con tiến bộ vượt bậc. Niềm hạnh phúc đã ùa đến, không thể nào đong đếm.
Cô Như Ý, giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai, can thiệp 1:1 cho các bé
“CÓ GIẤY KHUYẾT TẬT THÌ LÀM SAO LẤY VỢ ?”
“Bé đó 24 tháng, trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, mỗi người ôm một cái điện thoại, iPad từ sáng đến tối, đến lúc ngủ bé vẫn ngủ mơ, giơ tay quẹt quẹt vào không trung như đang quẹt iPad. Lúc bé được đưa tới trường, bé không tương tác với cô, kêu không nhìn, mẹ của bé vẫn nói “con em có làm sao đâu””, cô N.Y, giáo viên một trường chuyên biệt tại TP.HCM kể với PV Báo Thanh Niên. Bên trên tầng lầu nơi cô Y. đang làm việc, tiếng trẻ con hú, hét, khóc, cười vẫn rầm rập, dù đang giữa trưa.
Cô Y. cho hay mỗi trẻ đặc biệt là mỗi thế giới riêng, không ai giống ai. Có một bé 4 tuổi nhưng bé không nói tiếng Việt mà cứ xì xồ gì đó, nghe kỹ thì như kiểu bé đang nói tiếng Hàn. Hoặc có bé thì giọng lại nhí nhéo như giọng trong phim hoạt hình, nhưng không phải tiếng Anh cũng không ra tiếng Việt.
“Có một bé trai, lớp 3, gương mặt đẹp lắm nhưng khi đi học thì không tiếp thu được kiến thức, chậm phát triển, cha mẹ chấp nhận con nhưng ông bà nhất định không chịu đưa con đi đánh giá mức độ phát triển, ông bà sợ cháu được xác nhận là trẻ khuyết tật. Ông bà nói “có giấy khuyết tật thì làm sao lấy vợ?””, cô Y. thở dài.
Cô N.N, giáo viên một trường chuyên biệt tại TP.HCM, cho biết 2 năm trở lại đây đã đi can thiệp 1-1 cho rất nhiều trẻ từ 15 – 30 tháng tuổi. Rõ ràng một bộ phận phụ huynh đã có nhận thức sớm về con mình có những biểu hiện khác với trẻ đồng trang lứa, chấp nhận con cần được can thiệp sớm.
Song, vẫn còn một số phụ huynh khó chấp nhận tình trạng của con. Hoặc cha mẹ chấp nhận, nhưng ông bà phản đối, nhất mực không cho trẻ có giấy xác nhận khuyết tật vì “sợ giấy theo cháu suốt đời”. Có những bé vẫn được gửi đi học trường bình thường, đến khi không thể học được nữa, cha mẹ mới đành mang con tới trường chuyên biệt.
CÓ NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG HƠN ĐỌC CHỮ, LÀM TOÁN
Cô Trần Thị Hoài Nghi, giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM, trong các năm công tác đã từng nhiều lần trò chuyện, tâm sự cùng phụ huynh khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu đặc biệt.
Có một người mẹ, khi được khuyên cho con đi kiểm tra, biết con rối loạn phổ tự kỷ, chị gần như bỏ hết công việc bận bịu bên ngoài để đồng hành với con. Cậu bé nói tiếng Anh rất hay, bây giờ đã tiến bộ rất rõ rệt, người mẹ khóc trong hạnh phúc. Hay một gia đình có cậu con trai 5 tuổi chưa biết nói, vợ nghỉ việc, chồng cũng làm ít đi để cả hai có thể dành thời gian cho con nhiều hơn. Sau 2 năm, cậu bé đã nói được, gia đình mừng vô hạn.
Nhưng không phải lần nào những lời khuyên của cô Nghi cũng thành công. Nhiều lần cô bị phụ huynh phản ứng dữ dội. Họ không tin con mình mặt mũi rất đẹp, khôi ngô, có bé có những năng khiếu vượt trội như giỏi tiếng Anh hay giỏi tính toán… lại đang khuyết tật học tập, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý…
“Còn có trường hợp là học sinh đã có giấy xác nhận khuyết tật ở địa phương, nhưng cha mẹ bé lại không nộp về trường học vì nhiều lý do. Hệ quả là bé không có kế hoạch giáo dục cá nhân, như thế là rất thiệt thòi”, cô Nghi tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Như Ý, giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai, đường Ngô Quyền, Q.5, TP.HCM, kể về một học trò mới đây. Khi đưa tới gặp cô, bé 3 tuổi rưỡi, không biết nói, hay chạy lăng xăng, không nhận biết được màu sắc, hình dạng, cô giáo đưa đồ chơi thì ngậm hoặc ném đi. Mẹ bé chưa chấp nhận khó khăn của con, nói “con em bình thường” và không đưa con đi tham vấn bác sĩ.
“Tôi động viên mãi, mẹ cháu mới cho con đi kiểm tra, đánh giá. Bé được xác định là rối loạn phổ tự kỷ. Dù tuổi của cháu là 3 tuổi rưỡi nhưng trí tuệ chỉ như một em bé 12 tháng. Từ khi biết kết quả, mẹ cháu lo lắng, ngày nào cũng gọi điện cho tôi hỏi cô ơi có giúp bé được không, có dạy cho bé thành như các em bé bình thường được không, có đi học lớp 1 được không, học chữ, học toán được không…”, cô Như Ý chia sẻ.
“Nhiều phụ huynh rất sốt ruột chuyện con học chữ được không, nhưng có những điều trước mắt còn quan trọng hơn cả chuyện đó. Để bé có thể học tập được thì đầu tiên bé cần có những kỹ năng như tương tác giao tiếp, vui chơi, khả năng chú ý (quan sát, lắng nghe), hiểu ngôn ngữ, kỹ năng tự phục vụ, quan hệ xã hội…”, cô Như Ý bộc bạch.
NGHĨ CHỮA TỰ KỶ BẰNG THUỐC, CHÂM CỨU… SẼ HẾT ?
Ông Doyle Mueller là một giáo viên đến từ Đức với hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em khuyết tật học tập trên khắp thế giới, bao gồm Đức, Anh, Úc, New Zealand và VN. Hiện ông đang là giám đốc, người sáng lập hệ thống giảng dạy SENBOX và trung tâm giáo dục đặc biệt cùng tên tại Q.7, TP.HCM.
Trung tâm này đang can thiệp cho khoảng 26 trẻ gặp các vấn đề như khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ (ASD), rối loạn thiếu chú ý (ADD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), có hành vi thách thức… Trẻ được can thiệp toàn thời gian từ 8 giờ tới 17 giờ mỗi ngày, can thiệp 1-1 hoặc 2-1.
Có mặt tại nơi ông Mueller và đồng nghiệp đang làm việc, chúng tôi quan sát các trẻ được theo dõi tiến độ hằng ngày thông qua bằng chứng hình ảnh; kế hoạch giáo dục cá nhân (IEP); chương trình giảng dạy thông qua AAC (Augmentative Alternative Communication – giao tiếp tăng cường và thay thế trong lớp học).
Giai đoạn vàng để can thiệp
Cô Nguyễn Thị Như Ý cho biết giai đoạn từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ cần giáo dục đặc biệt, từ 3 – 6 tuổi đã là trễ nhưng chậm còn hơn không, phụ huynh đừng để tới khi con mười mấy tuổi.
Theo các thầy cô, phụ huynh có thể đưa con đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM (thuộc Sở GD-ĐT TP, 108 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) để chẩn đoán, đánh giá mức độ phát triển.
Để đảm bảo việc can thiệp cho trẻ đúng phương pháp khoa học, các giáo viên làm việc tại đây đều phải tốt nghiệp các khoa giáo dục đặc biệt, giáo dục tâm lý, giáo dục xã hội, có hiểu biết về y tế… và được tập huấn, đào tạo vào mỗi thứ bảy hằng tuần để dày dạn kinh nghiệm hơn.
Nói với PV Thanh Niên, ông Doyle Mueller băn khoăn đưa ra một số vấn đề của một số cha mẹ có con cần giáo dục đặc biệt, điển hình là không chấp nhận con mình cần giáo dục đặc biệt. Vẫn còn những suy nghĩ như đưa con đến bác sĩ này, bệnh viện kia để con được điều trị bằng thuốc, châm cứu… thì con sẽ hết.
Hoặc cũng có những cha mẹ đưa con đến trường, tới trung tâm giáo dục đặc biệt thì không biết hoặc không dám hỏi thầy cô giáo đã can thiệp những gì tới con mình, cho con thực hành bài tập gì…
Ông Mueller muốn thay đổi nhận thức của tất cả bậc phụ huynh, cần chấp nhận con cái cần phải giáo dục đặc biệt, và phải làm càng sớm càng tốt, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cho con đi can thiệp rồi thì cũng không nên phó mặc con hết cho nhà trường và nơi nuôi dạy trẻ. Theo ông, cha mẹ nên được quan sát, được biết, được hỏi “tại sao” về những cách can thiệp của giáo viên với con em mình, nếu giáo viên từ chối tất cả những yêu cầu trên thì họ đã sai…
(còn tiếp)