Phím cổ phiếu tăng giá gấp đôi, gấp ba; chắc thắng, bao lỗ… đều là những lời cam kết ‘không tưởng’ trong đầu tư chứng khoán. Vậy nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mắc bẫy lừa đảo bởi chiêu thức xưa cũ này.
Cẩn trọng lời mời tham gia hội nhóm online “phím” cổ phiếu
Đang tranh thủ chợp mắt giờ nghỉ trưa, Nguyên Thúy (34 tuổi, Hà Nội) giật mình với cuộc điện thoại số lạ. Đầu dây bên kia, một người tự xưng là “nhân viên công ty chứng khoán S…” và chào mời đầu tư.
Vào trong hội nhóm Zalo rồi Telegram với cả trăm thành viên, Thúy thấy có một người tên Q. tự xưng thầy chứng khoán online. Khoe trình độ cao siêu, “thầy” chứng khoán online hứa với các nhà đầu tư sẽ “phím” cổ phiếu tăng giá gấp đôi, cam kết nhân đôi, nhân ba tài khoản.
Nhưng đầu tư cần có kiến thức, vậy nên “thầy” mời các thành viên nhóm đăng ký lớp học tài chính nâng cao và sinh hoạt hội nhóm trên Telegram. Ngay sau đó, một người tự xưng là trợ lý “thầy” Q. liên tục thúc giục các thành viên tham gia đăng ký.
Thậm chí “thầy” còn cho biết đang hợp tác với một công ty, mà đối tác này đã dành tặng một phần phúc lợi đặc biệt để đền bù thiệt hại khi thị trường chứng khoán gần đây khá ảm đạm. Theo đó, mỗi người sẽ nhận được phần quà ngẫu nhiên trị giá từ 200.000 – 500.000 đồng dưới dạng tiền cước điện thoại.
Đọc nhiều thông tin về cảnh báo lừa đảo, mạo danh nhân viên các công ty chứng khoán gần đây, Thúy đề nghị những người tự xưng “chuyên gia” cho xem chứng chỉ và thông tin pháp lý doanh nghiệp trước khi đăng ký khóa học đầu tư.
Vậy nhưng chỉ ít phút sau, Thúy bị “kích” ra khỏi nhóm, tài khoản thường liên hệ cũng bất ngờ thông báo “đã ngừng hoạt động”. Hầu hết những người làm trong ngành chứng khoán đều khẳng định thị trường biến động, không ai ở các công ty chứng khoán chính thống dám cam kết bao lỗ hay lãi “nhân đôi, nhân ba” với nhà đầu tư.
Ngay chính nhiều công ty chứng khoán cũng “đau đầu” bởi nạn lừa đảo. Đơn cử, Chứng khoán SSI còn phát hiện một nhóm chat Zalo mạo danh công ty và lãnh đạo của họ.
Theo đó, đối tượng lập tài khoản có tên Nguyễn Duy Hưng trên nền tảng Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn. Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên nền tảng Telegram.
Trên website, nhiều đơn vị liên tục nhắc nhở khách hàng cảnh giác trước các số điện thoại giả mạo, tự xưng là thành viên công ty chứng khoán mời chào tham gia các nhóm hỗ trợ đầu tư.
Cần nâng cao nhận thức của nhà đầu tư
Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết môi trường mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, xuyên biên giới hiện nay thuận lợi cho hoạt động lừa đảo gia tăng.
Cũng theo ông Đức, pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ và cụ thể đối với các hoạt động trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân. Yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, quy định quảng cáo, đến việc quản lý nội dung đều được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên khi chuyển sang môi trường mạng xã hội thuộc sở hữu nước ngoài, ông Đức nhận thấy việc quản lý trở lên khó khăn hơn nhiều. Các thông tin quảng cáo liên quan đến đầu tư trên mạng xã hội thường là những nội dung trôi nổi, thiếu kiểm chứng, ai cũng có thể đăng tải, quảng bá hoặc tham gia.
Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Hà – chủ tịch Công ty Luật SBLAW, các đối tượng nắm được tâm lý nhà đầu tư mong muốn lãi nhanh, không cần đầu tư kiến thức, kinh nghiệm. Từ đó lừa đảo bằng các thủ đoạn tinh vi, chủ yếu trên không gian mạng, đặc biệt là qua ứng dụng Telegram.
“Qua các sự việc như vụ Mr. Pips, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu các sàn ngoại hối, tiền ảo, vàng trạng thái… chưa được cho phép ở Việt Nam, không nên tham gia”, ông Hà nói. Ngoài ra cũng cần nâng cao nhận thức của nhà đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư muốn tham gia tài chính có thể tự giao dịch trên các sàn như HoSE, HNX, thông qua các quỹ, mua cổ phiếu hoặc trái phiếu, không nên tham gia các kênh đầu tư không được cho phép như kể trên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chao-moi-ngay-dem-thay-chung-khoan-online-hua-phim-co-phieu-roi-tang-ca-tien-20241219213329292.htm