Nhiều loại nông sản của tỉnh Long An như chanh, gạo, thanh long… đã có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP… không chỉ nổi tiếng trong nước mà đang được phát triển mạnh trên thị trường châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và mở rộng sang Trung Đông với sản lượng và giá cả ổn định.
Thời gian qua, việc xuất khẩu chanh ở Long An phải thông qua 5 doanh nghiệp lớn tại TPHCM và Cần Thơ. Các doanh nghiệp này quyết định giá cả xuất khẩu khiến người trồng chanh bị nhiều thiệt thòi.
Vì vậy, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, Long An đã mạnh dạn mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ tại các nước châu Á, châu Âu và mới đây đã cử người sang Dubai (Tiểu vương quốc Arap Thống Nhất – UAE) để tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ nông sản, gia vị tại các chợ đầu mối của nước này.
Đầu năm 2024, văn phòng giao dịch của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, Long An được thành lập, đặt tại chợ đầu mối Dubai. Đến nay, HTX đã trực tiếp giao dịch xuất sang chợ đầu mối Dubai mỗi tháng từ 8 đến 10 container, mỗi container 24 tấn chanh.
Theo ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, cho biết, hàng nông sản, chủ yếu là chanh không hạt được xuất sang Dubai, sau đó sẽ tỏa đi các nước Oman, Qatar… với sản lượng và giá cả luôn ổn định.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho hay, đến năm 2025, cây chanh được xác định là một trong 4 cây trồng mang lại sự đột phá cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Người nông dân trồng chanh dần được huấn luyện sản xuất chuyên nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, Trung Quốc mà còn những thị trường khó tính như: EU, Anh, Nga, New Zealand, Hà Lan và Trung Đông…
Tỉnh Long An cũng đã nhiều lần kết nối, tìm kiếm sự hỗ trợ của tham tán thương mại ở nước ngoài, của Bộ Công thương, nhằm giúp hoạt động giao thương nông sản được thuận lợi và đúng quy định. Theo đó, các tham tán thương mại cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp Long An khi mở các văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Ngành chức năng tỉnh cũng sẽ tiếp tục là cầu nối để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được sự ủng hộ, hỗ trợ của các tham tán. Nhất là được sự tư vấn pháp lý, cũng như sự hỗ trợ nhiều điều kiện khác đảm bảo hoạt động đúng pháp luật Việt Nam và các quốc gia.
Toàn tỉnh Long An có hơn 11.300ha chanh, trong đó hơn 3.700ha chanh ứng dụng công nghệ cao và hơn 664ha chanh được cấp chứng nhận GAP.
Tại huyện Bến Lức, có 426ha trồng chanh không hạt ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 100ha được bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Âu.
NGỌC PHÚC
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chanh-khong-hat-o-long-an-co-mat-tai-trung-dong-post761589.html