(QNO) – Khéo léo, đam mê, kiên trì với nghệ thuật tranh đinh chỉ, Nguyễn Đức Tín (SN 1992, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) đã tạo nên những tác phẩm tranh độc đáo từ đinh và chỉ.
Tranh đinh chỉ được phát minh bởi Mary Everest Boole vào cuối thế kỷ 19 với tên tiếng Anh là “String art”. Đây là một môn nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và sáng tạo của người nghệ sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, String art vẫn chưa quá phổ biến. Riêng ở Quảng Nam – Đà Nẵng hiện không có nghệ sĩ nào theo đuổi thể loại nghệ thuật tranh đinh chỉ ngoài Nguyễn Đức Tín.
Có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, dù theo học ngành du lịch nhưng Tín lại tìm chơi với những bạn học mỹ thuật. Ra trường, dù đi làm nhiều nghề từ hướng dẫn viên du lịch đến đầu bếp nhà hàng, khách sạn… nhưng tranh thủ những lúc rảnh rỗi, Tín lại tìm thú vui với tranh vẽ.
Hứng thú với tranh đinh chỉ từ năm 2018 khi một lần tình cờ nhìn thấy bức tranh đinh chỉ của một nghệ nhân người Pháp qua internet, từ đó Đức Tín nỗ lực tìm kiếm tư liệu, học hỏi và dần thành thạo với nghề. Cuộc sống của Tín dù có khó khăn, nhưng anh vẫn không từ bỏ đam mê nghệ thuật vẽ tranh đinh chỉ.
[VIDEO] – Nguyễn Đức Tín và những tác phẩm tranh đinh chỉ nghệ thuật:
“Tự học, tự sáng tạo mà không có những người bạn đồng hành thực sự là một thử thách đối với mình. Ở các môn nghệ thuật khác đều có cộng đồng sáng tác, sưu tầm, chia sẻ kỹ năng, niềm vui… nhưng với thể loại này thì em phải tự làm tất cả” – Đức Tín chia sẻ.
Những vật liệu quen thuộc của tranh đinh chỉ gồm gỗ, đinh không tán và chỉ. Để hoàn chỉnh một bức tranh sống động phải qua các công đoạn từ phác thảo tranh, ghim đinh, đan chỉ; còn với tranh đinh số hóa thì phải nắm được thuật toán để đan chỉ cho phù hợp.
Quy trình chỉ chừng ấy bước nhưng cái khó là phải đan phối chỉ thế nào để làm nên “cái hồn” cho tác phẩm. Phải mất từ vài ngày, thậm chí cả tháng mới hoàn thiện bức tranh đinh chỉ nghệ thuật.
Nguyễn Đức Tín kể, trước đây cũng có một số bạn trẻ tìm đến anh để học nghề nhưng rồi lại bỏ cuộc. Kiên nhẫn là thách thức lớn để có thể theo đuổi được loại hình nghệ thuật này. Chính vì vậy mà đến bây giờ ở Tam Kỳ chỉ có mỗi Tín sáng tác String art.
Những vẻ đẹp ở cuộc sống đời thường, tình yêu từ những điều giản đơn nhất mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo, qua từng đường nét khéo léo, tinh tế trong các tác phẩm của chàng trai trẻ này.
Tín bảo, anh yêu vẻ đẹp của hiện thực, về cuộc sống quanh mình, về tình mẫu tử, người phụ nữ Việt Nam với áo dài truyền thống, Phật giáo, tranh chân dung… vì thế đây là những chủ đề phổ biến trong các tác phẩm của anh.
Tranh của Nguyễn Đức Tín gần gũi, chân thực, mang thông điệp về ý nghĩa, giá trị cuộc sống và ngợi ca vẻ đẹp con người. Những mảng sáng tối được giao nhau mềm mại nhưng vẫn sắc nét, hài hòa.
Để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, Đức Tín vẫn đang học hỏi thêm những chất liệu mới, chủ đề mới. Tín đang nuôi dưỡng ý tưởng cho những tác phẩm về quê hương, danh lam thắng cảnh của Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng…
Qua nhiều năm miệt mài, từ đam mê cá nhân, đến nay các tác phẩm tranh đinh chỉ của Nguyễn Đức Tín bước đầu đã được nhiều khách hàng tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đặt mua. Mỗi bức tranh đinh chỉ hiện giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
“Ban đầu chỉ là đam mê sáng tạo với thể loại tranh mới, không nghĩ bây giờ là công việc mang lại thu nhập chính cho bản thân. Mình mong muốn một ngày không xa nghệ thuật tranh đinh chỉ sẽ được nhiều người biết đến. Từ đó, String art sẽ có thêm nhiều người yêu thích sáng tác, nhất là những nghệ sĩ trẻ để cộng đồng này phát triển hơn” – Tín thổ lộ.