A Lưới là huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với dân số là 14.133 hộ/53.828 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 77,5%. Toàn huyện có 12 xã biên giới; 16 xã thuộc vùng DTTS.
Do điều kiện tự nhiên, quỹ đất sản xuất ít… nên từ tháng 7/2024 trở về trước, A Lưới vẫn là huyện nghèo của cả nước. Được sự quan tâm của chính quyền cấp trên, đặc biệt là sự đầu tư kịp thời từ Chương trình MTQG 1719, A Lưới đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo. Từ những kết quả đã đạt được, tháng 7/2024, huyện A Lưới chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo tại Quyết định số 702/QĐ-TTG.
Điều đáng mừng là, trong cộng đồng đồng bào các DTTS ở A Lưới đã có nhiều cá nhân điển hình phát triển kinh tế vươn lên làm giàu ngay trên quê hương, bản làng của mình. Trong đó, anh Nguyễn Văn Mạnh (người Pa Cô) ở xã Hồng Thái là một ví dụ điển hình.
Cũng như bao gia đình trẻ ở xã Hồng Thái (A Lưới), chàng trai người Pa Cô Nguyễn Văn Mạnh chịu cảnh thiếu trước hụt sau khi ra ở riêng. Dù được bố mẹ cho 1ha đất làm của hồi môn, nhưng trồng keo tràm phải trồng 5 năm mới cho thu hoạch. Một sào ruộng dù là được mùa, cũng không đủ lúa gạo cho cả năm. Trong khi mới ra ở riêng, vợ chồng trẻ của anh Mạnh cần nhiều thứ như nhà cửa, giếng nước… để ổn định cuộc sống. Đó là chưa kể khi có con, cái ăn cái mặc càng thêm khó khăn.
Với bản tính siêng năng, cần cù, anh Mạnh làm thêm nghề bóc vỏ keo thuê nên gia đình cũng đủ cái ăn, cái mặc. “Nghĩ bụng, nếu chỉ đi bóc keo thuê và làm vườn thì khó có điều kiện để nuôi con ăn học đầy đủ. Vậy là tôi quyết định mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 3 con bò giống để nuôi”, anh Mạnh chia sẻ.
Nhờ chăm chỉ trồng cỏ, chăm sóc bò chu đáo nên bò của gia đình anh Mạnh phát triển và sinh sản tốt. Từ 3 con giống bò khởi điểm, hiện anh Mạnh đã có trong tay đàn bò hơn chục con. Anh Mạnh luôn duy trì 4 bò mẹ để sinh sản lấy bê giống. Mỗi năm 4 con bò mẹ của gia đình anh Mạnh sinh sản được 4 con bê con. Ngoài bán bê giống, anh Mạnh còn có bê thịt để cung cấp cho dự án thịt bò A Lưới.
Có đồng ra đồng vào từ tiền bán bê con hằng năm, anh Mạnh tích lũy đầu tư xây chuồng trại để phát triển đàn heo. Lúc đầu vợ chồng anh chỉ nuôi heo thịt, sau đó nuôi thêm 4 heo nái để chủ động và giảm chi phí mua heo giống. Mỗi lứa heo nái đẻ tầm 12 – 15 heo con, 4 heo mẹ sinh sản xoay vòng nên gia đình anh Mạnh có đủ heo giống để nuôi mà không phải đi mua. Thời điểm cao nhất, số lượng đàn heo của gia đình anh Mạnh lên đến 20 con heo thịt.
Nguồn thu nhập ổn định của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh từ bán bê, bán lợn đã giúp vợ chồng anh chị xây dựng được cơ ngơi khang trang. Đồng thời, anh chị cũng có điều kiện nuôi con ăn học đàng hoàng hơn. Ra ở riêng trong cảnh thiếu trước hụt sau, với bản tính siêng năng, cần cù, gia đình anh Mạnh đã vươn lên thành hộ khá giả trong cộng đồng đồng bào Pa Cô ở xã Hồng Thái.
Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng anh Mạnh còn đầu tư làm 2 lồng để nuôi cá trắm cỏ trên sông Tà Rềnh ngay sát nhà. Cá trắm cỏ mỗi năm thu hoạch một lứa, có khi thu hoạch xen kẽ bằng cách bán cá to, giữ lại cá nhỏ để nuôi tiếp. Hai lồng cá cho thu hoạch mỗi năm gần 3 chục triệu đồng. Mùa vụ đến, vợ chồng anh lại bận rộn với lúa, bởi bây giờ ngoài 1 sào đất của gia đình, anh còn thuê thêm 5 sào đất để gieo cấy. Không chỉ đủ ăn quanh năm, số lúa từ 5 sào ruộng ấy còn đủ để chăn nuôi thêm gà vịt……
Để công việc chăn nuôi đảm bảo bền vững, anh Mạnh tham gia khóa học về thú y. Xong khóa học, anh Mạnh được trang bị kiến thức về phòng, chống, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm; công tác vệ sinh thú y; cách thức sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lại được nâng lên một bước, rủi ro thì đã hạn chế đến mức thấp nhất.
Từ hộ nghèo, giờ đây gia đình anh Mạnh đã xây dựng được cơ ngơi khang trang. Trong đó, mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp với trồng trọt của anh Mạnh đã trở thành mô hình điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Hồng Thái.
Điều ghi nhận khác, anh Nguyễn Văn Mạnh rất được đồng bào ở địa phương tin tưởng. Đặc biệt, anh luôn sẵn lòng giúp đỡ các gia đình, bà con. Nhà ai có heo, gà bệnh đều nhờ anh Mạnh đến tiêm chích, cho thuốc uống. Những dịp như vậy, anh Mạnh lại tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong nuôi heo, nuôi bò để phát triển kinh tế hộ gia đình. Anh Mạnh còn động viên, “lan tỏa” tinh thần hăng say lao động để có cuộc sống ngày càng ấm no. Riêng mô hình nuôi cá lồng trắm cỏ trên sông Tà Rềnh hiện đã lan tỏa ra nhiều hộ nuôi. Mô hình này cũng đang được địa phương Hồng Thái có kế hoạch nhân rộng.
Có thể nói, không chỉ biết làm giàu cho bản thân, chàng trai người Pa Cô Nguyễn Văn Mạnh đang góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần vươn thoát nghèo của đồng bào ở Hồng Thái. Theo đó, chàng trai người Pa Cô Nguyễn Văn Mạnh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen về gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 – 2023.
Nguồn: https://baodantoc.vn/chang-trai-nguoi-pa-co-lam-giau-tren-mien-dat-kho-hong-thai-1727144630825.htm