Tình yêu cổ tích
Sau cánh cửa phòng, anh Vũ Đức Nguyên (khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) nằm co quắp trên giường. Người đàn ông nặng 25kg, cơ thể teo tóp, chỉ còn một ngón tay cái ở bàn tay trái là cử động được. Anh dùng ngón tay ấy di chuyển trên khắp bàn phím máy tính rồi khoe với chúng tôi về tập truyện ngắn đang viết dở.
Kể từ khi có vợ, con, cuộc sống của anh Nguyên luôn bị đè nặng bởi cơm, áo, gạo, tiền nhưng anh cảm thấy vui, thấy cuộc đời thật đáng sống. Vui bởi, anh đã trở thành một người đàn ông thực thụ, có người tin tưởng trao tình yêu thương và một gia đình hạnh phúc.
Kể về chuyện tình cổ tích, anh Nguyên cho biết, trước đây, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hải làm nghề cắt tóc, gội đầu. Hằng ngày, mẹ anh thường sang gội đầu, nói chuyện với chị Hải về hoàn cảnh của con trai mình.
Năm 2021, chị Hải sang nhà anh Nguyên chơi. Sau vài lần trò chuyện, hai người nảy sinh tình cảm. “Thú thực tôi không nghĩ cô ấy mở lòng với người liệt tứ chi. Những lời nói của cô ấy làm trái tim tôi thổn thức. Dần già, hiểu tình thương của cô ấy dành cho tôi là chân thành và chúng tôi yêu nhau sau một tháng gặp mặt”, anh Nguyên kể.
Tháng 2/2023, vợ chồng anh Nguyên đón con trai đầu lòng. Đầu năm 2024, đôi trẻ tổ chức đám cưới. Trong đám cưới, bạn bè, người thân vô cùng xúc động khi chứng kiến cô dâu trên tay bế một bé trai, bước vào lễ đường, cùng chú rể bị tàn tật, phải ngồi xe lăn.
“Nhiều lúc tôi cứ ngỡ là giấc mơ khi có vợ đẹp, con xinh. Thay lời cảm ơn đến vợ, người đã chịu hy sinh thanh xuân, tuổi trẻ để ở bên tôi, tôi đã sáng tác, cho ra đời tập thơ mang tên “Người tình“. Tập thơ gồm 50 bài thơ tình, nói lên những rung cảm sâu lắng được cất lên từ con tim thổn thức, khao khát yêu và được yêu”, anh Nguyên bộc bạch.
Xoa đôi bàn tay teo tóp của chồng, chị Hải, cho chia sẻ, khi biết tin chị yêu và quyết định “đi bước nữa” với người con trai tật nguyền, gia đình, người thân kịch liệt phản đối.
“Khi gặp nhau, tôi thấy thương anh lắm. Kể từ lần gặp đó, trong tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến anh – một chàng trai tật nguyền nghị lực. Mỗi ngày tôi đều thu xếp công việc ở quán để sang trò chuyện, tâm sự với anh”, chị Hải kể.
Theo chị Hải, làm vợ một người tật nguyền có nhiều điều thiệt thòi. Anh chẳng thể trợ giúp vợ làm việc nhà, bồng bế con thơ, cũng không đồng hành cùng vợ con đi đến những nơi chị từng ao ước… Nhưng tình thương, tình người, “tiếng gọi” của tình yêu đã giúp chị vượt qua mọi rào cản.
“Qua ánh mắt, lời nói tôi hiểu tình cảm chân thành của anh dành cho tôi. Chính anh đã sưởi ấm trái tim, làm tôi một lần nữa tin vào tình yêu đích thực”, chị Hải nói rồi trao cho chồng ánh mắt chan chứa thương yêu.
6 lần bán nhà để cứu được… ngón tay cái
Ở tuổi 34, anh Nguyên vẫn như một đứa trẻ mới chào đời khi mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác.
Kể về đứa con trai của mình, bà Vũ Thị Huê cho biết, Nguyên là con thứ hai trong gia đình có 3 người con. Anh Nguyên vốn sinh ra bình thường, nước da trắng trẻo, vầng trán cao, đôi mắt sáng, tinh anh. Đến khi 7 tháng tuổi, Nguyên bị sốt, chân tay dần teo tóp rồi liệt hẳn.
“Để có tiền chạy chữa cho con, gia đình tôi đã 6 lần bán nhà. Tôi cũng xin nghỉ công việc dạy học ở trường, dành toàn thời gian chăm sóc con. Năm Nguyên 11 tuổi, một bác sĩ người Hà Lan nói rằng, bệnh của con không chữa được, đừng bán nhà cửa nữa”, bà Huê nhớ lại ngày tháng cùng con “chiến đấu” với căn bệnh bại liệt.
Bị ốm triền miên, chân tay không thể cử động, cậu bé Nguyên chẳng thể đến trường. Bà Huê đã dạy con các chữ cái và các con số. Không phụ công mẹ, Nguyên cứ thế tự ghép, đánh vần rồi học toán. Lên 5 tuổi, cậu bé biết đọc, 7 tuổi biết cộng, trừ, nhân, chia.
Bà Huê cho biết, gia đình bà thuộc diện đi xây dựng kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Cuộc sống ngày một khó khăn sau 6 lần bán nhà, chạy chữa cho con, năm 2003, cả gia đình về định cư ở xã Quảng Tiến.
Năm 2012, anh Nguyên được một nhà hảo tâm tặng chiếc máy tính xách tay. Dù cả người co quắp, chỉ còn 1 ngón tay cái ở bàn tay trái là cử động được, anh Nguyên vẫn mày mò học cách sử dụng.
Ban đầu chàng trai nghĩ, sẽ dùng máy tính để chơi game, đọc tin tức cho vơi đi nỗi buồn. Tuy nhiên, khi được mạng xã hội Facebook kết nối với cộng đồng, chàng trai bắt đầu đọc thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Anh nhận ra rằng, văn chương chẳng cần đến những “người thợ” được đào tạo bài bản mà còn “dung nạp” những tâm hồn biết sáng tạo và anh đã nhờ thơ “nói hộ lòng mình”.
“Mỗi lần sử dụng máy tính, tôi phải nằm nghiêng, dùng 1 ngón tay cái ở bàn tay trái di chuyển chuột. Khoảng 20 phút tôi có thể sáng tác xong bài thơ ngắn”, anh Nguyên nói.
Năm 2013 tập thơ đầu tiên gồm 60 bài thơ mang tên “Bài thơ cho em” ra đời. Tập thơ đầu tay được “chàng thi sỹ” lấy cảm hứng từ mối tình đầu. Sau 10 năm miệt mài sáng tác, anh Nguyên đã cho ra đời 8 tập thơ.
Thơ của anh là tiếng lòng, chất chứa khát khao cháy bỏng muốn trở thành một người bình thường của một chàng trai tật nguyền. Ước mơ đó giản dị nhưng đau đớn tận xương tủy. Chàng thi sỹ lựa chọn lối viết mang đậm phong cách dân gian, trữ tình; sử dụng thể thơ truyền thống như song thất lục bát, lục bát, ngụ ngôn,…
Làm thơ giúp chàng trai liệt tứ chi được hòa nhập vào cộng đồng và không còn cô đơn. Anh Nguyên có hàng nghìn người theo dõi, bạn bè trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube.
“Tôi vui khi bạn đọc biết đến tôi là chàng thi sỹ… một ngón. Thú vị hơn là nhiều độc giả cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn từ thơ của tôi, tìm đến nhà hàn huyên, tâm sự. Tôi mong ngày càng bán được nhiều sách để có tiền lo cho vợ, con và dành một phần san sẻ với những mảnh đời bất hạnh”, anh Nguyên chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hợp, cán bộ Văn hóa – Xã hội phường Quảng Tiến, cho biết, anh Nguyên là một trong những người khuyết tật vận động nặng. Toàn thân của anh co quắp chỉ còn 1 ngón tay cái của bàn tay phải là cử động được. Không cam chịu, đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, anh Nguyên đã tự vươn lên, khẳng định bản thân.
“Để có tiền trang trải cuộc sống, anh Nguyên sáng tác thơ, in sách, bán sách. Thơ của anh được nhiều người đón đọc. Khi có tiền bán sách anh Nguyên dành một phần chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở khu phố”, bà Hợp cho biết thêm.