Từ một chàng trai chăn dê, Trí Thức đã vươn lên trở thành ông chủ của một chuỗi nhà hàng chế biến dê có tiếng tại đất Cố đô. Không dừng lại ở những thành công của mình, anh thanh niên 9x vẫn tiếp tục nghiên cứu và đưa đặc sản ẩm thực của Ninh Bình vươn xa.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp, chàng trai sinh năm 1991 Vũ Trí Thức (thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) luôn thấu hiểu những vất vả, cực nhọc mà người nông dân phải chịu đựng. Tuổi thơ của Thức gắn liền với những buổi sớm tinh mơ lùa dê lên núi và nhặt rau, hái cỏ về cho dê ăn.
Thức kể, đàn dê chỉ có vài con nhưng là tài sản quý giá nhất của gia đình cậu khi ấy. Thức chăm chút đàn dê từng ngày chỉ mong chúng lớn nhanh để cha mẹ bán lấy tiền mua sách vở, quần áo mới. Với những đứa trẻ nông thôn, đó là niềm ao ước mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện được. Thế nhưng cứ đến kỳ xuất bán thì dê lại bấp bênh về giá, lắm khi chẳng ai mua. Bố mẹ Thức buồn bã, có khi phải bán rẻ để bù chút tiền giống ban đầu.
“Nhìn bố mẹ ngày đêm chăm sóc vất vả trong khi thịt dê bấp bênh khó bán, tôi vừa thương vừa nghĩ xem có cách nào để gia tăng giá trị sản xuất hay không…” Thức nhớ lại. “Vậy là tôi cùng bố học thêm các món ăn chế biến từ thịt dê. Từ những món dê truyền thống với hương vị quen thuộc, bố con tôi còn tìm tòi thêm các nguyên liệu khác và cho ra đời các món dê đậm đà, hấp dẫn hơn. Cũng từ những năm tháng của tuổi thơ cơ cực, gắn bó với ẩm thực quê hương đã tạo động lực để tôi quyết tâm theo đuổi với nghềẩm thực, góp phần làm nên thành công cho bản thân như ngày hôm nay.”
Năm 2008, Thức thi vào Khoa Chế biến nấu ăn của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cậu về quê lập nghiệp. Từ quán ăn ban đầu chỉ với vài bàn, hiện cậu đã phát triển lên quy mô 50 bàn, là một trong những nhà hàng sớm nhất ở đất du lịch Ninh Xuân. Thức cho hay: “Ninh Bình nổi tiếng với các món dê nên du khách đến đây phần đa đều mong một lần thưởng thức đặc sản này.
Bản thân tôi nghĩ, đã là đặc sản quê hương thì khi làm mình phải có trách nhiệm, tâm huyết với nó. Đó không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là thương hiệu đặc sản của cả tỉnh. Đặc biệt là khi phục vụ khách du lịch – những người đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều đặc sản thì mình càng phải làm chỉn chu, hấp dẫn, xứng tầm với thương hiệu quê hương”.
Chính từ niềm đam mê và mong muốn đưa ẩm thực quê hương vươn xa nên Thức luôn thôi thúc mình phải sáng tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn khác, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách.
Mới đây nhất chàng trai 9x này đã đại diện nhóm nông dân xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) thực hiện món ăn “Dê núi chiên riềng” trong cuộc thi nấu ăn của các hội viên nông dân do Hội Nông dân châu Á, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đầu tháng 2/2023. Kết quả món ăn đã vượt qua rất nhiều đặc sản khác nhau và giành giải Nhì. “Đây là món ăn mới, lạ vị nhưng vẫn đảm bảo sự hấp dẫn, giàu giá trị dinh dưỡng. Giải thưởng là nguồn động viên to lớn, là niềm vinh dự để tôi tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo đưa ẩm thực thịt dê đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước” Thức chia sẻ.
Có thể nói, chính vì niềm đam mê với ẩm thực kết hợp với sự tâm huyết, sáng tạo của sức trẻ đã làm nên thành công cho Trí Thức như ngày hôm nay. Hiện nhà hàng của anh đã chế biến hơn 100 món về dê hấp dẫn với thực khách trong và ngoài nước.
Theo tính toán của Thức, mỗi tháng một cơ sở nhà hàng của anh đón tiếp khoảng 6 nghìn lượt khách, có những ngày cao điểm đón tới 400 lượt du khách. “Những năm gần đây du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ nên những người làm nhà hàng như chúng tôi được đón nhiều thực khách hơn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định, không vì đông khách mà mình có quyền làm ăn chộp giật, sai trái. Dù với ai cũng phải thể hiện thái độ văn hóa, văn minh, mến khách. Có như vậy mới góp phần xây dựng hình ảnh mảnh đất và con người Cố đô thân thiện được”.
Là một người đã gắn bó, làm việc nhiều năm với Thức, anh Hoàng Xuân Hồng, đầu bếp nhà hàng Chính Thư nhận xét: “Thức là một người bạn, người chủ nhà hàng rất tâm huyết và yêu nghề. Cậu luôn truyền cho chúng tôi năng lượng tích cực và sự chỉn chu trong công việc. Dù là ông chủ, công việc bận rộn nhưng bất cứ khi nào rảnh, cậu đều có mặt trong bếp để kiểm tra và hướng dẫn cho anh em cách chế biến món ăn”.
Còn ông Hoàng Minh Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) thông tin: “Không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo công ăn việc làm ổn định cho vài chục lao động, Thức còn tích cực đóng góp trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Mỗi năm Thức ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho công tác từ thiện, nhân đạo. Trí Thức là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn, lao động sáng tạo của người trẻ”.
Người ta vẫn thường nói, nấu ăn là một nghệ thuật và người nấu ăn là một nghệ sĩ. Có lẽ cái tài của người “nghệ sĩ” trẻ như Thức chính là mang đến cho thực khách cảm nhận rõ hơn về sự mới mẻ trong tinh hoa của đặc sản vùng miền. Ở đó không chỉ có sự cân đong đo đếm giữa các nguyên liệu để làm nên món ăn mà còn là sự giao thoa độc đáo về văn hóa – ẩm thực – du lịch nữa.
Ở tuổi 33, Thức đã tạm thành công. Tuy nhiên không ồn ào, phô trương và tự mãn, Thức vẫn siêng năng kiếm tìm và học hỏi để hoàn thiện mình mỗi ngày. Câu chuyện của Thức một lần nữa khẳng định rằng, thành công là điều không hề dễ dàng, song nếu có đam mê và nhiệt huyết bạn sẽ dễ dàng thành công hơn.
Minh Hải – Hoàng Hiệp