Từng có cơ hội việc làm đầy hứa hẹn tại một doanh nghiệp nước ngoài, song anh Phạm Văn Long (32 tuổi, ngụ xã Tân Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) đã từ bỏ để trở về quê lập nghiệp.
Năm 2014, anh Long may mắn được nhận vào làm việc cho một doanh nghiệp chuyên về đồ điện tử gia dụng của Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi được công ty hứa hẹn về chuyến tu nghiệp 2 tháng ở Singapore và cam kết sẽ ký hợp đồng lao động chính thức, lúc này anh Long thấy không còn phù hợp nữa nên khước từ cơ hội đó và quyết định khăn gói về quê Nghệ An.
“Là cử nhân Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và có triển vọng nghề nghiệp vững chắc nên tôi không tránh khỏi sự phản đối kịch liệt của gia đình”, anh Long kể và cho biết anh đã phải bán giò bê Nghệ An, nem chua Thanh Hoá để tích góp đủ số vốn lập nghiệp.
Trở về quê hương, anh mở trang trại heo, gà và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Đang trên đà ổn định được 1 năm, giá heo tụt dốc khiến anh phá sản và ôm khoản nợ 200 triệu đồng. Anh bèn quay lại bán nem chua, giò bê như ngày trước để xoay xở. Sau đó, anh đã thử làm các loại sản phẩm như dầu lạc, dầu vừng, rượu, mứt, măng sấy khô nhưng kết quả vẫn không khả quan.
Và rồi, anh nảy ra ý định sản xuất ngũ cốc trong một lần có dịp dùng sản phẩm này để tẩm bổ. “Sau khi sử dụng và tìm hiểu, tôi nhận thấy nhiều người giờ đây cũng có xu hướng chuộng thưởng thức các sản phẩm từ hạt. Hơn nữa, nguyên liệu lại sẵn có ở quê tôi, nơi được xem là vùng thuần nông”, anh Long chia sẻ.
Nghĩ vậy, anh đã bắt tay khởi nghiệp ngay trong gian nhà nhỏ của mình. Do điều kiện thiếu thốn, anh phải chế biến thủ công trên chiếc chảo gang. Nói về khoảng thời gian phải quần quật làm việc suốt 18 tiếng mỗi ngày.
Dần dần, khi thành quả làm ra được nhiều người tin dùng và đã có đủ nguồn lực, tháng 11.2018, anh Long quyết định sáng lập Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng LoliFood. Hiện, nhà máy của anh có quy mô 1.500 m2 và được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với tổng trị giá 3 tỉ đồng.
Trong quy trình tạo ra sản phẩm, anh luôn kiên định với nguyên tắc “4 không”: không sử dụng phân bón hóa học; không thuốc trừ sâu, diệt cỏ; không giống biến đổi gien; không chất kích thích tăng trưởng.
“Trong khâu chế biến, tôi chú trọng đến phương pháp nảy mầm hạt. Cách này sẽ chuyển hóa tinh bột thành đường ngũ cốc có chỉ số đường huyết thấp, giải phóng các chất ức chế enzym nhằm giúp người ăn cải thiện hệ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn”, anh Long nói và cho biết công ty của anh hiện cũng có 300 đại lý trên toàn quốc.
Không chỉ đạt chuẩn OCOP 3 sao, doanh nghiệp của anh Long còn sở hữu chứng nhận FDA (được cấp bởi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) về an toàn thực phẩm. Anh Long từng nhận được giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn năm 2022.
Hiện anh đang tập trung cải tiến sản phẩm để chinh phục những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, anh cũng mong có thể tiếp tục tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Chị Trần Thị Thoa, Bí thư Xã đoàn Tân Thành, nhận xét: “từ khi về quê lập nghiệp, anh Long là một trong những cá nhân sản xuất kinh doanh tiêu biểu của xã, nhiều năm qua. Anh Long thường khuyến khích người dân học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp của nhau cũng như phối hợp với Xã đoàn để tổ chức các hoạt động thiện nguyện”.