Bước ngoặt từ thất bại thi cử
Thành Phát (20 tuổi), sinh viên nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vừa hoàn thành học kỳ quân sự và chuẩn bị bước vào giảng đường năm 2. Sau một năm học tập và làm việc tại TP.HCM, nam sinh vẫn vẹn nguyên bồi hồi khi nhớ về những ngày đầu mới xa quê, cũng như hành trình vượt hơn 800 km theo đuổi giấc mơ ĐH.
Sinh ra và sống cùng gia đình tại vùng bãi ngang ở ven biển tỉnh Quảng Ngãi, thôn xã lúc bấy giờ được xem là đặc biệt khó khăn, Phát kể không thể nào quên những ngày đạp xe băng qua đường đất để đến trường, mà “trời mưa chỉ có thể dắt bộ vì đường đi thành bùn lầy”. Đến lớp 9, có cơ hội học bồi dưỡng, nam sinh hằng ngày được mẹ chở đi trên chiếc xe tay ga, đến nơi cách nhà khoảng 2 giờ di chuyển cả đi lẫn về.
Chưa kể, gia đình Phát cũng thuộc diện khó khăn, ba làm ngư dân, mẹ phụ ba bán cá. Kinh tế của gia đình, trong đó có Phát và hai chị, đè nặng lên vai ba mẹ. “Nhưng ba mẹ không bao giờ nói với chị em chúng tôi về điều này, cũng không áp đặt ai phải làm gì, học ngành nào mà luôn hỗ trợ hết mình cho chúng tôi trên hành trình trưởng thành. Ba mẹ mong mỏi cả ba người con có thể theo đuổi đam mê và tìm được việc làm ổn định”, Phát chia sẻ.
Nhờ công lao ba mẹ, hai chị của Phát đã tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) và Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Bản thân nam sinh viên, vào những năm THCS, cũng từng đạt các giải nhất, nhì tại cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet, kỳ thi học sinh giỏi môn hóa cấp tỉnh (trong đó có một lần thi vượt cấp). “Số tiền được thưởng, em đều mang về cho ba mẹ để đỡ đần gia đình”, chàng trai 20 tuổi cho hay.
Lên lớp 10, Phát đậu vào lớp chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Khiết, ngôi trường chuyên duy nhất tại Quảng Ngãi, với thành tích á khoa toàn trường. Tại đây, anh cùng bạn bè tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ngãi năm 2021, đạt giải khuyến khích với ý tưởng sản xuất bao nilon dựa trên vỏ tôm, cua.
“Song song đó, tôi được chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia môn hóa, nhưng không ‘bén duyên’ với giải thưởng. Lúc đấy tôi khá sốc vì nghĩ mình đã có thể làm tốt hơn. Nhưng may mắn là thất bại trên giúp tôi nhận ra bản thân chưa đủ đam mê với môn học này và bắt đầu chú ý đến lĩnh vực lập trình. Sau 3 tháng tìm hiểu, tôi ‘đánh liều’ chọn nó làm nguyện vọng ĐH với tâm thế, ‘Tại sao không cho bản thân cơ hội khác?'”, Phát trải lòng.
Đến nay, khi được hỏi liệu có hối hận về lựa chọn trước đó, nam sinh đã tự tin khẳng định lập trình là “công việc dành cho mình”. Hơn nữa, ngay năm đầu ĐH, Phát còn được trao nhiều học bổng để trang trải học phí, giúp đỡ đần ba mẹ như học bổng “Power On” của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, học bổng “Ươm mầm trí tuệ” của chùa Hoằng Pháp…
Phải ở trong tâm thế một phi công chuẩn bị “cất cánh”
Ngày đầu đặt chân lên TP.HCM, Phát thú nhận “bối rối và buồn bã” khi phải xa nhà, không còn được gia đình chăm lo đầy đủ như trước. Nam sinh cũng gặp không ít khó khăn khi tập làm quen với nhịp sống hối hả và sinh hoạt về đêm tại nơi đây, cũng như sự không tự nhiên khi tiếp xúc với các bạn mới từ nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Song, vì đã quen với cách sinh hoạt tại ký túc xá ở trường phổ thông, Phát cho biết không bị “sốc tâm lý” như nhiều tân sinh viên khác mà có thể nhanh “bắt nhịp” với bạn cùng phòng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. “Hãy đối đãi chân thành với mọi người, và các bạn cũng sẽ nhận lại điều tương tự. Ngoài ra, nên có ý thức chung trong việc giữ gìn phòng ở, hay lập ra quy định rõ ràng để tuân thủ”, Phát dành lời khuyên cho tân sinh viên.
Sau hai học kỳ năm vừa qua, Phát đạt điểm trung bình lần lượt là 8,33 và 8,75. Để thành tích ngày càng tăng tiến, trong giờ học, nam sinh viên luôn ghi chú lại trong vở để nhớ lâu và tập trung hoàn toàn vào bài học, bài tập, để khi hết tiết hiểu được 100%. Sau đó, Phát chọn học vừa đủ kiến thức và xem trước bài giảng của buổi kế tiếp. “Tôi cũng tự học thêm kiến thức ở ngoài, như xem video hướng dẫn của các lập trình viên Ấn Độ để tìm thêm nhiều cách ‘giải’ khác cho đề bài”, Phát nói.
Song song với học tập, Phát còn năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện ngay từ những năm THPT với vai trò tổ chức, chẳng hạn như quyên góp quỹ, vật phẩm để trao tặng quà cho viện dưỡng lão, các em nhỏ của huyện miền núi… Lên ĐH, anh tiếp tục đăng ký vào đội công tác xã hội của trường, tham gia nhiều hoạt động như “Bữa cơm nhân ái”, chiến dịch “Thức xuân”, “Xuân khát vọng”…
“Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ quyển sách Trên đường băng của tác giả Tony Buổi Sáng. Thông qua những mẩu truyện ngắn trong sách, tôi nhận ra mình phải ở trong tâm thế một phi công chuẩn bị ‘cất cánh’. Và để làm được vậy, cần hiểu mình nên làm gì để xây dựng ‘đường bay’ thông thoáng nhất. Quan trọng nhất, dù gục ngã đến mấy cũng cần đứng dậy để rút ra bài học cho mình”, chàng trai 20 tuổi chia sẻ.
“Khi mới vào ĐH, các bạn ắt hẳn đều có những khó khăn, nỗi niềm riêng. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ qua. Ngay từ năm nhất, các bạn hãy học và sống hết sức mình, đồng thời thiết lập những mục tiêu cần phải chinh phục để luôn biết mình là ai và động lực mình ở đâu. Và hãy kiên quyết đến cùng với những mục tiêu đó”, Phát nhắn nhủ thêm.
Hiện, Phát đang tự học IELTS để chinh phục mức điểm 6.5, đồng thời tìm thêm công việc gia sư các môn tự nhiên để tạo thêm thu nhập. Đồng thời, chàng trai Quảng Ngãi cho biết sẽ nỗ lực đạt điểm cao để xét tuyển vào ngành kỹ thuật máy tính vào cuối năm 2 như hằng mong ước. “Sau khi tốt nghiệp, tôi muốn trở thành lập trình viên để thiết kế nên các ứng dụng có thể hỗ trợ thiết thực nhu cầu của người dùng”, Phát chia sẻ.