Từ công viá»c giao Äá» Än, Lôi Hải Vi Äánh bại thạc sÄ© vÄn há»c từ Äại há»c Bắc Kinh trong cuá»c thi thÆ¡ uy tÃn cấp quá»c gia, trá» thà nh giáo viên không cần bằng Äại há»c.
Trong khi thành tích học thuật và bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng thường được xã hội đề cao, câu chuyện của Lôi Hải Vi là minh chứng truyền cảm hứng rằng đam mê, sự kiên trì và tự học có thể vượt qua những định kiến truyền thống.
Khởi đầu khiêm tốn
Sinh năm 1981 tại huyện Đông Khẩu, tỉnh Hồ Nam (phía nam Trung Quốc), tuổi thơ của Lôi Hải Vi gắn liền với sự giản dị và khó khăn, theo Sohu.
Dù gia đình không khá giả nhưng người cha – một trong số ít người có học vấn ở làng quê, đã truyền cho anh và chị gái tình yêu với thơ cổ Trung Hoa.
Dù chưa hiểu hết ý nghĩa những câu thơ được học thuộc khi còn nhỏ, cậu bé Lôi đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp nhịp nhàng của từng câu chữ.
Dẫu say mê thơ ca nhưng hành trình học vấn của Lôi không mấy nổi bật. Anh gặp khó khăn ở hầu hết các môn học, ngoại trừ văn học Trung Quốc và cuối cùng phải theo học ngành điện ở một trường trung cấp kỹ thuật.
Sau khi tốt nghiệp, Lôi Hải Vi chuyển đến Thượng Hải với hy vọng tìm được cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, sự nghiệp của anh không hề suôn sẻ.
Từ công nhân xây dựng đến phục vụ bàn, rửa xe hay nhân viên bán hàng, anh đổi qua nhiều vị trí nhưng không công việc nào mang lại sự ổn định.
Tận dụng mọi lúc, mọi nơi để làm thơ
Dù làm việc thiếu phương hướng nhưng niềm đam mê với thơ ca của Lôi chưa bao giờ phai nhạt. Anh dành quỹ thời gian hạn hẹp của mình tại các hiệu sách hay vỉa hè mải mê với những tập thơ và ghi nhớ từng câu.
Những giây phút thầm lặng ấy đã dần tạo nền tảng cho sự am hiểu sâu sắc về thơ cổ Trung Hoa của anh.
Năm 2015, Lôi Hải Vi chuyển đến Hàng Châu và tham gia ngành giao đồ ăn đang phát triển mạnh mẽ ở đây. Dù phải làm việc vất vả và chịu áp lực tài chính nhưng anh vẫn không ngừng nuôi dưỡng tình yêu với thơ ca.
Trong khi các đồng nghiệp giải trí bằng việc xem livestream hoặc chơi trò chơi trên điện thoại, Lôi lại tận dụng từng khoảnh khắc rảnh rỗi, chẳng hạn khi chờ đơn hàng hay đứng chờ đèn giao thông để ngâm thơ.
Cuộc thi thay đổi cuộc đời
Bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Lôi Hải Vi đến từ chương trình truyền hình nổi tiếng “Nghị Thơ Trung Hoa”. Khi mùa thứ hai lên sóng năm 2017, Lôi háo hức đăng ký tham gia nhưng không nhận được hồi âm từ ban tổ chức.
Không nản lòng, anh tiếp tục đăng ký mùa thứ ba và lại đối mặt với sự im lặng. Mãi đến cuối năm 2017, Lôi mới nhận được cuộc gọi mời tham gia vòng tuyển chọn trực tiếp, thậm chí anh còn mặc bộ đồ shipper thường ngày để tham dự cuộc thi.
Trong số 100.000 thí sinh trên toàn quốc, khả năng ghi nhớ vượt trội và sự am hiểu sâu sắc về thơ ca của Lôi Hải Vi đã giúp anh lọt vào top 100.
Trong tập chung kết phát sóng vào tháng 11/2018, Lôi Hải Vi đối đầu với “học bá” Bành Mẫn – một thạc sĩ văn học đến từ Đại học Bắc Kinh và là cựu quán quân một cuộc thi thành ngữ Trung Hoa. Dù xuất phát điểm học vấn chênh lệch rõ rệt nhưng chàng shipper đã giành chiến thắng bằng sự nhanh trí và tài năng thơ ca.
Khi người dẫn chương trình thông báo kết quả, cả khán phòng bùng nổ trong những tràng pháo tay. Lôi Hải Vi vẫn có vẻ bình tĩnh như thường lệ, chỉ mỉm cười rồi nói: “Mặc dù khó mà lọc qua từng hạt cát nhưng cuối cùng vàng sẽ lộ ra khi cát bụi đã được cuốn đi”.
Câu chuyện cuộc đời của anh đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người Trung Quốc. Sau chiến thắng, Lôi nhận được nhiều lời mời tham gia các sự kiện văn hóa hay diễn thuyết.
Một học viện đã đề nghị Lôi làm giáo viên dạy thơ cổ điển toàn thời gian dù anh không có bằng đại học. Chàng trai đã từ bỏ công việc giao hàng và theo đuổi sự nghiệp mới của mình.
Là một giáo viên dạy thơ, Lôi Hải Vi đã truyền tải sự tận tụy và nhiệt huyết, chia sẻ tình yêu dành cho văn học cổ điển của mình với học sinh, khuyến khích người trẻ tìm kiếm vẻ đẹp và ý nghĩa qua từng áng thơ.
Nguồn: https://vtcnews.vn/chang-shipper-thang-thac-si-truong-top-thanh-giao-vien-khong-can-bang-dai-hoc-ar918690.html