Nguyễn Bá Phú Quý lại chọn con đường học thuật để giúp cho nhiều học trò tỏa sáng trên sân khấu âm nhạc. Anh được mệnh danh là huấn luyện viên (HLV) thanh nhạc “mát tay” khi là người từng giảng dạy các giọng ca đình đám như: Đạt G, Osad, Nguyên Hà, Wren Evans… và ca sĩ gây nhiều ý kiến trái chiều về giọng hát Chi Pu.
Nguyễn Bá Phú Quý là người từng hướng dẫn nhiều giọng ca nổi tiếng hiện nay như Chi Pu, Đạt G, Nguyên Hà, Wren Evans…
Không tiếc nuối khi làm công việc giảng dạy
Bước ra từ nhiều cuộc thi âm nhạc uy tín nhưng không theo sự nghiệp ca hát mà lui lại phía sau với công việc giảng dạy thanh nhạc. Từ đâu Nguyễn Bá Phú Quý bén duyên với một công việc mang tính đặc thù như vậy?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về thống về nghề giáo nên công việc hiện tại không có nhiều xa lạ, đây cũng là lựa chọn ngay từ đầu của tôi chứ không phải là một bước lùi.
Khi còn là một ca sĩ trẻ, tôi tham gia rất nhiều các cuộc thi và đặt mục tiêu lấy thật nhiều kinh nghiệm về nghề ca sĩ, về thực hành sân khấu để có thể trở thành một HLV thanh nhạc sau này. Tôi nghĩ rằng để trở thành một HLV thanh nhạc, kiến thức chuyên môn vẫn chưa đủ để giúp các bạn trẻ có thể đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Tôi đã bén duyên với nghề giảng dạy từ năm 2010, sau khi đạt giải nhất Ngôi sao tiếng hát sinh viên toàn quốc. Khi đó, tôi đã được thầy Nam Khánh tin tưởng và trao cho những học viên đầu tiên để dạy.
Thời gian đầu, tôi chỉ được dạy những khóa ngắn của các trung tâm nên cũng không muốn nhận các bạn ấy là học trò. Sau này, mở lớp riêng tôi mới dám coi các bạn đến học đó là học trò của mình. Điểm chung của các ấy đều là những nghệ sĩ làm nghề có tâm, có trách nhiệm, cầu tiến.
Trong số những học trò đầu tiên, có nhạc sĩ Đỗ Hiếu, nhạc sĩ Mew Amazing, Nguyên Hà, Evy, Du Uyên… tôi nghĩ các bạn ấy đều đã có những vị trí nhất định trong lòng công chúng.
Đã bao giờ anh tiếc nuối rằng, với giọng hát của mình, lại thêm vai trò sản xuất âm nhạc, nếu có một ê kíp tốt cái tên Nguyễn Bá Phú Quý đã đình đám hơn rất nhiều so với việc anh cống hiến âm thầm, phía sau hậu trường?
Như đã chia sẻ, việc trở thành một giáo viên đã là lựa chọn và mục tiêu ban đầu, nên tôi không thấy có gì tiếc nuối.
Thật ra, trong 5 năm đi hát chuyên nghiệp tôi đã được đào tạo và có 1 ê kíp chuyên nghiệp với đầy đủ quản lý, đại diện truyền thông, make up riêng, stylist riêng, studio riêng, photographer riêng và một giám đốc âm nhạc riêng. Và bản thân tôi cũng cảm thấy phù hợp với một đời sống cống hiến trong yên lặng hơn.
Nhưng sẽ có một ngày anh sẽ trở lại với ca hát chứ?
Thời gian này, tôi đang thực hiện một album riêng cho bản thân. Trước hết là mong muốn có một sản phẩm chỉn chu làm kỷ niệm. Một phần, tôi cũng mong thông qua album của mình mình muốn truyền động lực và đam mê cho các bạn học sinh.
Nhưng mục tiêu gần nhất và lớn nhất của tôi vẫn là thực hiện chuỗi dự án Ngồi xuống nói chuyện và Ngủ đi con với vai trò host và producer. Đây là một trải nghiệm mới, rất thú vị và cũng khá thử thách đối với tôi.
Tôi mong rằng thông qua chuỗi chương trình này sẽ phần nào góp thêm động lực cho hn các bạn nghệ sĩ trẻ và các bậc phụ huynh, thông qua những góc khuất của người nghệ sĩ khi làm nghề, sống với nghề âm nhạc.
Ngoài ra, sắp tới tôi cũng thực hiện chuỗi workshop về âm nhạc đương đại, qua đó, các bạn tham gia sẽ hiểu thêm và hiểu đúng về âm nhạc.
Nguyễn Bá Phú Quý tại một sự kiện ra mắt âm nhạc.
Hãy xem giọng hát như món ăn đi
Trong dòng chảy của âm nhạc thị trường, khi mà các hiện tượng cover, ca sĩ TikTok… xuất hiện ngày càng nhiều, theo anh có khó không để tìm ra/ đào tạo ra một giọng ca có năng khiếu thực thụ?
Khi các bạn tìm đến tôi, tôi sẽ tổ chức một buổi kiểm tra năng khiếu dựa trên một quy trình mình đã soạn sẵn cho tất cả các bạn, do đó tôi không thấy có nhiều trở ngại. Nếu tất cả các giáo viên đều có quy trình kiểm tra học viên, tôi tin chắc đầu vào sẽ được kiểm soát và đầu ra cũng sẽ ổn hơn nhiều.
Tôi có 2 tâm niệm về nghề ca hát, đó là “học nghe nhạc trước khi học hát” và “học hát để bỏ mic xuống vẫn là ca sĩ”.
Học nghe nhạc chính là học nhìn nhận đẹp xấu, đúng sai, phân định các kỹ thuật… qua đó giúp người hát định vị được chính bản thân mình trong ca hát. Còn học hát để bỏ mic xuống vẫn là ca sĩ chính là nói về nội tại của người ca sĩ.
Một khi đã xác định bản thân đã là một ca sĩ. cho dù không có bất cứ gì hỗ trợ bản thân vẫn tự tin ca hát. Muốn được như vậy thì không thể làm gì khác ngoài chuyện trau dồi để có được thực lực.
Nhưng thực tế là, ai cũng có thể trở thành ca sĩ đấy thôi, bất chấp giọng hát tranh cãi. Anh có chạnh lòng khi chứng kiến thực trạng này?
Hoàn toàn không. Đó là điều tất yếu của sự phát triển, không riêng gì ở Việt Nam mà ở quốc gia nào cũng vậy. Điều đó thúc đẩy những người làm giáo dục và những người làm tổ chức, quản lý cần chặt chẽ hơn, cần chọn lọc kỹ hơn.
Về bản thân những bạn ca sĩ cần cập nhật hơn, nghiêm túc hơn, quyết liệt hơn và chuyên nghiệp hơn nữa.
Không riêng gì về ca sĩ mà cả nghề giảng dạy như tôi cũng thế thôi. Nhiều lớp nhạc bây giờ vẫn còn dạy học với mô hình lạc hậu một thầy – một piano – một học viên.
Trong khi bây giờ có biết bao nhiêu công cụ hỗ trợ giáo dục để cập nhật, bạn không bắt kịp thời đại thì bạn sẽ bị thải loại, đó là tất yếu.
Đó là lý do nhiều ca sĩ trẻ dù có nhiều bản hit nhưng lại đang gặp áp lực lớn từ dư luận xoay quanh vấn đề giọng hát? Theo anh, có gì đó bất ổn trong cách các nghệ sĩ trẻ này học thanh nhạc không hay là dư luận đã quá khắt khe?
Có bất ổn chứ. Nhưng vấn đề là các bạn ấy có cầu tiền không, có đang cố gắng thay đổi hay không?
Chẳng một ai muốn mình hát dở hay hát lỗi cả nhưng người nào biết sai biết sửa, có cầu tiến, ham học hỏi để thay đổi phát triển bản thân, chúng ta cũng nên đón nhận nhẹ nhàng hơn. Những lời góp ý luôn tốt hơn lời chê, mọi người hãy cứ khó tính với âm nhạc nhưng đừng quá cay nghiệt.
Chúng ta cứ xem các giọng hát như các món ăn đi, mình không hợp khẩu vị sẽ có người khác hợp khẩu vị, món ăn dở thì không thể có cả triệu người ăn được. Hãy tôn trọng khẩu vị của người khác nếu bản thân muốn điều ngược lại.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!