Bén duyên với nghề lập trình phần mềm hơn chục năm và đang làm việc tại Hà Nội, anh Vũ Đức Tuấn bất ngờ đưa ra quyết định “bỏ phố về quê” nuôi thuỷ sản. Những ngày đầu bắt tay vào công việc mới, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc quản lý trang trại. Và chính những khó khăn này là động lực để Vũ Anh Tuấn sáng tạo một phần mềm riêng cho mình và những người đang quản lý trang trại thủy sản.
Đó là cách anh Vũ Đức Tuấn (SN 1990, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có thể giám sát từ xa tình trạng phát triển của hàng triệu con tôm giống nhờ ứng dụng quản lý trang trại cài đặt trên điện thoại thông minh. Vũ Đức Tuấn bộc bạch, vốn là “dân công nghệ” nên khi nhận thấy những khó khăn trong quản lý và điều hành sản xuất của các trang trại, anh đã nung nấu ý tưởng thiết kế một ứng dụng dưới dạng nhật ký số… và phần mềm FarmGo đã ra đời như thế.
“Khi về làm trang trại, tôi đã nghĩ rằng tôi từ bỏ ngành IT. Đến khi chăn nuôi được khoảng 2 năm, công việc kinh doanh ở trang trại trở nên quá tải, đòi hỏi cần phải có công cụ để quản lý nhưng không có công cụ nào đáp ứng được. Lúc ấy tôi quyết định quay trở lại làm một số công cụ để giải quyết cho trang trại nhà mình. Sau đó thấy hiệu quả, cần nhân rộng để giúp những người làm trang trại thuận lợi và dễ đến thành công hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Trực tiếp điều hành trang trại, anh Tuấn biết rất rõ những người quản lý cần điều gì khi sử dụng FarmGo và xác định, phần mềm phải dễ sử dụng, không đòi hỏi thiết bị chuyên dụng hay đắt tiền để ai cũng có thể tiếp cận, khai thác. Mặt khác, phần mềm phải phù hợp với điều kiện làm việc thực tế, có các nghiệp vụ cơ bản phù hợp với từng quy mô sản xuất, kiểu trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hay thuỷ hải sản… Nhờ những ưu điểm đó, phần mềm FarmGo hiện thu hút hàng nghìn tài khoản của các trang trại nuôi sử dụng với mức phí thuê bao từ 30.000 đồng/tháng.
Nhớ lại thời điểm phần mềm mới phát hành, anh Tuấn gặp phải không ít khó khăn do người chăn nuôi vốn quen nếp làm “theo kinh nghiệm”, ngại tiếp xúc với công nghệ. Để thay đổi tư duy, thói quen của người chăn nuôi, anh Tuấn đã hỗ trợ người dùng với nhiều hình thức như tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thời gian sử dụng phần mềm miễn phí…
Chị Lê Thị Khoa (hộ chăn nuôi gà ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, cũng như nhiều người chăn nuôi ở Quảng Yên thay đổi thói quen không dễ nhưng đến giờ việc chăn nuôi của gia đình chị thuận lợi hơn rất nhiều.
“Trước đây tôi cũng không mặn mà với việc sử dụng công nghệ vào chăn gà, vì vốn đã quen với việc ghi chép sổ sách thủ công. Nhưng từ khi có bạn Tuấn chỉ dẫn nhiệt tình, kiên trì hướng dẫn cách dùng phần mềm, thường xuyên tặng thời gian sử dụng miễn phí, nên sau một khoảng thời gian sử dụng, tôi cũng thấy quen dần với cách thức quản lý mới và dần thấy nó thật sự rất hữu ích”, chị Khoa không giấu nỗi thán phục.
Cùng với việc sử dụng phần mềm quản lý, người chăn nuôi nhận thấy việc ứng dụng chuyển đổi số đã đem lại hiệu quả cao cho chính trang trại của họ. Anh Vũ Tiến Dương (xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên) – hiện là chủ trang trại chăn nuôi lợn lên đến gần 250 con cho biết, do chỉ có 1 mình làm tất cả công đoạn, nên khối lượng công việc trong 1 ngày là rất lớn. Nhưng từ khi anh biết đến và sử dụng phần mềm quản lý trang trại trên điện thoại thông minh, công việc của anh đã đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
“Trước đây mình cứ dọn dẹp chuồng trại, cho ăn xong lại phải vào sổ sách ngay, mỗi khi sổ sách hư hỏng thất lạc kiểm tra số liệu rất khó. Từ ngày sử dụng phần mềm công việc hiệu quả hơn rất nhiều, số liệu có thể cập nhật ở mọi lúc mọi nơi, khối lượng công việc được giảm đi nhiều, tiết kiệm thời gian và chi phí cho trang trại”, anh Dương chia sẻ.
Chính từ suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân chăn nuôi đã tạo động lực, dung dưỡng niềm đam mê giúp Vũ Đức Tuấn sáng tạo ra những phần mềm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là tiền đề gúp anh tham gia thử sức các cuộc thi và đạt nhiều giải thưởng của địa phương và cấp quốc gia như: Á quân Techfest Hải Phòng năm 2022, Quán quân Ý tưởng sáng tạo tỉnh Quảng Ninh 2023…
Mới đây nhất, tại cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2023” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp tổ chức, Vũ Đức Tuấn lại xuất sắc lọt vào vòng chung kết toàn quốc với dự án “Nền tảng phần mềm quản lý trang trại FarmGo”.
Chị Bùi Thị Quỳnh Nga, Bí thư Thị đoàn Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, những thành tích của Vũ Đức Tuấn đã lan toả tinh thần khởi nghiệp sôi nổi trong CLB khởi nghiệp Quảng Yên.
“Vũ Đức Tuấn cũng là một thành viên tích cực của CLB khởi nghiệp Quảng Yên. Hướng đến của bạn ấy cũng muốn là đóng góp thêm một phần sức trẻ của mình để giúp đỡ cho người dân ở trên địa bàn, cùng phấn đấu phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thị đoàn đang muốn lan toả tinh thần khởi nghiệp của anh Tuấn, đến với nhiều thanh niên khác có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, chị Nga cho biết.
Trong thời gian tới, ngoài giải quyết được bài toán quản lý trang trại, anh Tuấn mong muốn sẽ phát triển thêm ứng dụng đưa sản phẩm cuối cùng đến khách hàng. Qua đó, người nông dân, doanh nghiệp vừa tiêu thụ được sản phẩm làm ra, người tiêu dùng cũng sẽ yên tâm khi nguồn gốc được truy xuất minh bạch, đảm bảo an toàn.