Khi bị chê là Việt Nam xuất khẩu “gạo thơm giá rẻ giỏi nhất thế giới” ông có buồn không, hay lại tự nhủ phải lai giống chất lượng hơn cho bằng được?
– Cái sai bắt đầu từ quan điểm của nhà khoa học trong nước, khi chọn lai tạo loại lúa thơm nhẹ của Việt Nam, họ đều chọn phương pháp dễ nhất. Họ lai tạo một giống lúa thơm với một giống lúa không thơm.
Theo quy luật di truyền phân ly thì giống mới lai chỉ được năm mươi phần trăm của giống thơm kia, trong khi chuẩn mực trên thế giới là loại gạo thơm Khao Dawk Mali của Thái Lan, thì lấy gì mà cạnh tranh về chất lượng (chưa nói đến an toàn vệ sinh thực phẩm), trước khi cạnh tranh về giá? Anh chưa đánh đã thấy thua rồi. Những lời chê bai cực kỳ nặng nề. Như đã nói, ngay từ đầu, các nhà khoa học Việt Nam đã sai ở phương pháp lai tạo kiểu đó, không thể cạnh tranh được với gạo thơm Thái.
Tại sao chúng tôi lấy lúa Thần nông cạnh tranh với gạo Thái được? Giai đoạn trước, mình chỉ lấy gạo thơm của Thái ra làm chuẩn mực để phấn đấu, nhưng trong thời gian đó, vừa lai, vừa tập hợp nguồn gene của nhiều thứ gạo trên thế giới, kể cả gạo tám của Bắc Bộ.
Trong sự thành công của ST24, ST25 gene thơm của gạo tám Bắc Bộ chiếm một tỉ lệ khá cao, cho nên cuối cùng loại gạo “con lai” này có những đặc tính khác biệt với gạo của Thái Lan.
Theo ông, vì sao gạo ngon của ta lại ít tiếp cận được với người tiêu dùng trong nước và hơn thế, chưa đánh bại được tâm lý chuộng gạo ngoại của họ?
– Tại vì các nhà khoa học của ta tuyên truyền sai. Gạo Campuchia an toàn thì khỏi nói, còn về chất lượng, gạo của họ ngon nhưng sau 3 tháng bị khô hết. Dân Cần Thơ khi xưa tập trung mua gạo Miên (gạo Campuchia), giờ chỉ bán được một thời gian ngắn rồi thôi. Còn gạo Thái Lan nửa năm ngon, nửa năm sau dở, có phần đỡ hơn gạo Campuchia.
Ví dụ như gạo Khao Dawk Mali 1 năm trồng chỉ một mùa, 6 tháng sau thì cũ, gạo dở dần. Đến tháng 11, tháng 12 khi đi thi luôn phải nấu với tỉ lệ 1,3 nước trên gạo, vì là thời điểm gạo dở nhất.
Tôi muốn nói đến ưu thế của lúa thần nông là có sản lượng cao để đáp ứng nhu cầu quanh năm của thế giới mà hương vị không biến động lớn như gạo Thái Lan. Nếu doanh nghiệp Việt Nam biết cách khai thác thì đó là một cơ hội vàng.
Ông vừa nói đó là cơ hội vàng, nhưng vì sao doanh nghiệp Việt vẫn chưa nắm lấy được?
– Là do hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam. Khác với Thái Lan, họ luôn có chiến lược dài hạn và không ăn xổi ở thì như doanh nghiệp (DN) Việt Nam. DN Việt rất năng động nhưng không có chiến lược dài hạn. Họ chỉ tính lợi ích kinh tế trước mặt. Họ mua vô, bán ra ngay thì lời lãi có liền, còn đầu tư dài hạn lại không dám vì có thể có yếu tố rủi ro. Nếu DN Việt không thay đổi tâm thế kinh doanh thì sẽ không xây dựng được thương hiệu.
Muốn xây dựng được thương hiệu, phải có hàng hóa cung cấp đều đặn thêm lên. Mấy DN nước ngoài khi làm ăn đều yêu cầu có hàng để cung cấp thường xuyên. Mình thua vì đa số không có nguồn dự trữ.
Nhiều người lo ngại rằng nếu tăng sản lượng lúa gạo lên thì khó kiểm soát được chất lượng, ông nghĩ sao?
– Thực ra, nếu muốn kiểm soát về chất lượng, có nhiều khâu lắm. Thứ nhất, phải chọn vùng chỉ dẫn địa lý, vì mỗi sản phẩm ngon theo vùng địa lý. Khi xưa, chỉ dẫn địa lý nghiêm ngặt, nhưng bây giờ thì chỉ nói rõ là “vùng trồng phù hợp” thôi.
Thí dụ, ở ĐBSCL, những vùng bên sông Tiền, sông Hậu khi nước phù sa bồi đắp hàng năm, đất màu mỡ, sẽ không có lúa thơm nào ngon hết. Không nên trồng gạo thơm ở vùng 3 vụ lúa, chỉ ở vùng trồng 2 vụ, vùng luân canh lúa-tôm, vùng luân canh lúa màu, gạo thơm mới cho chất lượng cao hơn vùng phù sa đầy đủ. Điều đó hiển nhiên hết sức rõ ràng từ xưa tới nay.
Thứ nhì là công tác quản lý giống. Quản lý giống để đạt được độ thuần về phẩm chất hạt gạo, đặc biệt đối với gạo thơm càng cao cấp chừng nào thì phẩm chất càng phải đồng đều tính từ trong ra chứ không phải chỉ ở hình thức.
Việt Nam hiện nay kiểm soát độ thuần của gạo bằng mắt, trong khi Thái Lan kiểm soát độ thuần của Khao Dawk Mali bằng máy phân tích ADN, chỉ cho phép tỉ lệ độ thuần đạt từ 92% trở lên. Họ nâng chuẩn lên hoài, nếu VN không kiểm soát từ độ chuẩn của hạt giống thì làm sao kiểm soát được độ thuần của hạt gạo?
Phải chăng gạo Bắc ngon hơn gạo Nam, như tám thơm chẳng hạn?
– Tám thơm ở ngoài Bắc nay đã hết rồi. Chỉ còn gạo Bắc thơm (của Trung Quốc). Giống tám thơm gần như mất hoàn toàn do lúc trước, ta chú trọng đến sản lượng lương thực, nhưng cũng có cái may là chúng tôiđã kịp thời đưa gene tám thơm vào giống ST24, ST25.