Nhà Trắng chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về việc cho phép Ukraine tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm 13/9.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 2 từ trái sang) hội đàm cùng Thủ tướng Anh Keir Starmer (ngoài cùng bên phải) hôm 13/9 tại Nhà Trắng. (Nguồn: PA media) |
Hãng thông tấn TASS đưa tin, theo biên bản cuộc hội đàm do Nhà Trắng công bố, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và bày tỏ quan ngại với các cáo buộc Iran và Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Moscow và Trung Quốc “hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”, bất chấp việc các nước này bác bỏ.
Về Trung Đông, hai bên nhắc lại cam kết hỗ trợ Israel và nhu cầu đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza càng sớm càng tốt, đồng thời lên án những vụ tấn công của Houthi vào tàu thương mại trên Biển Đỏ.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Starmer còn thảo luận về chủ đề hợp tác giữa Mỹ và Anh trong khuôn khổ quan hệ đối tác quân sự ba bên với Australia (AUKUS), cũng như hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Thủ tướng Starmer có ý định thúc ép Tổng thống Biden ủng hộ kế hoạch của ông về việc chuyển tên lửa tấn công tầm xa Storm Shadow do Anh chế tạo đến Ukraine để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Người đứng đầu chính phủ Anh bày tỏ: “Tôi cho rằng vài tuần và vài tháng tới có thể rất quan trọng, rất, rất quan trọng, rằng chúng ta ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến giành tự do sống còn này”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Ukraine không thể tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây vì họ cần dữ liệu trinh sát từ vệ tinh để thực hiện hành động như vậy.
Theo ông chủ Điện Kremlin, các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện không chỉ tranh luận về khả năng Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp mà về cơ bản, họ đang quyết định xem có nên trực tiếp tham gia cuộc xung đột Ukraine hay không.
Nhà lãnh đạo cảnh báo, nếu quyết định về việc “cởi trói” cho Ukraine tấn công tầm xa vào Nga được đưa ra thì Mỹ, NATO và các đồng minh đang ở tình trạng xung đột với Moscow.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ thấp các mối đe dọa chiến tranh từ Mosscow. Tổng thống Biden quả quyết: “Tôi không nghĩ nhiều về ông Vladimir Putin”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tong-thong-my-gap-thu-tuong-anh-chang-co-quyet-dinh-coi-troi-cho-ukraine-ong-biden-noi-khong-nghi-nhieu-ve-tong-thong-nga-286263.html