Phụ huynh ở Hà Nội, TP HCM bức xúc vì nhiều trường tiểu học, THCS nở rộ việc liên kết với trung tâm bên ngoài dạy kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ, STEM, đưa chương trình liên kết vào giờ học chính khóa.
Không đăng ký không được
Chị Nguyễn Thanh Phượng, phụ huynh sống tại TP Hà Nội, cho hay một tuần, con trai học lớp 4 của chị có 3 môn liên kết.
Các môn học này xen kẽ vào lịch học chính khóa nên dù là chương trình liên kết nhưng 100% phụ huynh đều tự nguyện đăng ký cho con học. Lý do là đầu năm, cô chủ nhiệm đã phổ biến nếu học sinh nào không học môn liên kết thì phải ra khỏi lớp cho các bạn khác học, có thể chơi tự do trong sân trường chờ đến tiết học tiếp theo. Thương con có thể bị bơ vơ ngoài sân giữa trời nắng mưa, không phụ huynh nào dám từ chối. Học phí cho 3 môn này khoảng hơn 700.000 đồng/tháng.
Một phụ huynh khác kể khi đặt câu hỏi với giáo viên, được cho hay trường đã lấy ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh và đa số đồng thuận tổ chức học tiếng Anh tăng cường theo diện liên kết. Lịch học do trường và tổ bộ môn bố trí phù hợp với nhân lực và thời gian của đơn vị liên kết đào tạo. Rõ ràng là bị đặt vào tình thế ép buộc.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thừa nhận việc quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nơi còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Thậm chí, có hiện tượng buông lỏng quản lý hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, dẫn đến những băn khoăn và tạo dư luận không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này.
Với bậc tiểu học, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tiết 35 phút. So với chương trình cũ, mỗi tuần có thêm 4-7 tiết tăng cường, những tiết học này bố trí hoạt động giáo dục gì, sắp xếp lịch học ra sao tùy điều kiện, sự linh hoạt của mỗi trường. Học sinh có thể tự học với giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường hợp đồng với đơn vị liên kết để có thêm chương trình phong phú, chất lượng hơn.
Học sinh tiểu học trong giờ học chính khóa tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Không cố ý xếp để “ép”
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khẳng định việc chèn môn liên kết vào lịch học chính khóa không phải do thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tăng thời gian học ở trường là để học sinh có điều kiện tham gia các hoạt động về thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm nhằm phát triển toàn diện chứ không phải để tăng giờ cho các môn cơ bản như toán, văn, ngoại ngữ… làm tăng áp lực cho học sinh và tăng chi phí học tập với phụ huynh.
“Mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở tiểu học chắc chắn không phải tạo điều kiện cho các nhà trường kết hợp với đơn vị liên kết đưa môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào giờ học chính khóa rồi buộc học sinh, phụ huynh phải đăng ký học và trả tiền” – PGS-TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định.
Ông Thái Văn Tài cho hay thời khóa biểu cho các hoạt động giáo dục theo nhu cầu của người học phải được sắp xếp khoa học, phù hợp nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lý về thời lượng, không gây quá tải, không ép tham gia, không chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp có những học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia.
Lý giải việc xếp lịch học thêm vào lịch chính khóa, hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng không hoàn toàn do trường cố ý xếp để “ép” phụ huynh tham gia. Khi tổ chức dạy 2 buổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhân sự của trường không có khả năng đáp ứng nên bắt buộc phải liên kết đào tạo để lấp đầy thời khóa biểu. Trong khi đó, đơn vị liên kết cùng lúc làm việc với nhiều trường, không thể trường nào cũng xếp lịch học vào cuối buổi.
Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được triển khai nhiều năm qua.
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Equest, cũng cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn hạn hẹp thì hợp tác công – tư không chỉ tạo cơ hội để học sinh có thể tiếp cận nhiều môn học, phương pháp giảng dạy quốc tế mà còn hướng đến nền giáo dục toàn diện. Nếu biết cách phối hợp với các bên thì chắc chắn sẽ tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cả 3 bên (học sinh – đối tác – nhà trường).
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT rà soát, báo cáo tình hình những hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên về bộ trước ngày 15-10.
Chưa khảo sát hết nguyện vọng
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết có thực tế là việc sắp xếp thời khóa biểu tại một số cơ sở giáo dục chưa thật sự hợp lý, chưa khoa học, khiến phụ huynh phản ứng. Kể cả việc tổ chức các câu lạc bộ có thu phí cũng chưa thật sự khảo sát hết nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh, dẫn đến những ý kiến không hài lòng.
“Sở GD-ĐT thành phố ghi nhận hết những ý kiến này và đã chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị giáo dục trong công tác quản lý, tổ chức, truyền thông cho phụ huynh. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức họp nhằm thông tin cụ thể, rõ ràng với các phòng GD-ĐT để các đơn vị nắm rõ cụ thể từng nội dung, triển khai xuống các trường nhằm thực hiện cho đúng” – vị này nói.
Đ.Trinh