Truyền thuyết dân gian kể rằng nơi đây có tên T’nưng (Tơ-Nưng) đặt theo tên một ngôi làng cổ vốn rất sung túc cho tới khi bị vùi lấp bởi nham thạch và tàn tro núi lửa. Những người còn lại của ngôi làng nhớ thương cảnh cũ người xưa mà rơi lệ, nước mắt theo thời gian chảy thành suối, suối đổ vào một vùng hồ rộng lớn nơi lưng chừng cao nguyên.
Biển Hồ T’nưng có tên từ đó, chữ theo tiếng Jrai (Jơ-Rai) nghĩa là “biển trên núi”. Phải chăng vì ôm ấp bao tình yêu thương như thế mà Biển Hồ trải qua muôn khắc nghiệt thời tiết, kể cả những mùa nắng hanh khô hạn nhất vẫn chưa từng cạn nước.
Còn các đo đạc địa chất hiện đại sau này giúp khẳng định Biển Hồ gồm 3 phễu trũng hình thành từ 3 miệng núi lửa có niên đại hàng triệu năm, đáy hồ được bồi đắp lâu ngày đã trở nên bằng phẳng, không có sông suối nào đổ vào hồ nhưng nước ngọt tự nhiên của hồ không những không cạn mà còn đủ để chảy ra ngoài qua suối nhỏ. Sự kỳ diệu trong kiến tạo đã ưu ái như thế để Gia Lai gìn giữ “đôi mắt Pleiku” sáng trong trứ danh đi cùng năm tháng.
Ngày nay, bên cạnh những nét quyến rũ e ấp sinh ra bởi tự nhiên, Biển Hồ cũng được đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch bền vững. Từ năm 1988, nơi đây đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Tỉnh Gia Lai đã chú trọng nạo vét lòng hồ, trồng thêm cây xanh, mở đường lớn với những rừng thông cao vút hai bên tạo cảnh quan và ấn tượng chuyên nghiệp để đón du khách tới trải nghiệm. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng cao 15m nằm trên dải đất chạy dài vào lòng hồ, sau khi được phục chế từ năm 2018 tới nay, đã trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh ý nghĩa.
Dạo quanh Biển Hồ còn có nhiều điểm dừng chân đáng nhớ khác. Trước tiên phải kể đến ngôi cổ tự lâu đời nhất của tỉnh Gia Lai – chùa Bửu Minh – có mặt tiền hướng Tây nhìn về T’nưng còn lưng tựa dãy Tiên Sơn, vị trí phong thủy vô cùng đắc địa. Chùa có kiến trúc đan xen độc đáo của Phật giáo Nhật Bản và Đài Loan. Tháp chính với chiều cao đỉnh hơn 45m nguy nga, có thể diện kiến từ xa, còn tam quan mang dáng dấp của Hiển Lâm Các (đại nội Huế) với tỷ lệ xây dựng cân đối hài hòa.
Lối dẫn vào chùa đi qua hàng thông đã trăm năm tuổi dài hơn 800m đẹp mơ màng nhất là vào những buổi sớm tinh sương, nắng ấm vàng xuyên qua kẽ lá. Bên trong khuôn viên chùa có chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca tọa thiền bằng đá trắng cao hơn 3m, bên ngoài là hành lang đặt hơn 60 bánh xe chuyển kinh luân tạo nên không gian độc đáo mà không kém phần trang nghiêm, thanh tịnh giữa một vùng đồi chè xanh ngăn ngắt. Được biết nơi đây tiền thân là Sơn Hải Miếu do cư dân khu vực quanh Biển Hồ lập nên, tới năm 1936 mới xây chùa lớn đặt tên là chùa Phật Học.
Trải bao hưng phế, chùa được trùng tu, tôn tạo và chính thức có tên “Bửu Minh” từ năm 1961 đến nay. Lịch sử ra đời của chùa gắn liền với lịch sử quần cư nơi phố núi, lại là đại diện tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa tâm linh người dân cao nguyên, chùa Bửu Minh cùng với khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo luôn là điểm đến đem lại cho du khách cảm giác khó quên.
Tạp chí Heritage