Các thành viên đoàn kiểm tra tỉnh Quảng Bình nghe đại diện chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Ho giới thiệu về mốc giới số 567.
Trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào thuộc tỉnh Quảng Bình có hàng chục mốc quốc giới, nhưng có hai cột mốc có thể dễ dàng bắt gặp, một nằm trên đường Quốc lộ 12A khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa và một ở Cửa khẩu Cà Roòng-Nọng Ma cuối tuyến đường 20 Quyết thắng thuộc huyện Bố Trạch. Còn phần lớn mốc quốc giới đều nằm ở những vị trí hết sức hiểm trở trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, việc xây dựng, bảo vệ cột mốc quốc giới rất gian nan.
Chúng tôi từng được các chiến sĩ biên phòng kể, mỗi lần các anh đi tuần tra cột mốc phải mất nhiều thời gian, có khi vài ba ngày với cơm đùm, muối bới. Vì thế, khi nghe một cán bộ ở Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình gọi điện bảo thu xếp để cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra thực địa mốc quốc giới thì chúng tôi rất vui. Anh còn dặn thêm, đường đi lên mốc giới rất gian nan, vì thế cần dành ít hôm tập luyện để đôi chân dẻo dai trên hành trình xuyên rừng, vượt đèo, leo dốc giữa đại ngàn Trường Sơn.
5 giờ sáng một ngày giữa hè năm 2023, đoàn chúng tôi xuất phát từ thành phố Đồng Hới đến bản Chút Mút, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy để đi kiểm tra thực địa mốc quốc giới số 567 và 568 trên biên giới giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Lào).
Chút Mút, bản xa như tên gọi. Mới sáng sớm, bản nhỏ bên biên giới Việt-Lào đã hoang hoải gió phơn tây nam, báo hiệu một ngày hầm hập nóng. Trung tá Hoàng Trọng Trình, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Ho, thành viên đoàn công tác hướng dẫn chúng tôi về những kỹ năng và trang, thiết bị cần thiết để đi rừng, nhất là với việc đi tuần tra ở biên giới.
Theo anh Trình, các cột mốc quốc giới trên biên giới tỉnh Quảng Bình thường nằm ở các đỉnh núi cao nhất trên dãy Trường Sơn. Vì thế, phần lớn quãng đường đi tuần tra ở mốc quốc giới đều phải liên tục leo dốc và xuống dốc, mà không có những chặng đường bằng ở khe, suối hoặc thung lũng. Muốn chinh phục hết hành trình, người đi phải biết giữ sức, phân bố sức hợp lý để bảo đảm sự dẻo dai. Nghe nói vậy, nhiều người trong đoàn, nhất là các thành viên nữ hơi ái ngại, nhưng vì trách nhiệm và cả sự háo hức, trải nghiệm, ai cũng hăng hái lên đường dẫu biết rằng hành trình phía trước không hề dễ dàng.
Từ bản Chút Mút, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đến thăm mốc quốc giới số 567 nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Dốc dài thứ nhất chúng tôi phải vượt qua được các chiến sĩ biên phòng đặt tên là dốc Nháp, cũng có nghĩa là thử sức. Vâng, chỉ mới “nháp” thôi mà nhiều người bắt đầu thở ra đằng tai, vì phần lớn đều chưa quen đường rừng hoặc rất ít đi rừng, vượt dốc cao. Sau hơn một giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi đã vượt qua dốc Nháp, đến khe Chút Mút với dòng nước mát lạnh chảy ra từ thung sâu Trường Sơn.
Trung tá Hoàng Trọng Trình nói, vị trí này là nơi mà cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường nghỉ chân mỗi khi đi tuần tra biên giới. Anh cũng đề nghị mọi người trong đoàn, ai cảm thấy đuối sức thì nên dừng lại ở đây, bởi đoạn tiếp theo là quãng đường khó khăn nhất với một dốc cao gần như dựng đứng và dài như bất tận. Các chiến sĩ biên phòng cũng phải mất ba giờ đồng hồ mới vượt được dốc cao này, đặc biệt nếu gặp trời mưa thì vô cùng gian nan.
Vừa thở vừa cười song không ai trong đoàn chịu ở lại. Các cô ở Sở Ngoại vụ cũng hạ quyết tâm phải lên bằng được cột mốc quốc giới 567. Có người đề nghị, nếu đến đoạn nào đó không đi nổi thì nhờ các anh bộ đội biên phòng xốc nách, dìu lên.
Qua dốc Nháp, đường vừa dốc cao, vừa rậm rạp cây cối. Trung tá Hoàng Trọng Trình lệnh cho các chiến sĩ đi đầu dùng dao, rựa phát cây dọn đường và dùng sơn đỏ đánh dấu đường đi. Vừa đi, các anh vừa dìu, trợ giúp chúng tôi đi qua những đoạn đường nguy hiểm và tránh những con vắt rừng đang vươn vòi bám theo. Những câu chuyện tiếu lâm của các anh bộ đội biên phòng và thành viên đoàn công tác đã làm cho cho mọi người trong đoàn cùng cười vui, giúp xua tan đi cái mệt. Song hành trình vẫn còn dài, dốc phía trước vẫn như dựng đứng.
Một cô trong đoàn cất tiếng hỏi: “Rứa sắp đến cột mốc chưa anh Trình ơi”. Trung tá Trình không trả lời thẳng mà động viên: “Qua khỏi ngọn núi trước mặt là đến rồi em”. Nhưng rồi ngọn núi đã qua mà đích đến vẫn chưa thấy. “Còn khoảng 30 phút nữa là đến nơi, cố lên các anh, chị, em”- vẫn là lời động viên của người sĩ quan biên phòng dạn dày sương gió miền biên ải. Còn chúng tôi thì phì phò ngược dốc để được chạm vào cột mốc quốc giới đang mờ xa phía biển mây.
Và rồi, sau hơn bốn giờ leo dốc liên tục, cột mốc quốc giới 567 đã hiện ra giữa đất trời biên cương của Tổ quốc. Trên một khoảnh đất chừng 10m2 khá bằng phẳng, chung quanh là cây lồ-ô lòa xòa cành lá, cột mốc quốc giới được làm bằng đá hoa cương, mặt trước của cột được khắc tên nước, số hiệu mốc và năm sản xuất mốc; phía sau khắc tên nước bạn Lào. Dù đã 13 năm trôi qua kể từ thời điểm xây dựng, giữa mưa nắng Trường Sơn, song cột mốc giới vẫn còn sáng, sạch, rõ chữ và nhất là đá hoa cương đã bóng lên màu thời gian.
Chúng tôi ai cũng vỡ òa hạnh phúc vì đã vượt qua được những chặng đường khó khăn mà các thành viên trong đoàn chưa từng trải qua. Được chạm tay vào cột mốc quốc giới, trong giây phút này, mọi vất vả, mệt mỏi dường như tan biến, trong chúng tôi dâng trào niềm tự hào và sự xúc động khó tả. Có lẽ, chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được rõ nhất ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc” mà bao lớp cha anh đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như lúc này.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình rưng rưng xúc động: “Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi khi nhìn thấy những con vắt rừng và vận dụng 200% sức lực để leo những cái dốc dựng đứng, lên được nơi đây, giữa thiêng liêng của đất trời Trường Sơn. Thật quá tự hào !”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi có chuyến hành trình lên với cột mốc quốc giới trên đỉnh Trường Sơn. Có lên được nơi này, chúng ta mới thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm tuần tra, canh gác để giữ bình yên cho từng tấc đất của quê hương, của Tổ quốc, giữ cho mốc quốc giới được vẹn toàn”.
Sau giây phút bồi hồi xúc động, các thành viên trong đoàn mỗi người một tay, cùng lau sạch sẽ cột mốc, phát quang cỏ cây chung quanh khu vực mốc giới, kiểm tra lại các thông tin ghi trên cột để bảo đảm mốc giới được nhận biết rõ ràng trên tuyến biên giới.
Trời bắt đầu xế chiều, rưng rưng tạm biệt cột mốc chủ quyền, chúng tôi bắt đầu hành trình xuống núi. Nếu đường đi lên đã khó thì khi trở xuống càng khó khăn gấp bội. Bởi lúc này tất cả trọng lượng cơ thể đều dồn cả vào đôi chân mà nếu không cẩn thận rất dễ bị trẹo chân, chùn gối. Một lần nữa, các chiến sĩ biên phòng bằng kinh nghiệm của mình lại hướng dẫn và hỗ trợ các thành viên trong đoàn cách đi xuống dốc an toàn.
Mặt trời xuống núi cũng là lúc đoàn chúng tôi ra khỏi rừng già. Một ngày luồn rừng, leo lên rồi xuống dốc, các thành viên trong đoàn ai cũng mệt. Vậy nhưng không ai có một lời than vãn, bởi chúng tôi vừa trải qua một chuyến công tác ý nghĩa, một hành trình trải nghiệm rất tự hào và đáng nhớ. Ai cũng cười vui và tiếp tục chuẩn bị cho một hành trình mới vào ngày mai mà theo Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Ho thì quãng đường đến kiểm tra cột mốc tiếp theo ngắn và ít vất vả hơn.
Quả thật, sáng hôm sau, đoàn chúng tôi tiếp tục chuyến thăm, kiểm tra thực địa mốc quốc giới số 568 nằm trên đồi Yên Ngựa ở độ cao 645m so với mực nước biển. Để đến mốc quốc giới này, chúng tôi chỉ mất 1,5 giờ đồng hồ đi bộ. Các chiến sĩ biên phòng cho biết, mốc giới quốc gia 568 ở vị trí khá thuận lợi, cho nên luôn được dân bản Chút Mút cũng như xã Lâm Thủy bảo vệ, gìn giữ. Còn theo đại diện Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Quảng Bình, nằm cuối Quốc lộ 9B từ Việt Nam qua nước bạn Lào, theo quy hoạch, sắp tới khi Cửa khẩu quốc tế Chút Mút-Lạ Vin được mở, mốc quốc giới 568 sẽ trở thành cột mốc cửa khẩu.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình có lần chia sẻ với chúng tôi, Quảng Bình có tuyến biên giới đất liền dài hơn 222 km với 61 cột mốc quốc giới và một cọc dấu. Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, một số tuyến đường tuần tra biên giới được đầu tư xây dựng đến sát chân cột mốc quốc giới, nhưng còn rất nhiều vị trí cột mốc nằm giữa rừng sâu, núi cao. Mỗi lần cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đi tuần tra biên giới, kiểm tra mốc quốc giới ở các địa bàn hiểm trở, phải mất gần cả tuần đi và về. Trong hành trình bảo vệ cột mốc cũng như chủ quyền biên giới ấy luôn có sự đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Họ như những “cột mốc sống” ngày đêm cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc miền biên cương Tổ quốc.