Sau khi tham quan cơ sở vật chất, thăm hỏi, động viên cán bộ, giáo viên và học sinh tại hai ngôi trường, thăm Khoa Nghệ thuật (Trường CĐ Sư phạm T.Ư) – nơi đang đào tạo thiết kế đồ họa cho các sinh viên khiếm thính, Thủ tướng đã tham dự buổi gặp mặt, động viên và tặng quà, trao học bổng cho các thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt tại hai ngôi trường. Theo Thủ tướng, công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân chăm lo, nhất là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật…
Cho rằng giai đoạn phát triển mới đặt ra cho công tác về trẻ em nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng nhiều khó khăn, thách thức mới, Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo của hệ thống các trường chuyên biệt nói chung và của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập nói riêng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục chia sẻ, đồng cảm, thương yêu, dạy dỗ, chỉ bảo các cháu học sinh. Thủ tướng mong các học sinh cố gắng học giỏi, chăm ngoan, làm những điều tốt lành, yêu gia đình, yêu thầy cô, yêu bè bạn, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành tổng kết mô hình, nghiên cứu, phát triển Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập lớn mạnh, có vai trò dẫn dắt hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập khác của các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương phải coi việc chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật, người yếu thế, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật là nhiệm vụ quan trọng, theo tinh thần “không có ai bị bỏ lại phía sau”. Nhân dịp này, Thủ tướng đã tặng 102 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt dưới 16 tuổi; tặng một số thiết bị phục vụ học tập cho Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.