Thiếu điện đang là vấn đề nóng nhất trong những ngày nắng như đổ lửa ở miền Bắc. Và câu thành ngữ “nhanh như cắt” có vẻ cần có thêm “đuôi” thành “nhanh như cắt… điện” để biểu đạt tốc độ không ngờ tới. Trong lúc dân tình còn đang ngập tràn âu lo, thấp thỏm bao giờ đến lượt, thì… “phụp” – điện đã tắt – có những nơi không hề báo trước.
Ở chiều ngược lại, một biến tấu khác: “chậm như… điện” là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mệnh đề phía trước.
Còn nhớ hồi tháng 11.2022, Quốc hội đã từng yêu cầu làm rõ trách nhiệm liên quan đến 13 dự án và chuỗi dự án trọng điểm về điện, than, dầu khí chậm tiến độ giai đoạn 2016-2021.
Gần đây nhất, hồi giữa tháng 5.2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch này phân rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư của 5 dự án điện than, nếu kéo dài đến tháng 6.2024 không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Hôm qua, đăng trên Laodong.vn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết cảnh báo thiếu điện đã được đưa ra cách đây vài năm, trước khi diễn ra dịch COVID-19. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.
Vậy là từ ít nhất 3 năm trước, ngành điện cũng như Bộ Công Thương có thể nhìn thấy các nguy cơ hiện hữu nhưng vẫn “chậm chân” trong cuộc chạy đua với nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước.
Cũng trên Laodong.vn, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khẳng định nhiều dự án điện tái tạo đã hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể đấu nối lên lưới quốc gia do vướng các thủ tục hành chính và đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong khi đó, Quy hoạch Điện 8 sau thời gian dài chậm trễ mới được ban hành, thế nhưng lại chưa có hướng dẫn, khiến cho hàng trăm dự án truyền tải điện tiếp tục bế tắc.
Chưa kể, hơn 1 năm sau khi Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực, tới giờ vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn, vậy thì làm sao để các nhà đầu tư xắn tay cùng kiếm lời?
Những sự chậm trễ trong cả việc triển khai, hoạch định và điều hành của ngành điện, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan chính là một phần tác nhân trong bức tranh cắt – cúp điện cả kế hoạch lẫn không kế hoạch mấy hôm nay.
Và nếu cứ nhìn vào thông báo cắt điện trên nhiều địa phương ở miền Bắc trong những ngày qua, với dằng dặc các khu vực dài đến 4 trang giấy A4, sẽ thấy rằng, tình trạng thiếu điện đến mức cắt điện liên miên sẽ còn tiếp diễn, nếu như những dự án điện còn tiếp tục chậm, và ngay kể cả khi đã thành điều, khoản luật rất rõ ràng nhưng vẫn phải chờ Thông tư, hướng dẫn.