Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 13-12.
Doanh nghiệp đề nghị tách bạch trách nhiệm khi xử lý hồ sơ hoàn thuế VAT
Có đến 450 doanh nghiệp (DN) phía Nam, từ Quảng Ngãi trở vào tham dự hội nghị được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần này.
Ông Tô Vĩnh Hưng – phó tổng giám đốc Công ty Thép Miền Nam (VNSteel) – cho biết công ty không được hoàn thuế từ tháng 8-2022 đến nay với số tiền gần 200 tỉ đồng.
Ông Hưng cho biết tại thời điểm công ty phát sinh hoạt động mua bán phế liệu, tất cả các hồ sơ, thủ tục của công ty đều đúng theo quy định. Công ty kiểm tra hóa đơn đầu vào của các đơn vị cung cấp đều đang hoạt động.
Nhưng đến thời điểm hoàn thuế VAT, cơ quan thuế địa phương kiểm tra thì xảy ra trường hợp là các đơn vị đầu vào ngưng hoạt động và đang chờ làm thủ tục phá sản, giải thể, dẫn đến nghi ngờ về tính hợp pháp của hóa đơn. Từ đó cơ quan thuế treo lại tiền hoàn thuế.
Ngoài ra, một đối tác mà công ty mua hàng bị Cục Thuế TP.HCM xác định rằng có liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp và đang chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Điều này khiến Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạm dừng việc hoàn thuế cho VNSteel.
“Tại thời điểm công ty phát sinh hoạt động mua bán phế liệu thì tất cả hồ sơ thủ tục đều đúng và giải trình được. Đơn vị nào khai thuế sai thì đơn vị đó chịu trách nhiệm. Chúng tôi kiến nghị việc xem xét điều tra xác minh nên diễn ra trong thời điểm kiểm tra thuế thôi.
Còn sau đó thì tách ra. Nguyên tắc là đơn vị nào sai thì xử đơn vị đó. Nếu không có căn cứ kết luận rằng hóa đơn đầu vào của DN xin hoàn bất hợp pháp thì đề nghị xem xét hoàn thuế cho DN”, ông đề nghị.
Đáp lại, ông Mai Sơn – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết sẽ tiếp thu những góp ý của DN và sẽ hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên ông Sơn cho biết do công ty mua hàng, phế liệu và sản phẩm của đơn vị khác, khi thực hiện hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế xác định những DN này có dấu hiệu rủi ro.
Trên thực tế thời gian qua nhiều DN lập ra để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Do vậy cơ quan thuế phải xác minh, thậm chí phối hợp với cơ quan công an để điều tra.
Ông Mai Sơn cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tích cực phối hợp với VNSteel để giải quyết vướng mắc một cách kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho DN.
Đau đầu chuyện xuất khẩu tại chỗ
Bà Cao Thị Thêu, đại diện Công ty Namtex, nêu vấn đề là công ty xuất khẩu tại chỗ hơn 20 năm. Lúc làm tờ khai thì không yêu cầu xác minh thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam hay không. Bây giờ sự việc xảy ra đã lâu thì đến tháng 7-2023 mới yêu cầu xác minh vấn đề này.
“Vậy những tờ khai DN đã khai trước năm 2023 thì xử lý ra sao, khi DN đã thanh lý hết tờ khai, hoàn thành hết quy trình sản xuất giờ truy thu yêu cầu DN phải nộp hết số thuế GTGT vậy những tờ khai từ 2023 đổ về trước đúng hay khai sai? Nếu khai sai sao không chặn DN lại mà cứ để làm rồi giờ truy lại nói DN làm sai”, bà Thêu bức xúc.
Đại diện Công ty Fashion Garments (Đồng Nai) cho hay nhập khẩu nguyên phụ liệu của một DN nước ngoài. Theo quy định thì DN nhập khẩu tại chỗ sẽ nộp trước thuế VAT, thuế nhập khẩu tùy theo mặt hàng. Sau khi cung cấp hồ sơ thành phẩm sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu đã xuất khẩu thì sẽ được hoàn lại số thuế VAT đã nộp.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay hồ sơ hoàn thuế của DN gặp vướng mắc. Trong tổng số 8 triệu USD (200 tỉ đồng) thì cơ quan thuế mới hoàn được 2 triệu USD, còn 6 triệu USD chưa được hoàn.
“Không thể vì một số DN làm ăn gian dối mà để vạ lây những DN khác. Hiện tại DN nào cũng rất cần vốn, do vậy chậm hoàn thuế VAT khiến DN rất khó khăn”, DN này nêu bức xúc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cham-hoan-thue-vat-van-nong-tai-phien-doi-thoai-thue-o-tp-hcm-20241213213151477.htm