Quan điểm cứ làm mới cải lương một cách bất chấp, mà chưa hiểu sâu về nó, đã phá hỏng những giá trị mà trong đó chất văn học cần được gìn giữ
Sáng 30-10, Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tọa đàm “Tính văn học trong nghệ thuật sân khấu cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay”, với sự tham dự của văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình và phóng viên báo đài.
Sức sống bền bỉ
Theo các nhà chuyên môn, chất văn học trong kịch bản cải lương của các tác giả như NSND Nguyễn Thành Châu khai thác đề tài lãng mạn, trữ tình với: “Vợ và tình”, “Men rượu hương tình”, hoặc đề tài anh hùng ca, bi tráng với “Bình Tây đại nguyên soái”…; Trần Hữu Trang với chủ đề hiện thực phê phán qua hai tác phẩm “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt”…; Điêu Huyền với đề tài cách mạng qua “Tìm lại cuộc đời”; Minh Khoa – Nguyễn Gia Nghiệm với “Người ven đô”… đã tạo nên sức hấp dẫn cho sân khấu cải lương khi các tác phẩm mang đậm tính nhân văn, truyền tải triết lý sống gần gũi với người lao động, nông dân, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết.
NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, chia sẻ có những kịch bản bước vào đời sống xã hội, những câu ca vọng cổ mà người dân nhớ như in, ca trong những buổi giao lưu văn nghệ hay đám tiệc của gia đình. Sức sống bền bỉ của chất văn học trong cải lương đã hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn không già. “Quan điểm cứ làm mới cải lương một cách bất chấp, mà chưa hiểu sâu về nó, đã khiến cho việc đổi mới vội vàng, phá hỏng những giá trị mà trong đó chất văn học cần được gìn giữ” – NSND Trần Ngọc Giàu lưu ý.
Những kịch bản cải lương mang đậm chất văn học như “Tiếng trống Mê Linh” (tác giả: Việt Dung – Vĩnh Điền), “Bên cầu dệt lụa” (tác giả: Thế Châu), “Bóng tối và ánh sáng” (tác giả Ngọc Linh), “Cây sầu riêng trổ bông” (tác giả: Hoài Linh – Mộc Linh, đạo diễn: Văn Chiêu), “Tình mẫu tử” (tác giả Viễn Châu), “Hòn vọng phu” (tác giả Lưu Quang Thuận – Thể Hà Vân), “Hoa độc trong vườn” (tác giả Lê Duy Hạnh)… là những ví dụ tiêu biểu. Kịch bản không chỉ dừng lại ở sự trau chuốt về lời thoại mà còn mang đậm chất văn học, thể hiện rõ qua hệ thống nhân vật và các xung đột tư tưởng.
Tiến sĩ Đỗ Dũng phân tích: “Kịch bản mang tính văn học phải bảo đảm các yếu tố: ca từ, cách chọn lọc bài bản, cách xây dựng hình tượng nhân vật. Nếu đạo diễn, diễn viên không tôn trọng kịch bản văn học, không thẩm thấu đúng giá trị văn chương thì không thể chuyển tải cảm xúc đến khán giả”.
Hướng tới đội ngũ tác giả trẻ mê văn chương
Các nhà nghiên cứu cho rằng những vở cải lương giai đoạn hoàng kim của sân khấu từ 1975 đến 1985 mang tinh thần của văn học dân tộc, sự hòa quyện giữa thơ ca và nhạc điệu, góp phần truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước, tình cảm gia đình, nghĩa tình đồng bào.
Từ năm 1990 trở đi, cải lương bước vào giai đoạn đổi mới, với sự xuất hiện của nhiều tác giả mới. Chất văn học trong kịch bản cải lương lúc này bắt đầu có những biến đổi để phù hợp với xu hướng thời đại. Nội dung kịch bản cải lương bắt đầu tiếp cận những vấn đề hiện thực hơn, gắn liền với cuộc sống hiện đại của người dân sau thời kỳ đổi mới kinh tế.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà chất văn học trong kịch bản cải lương gặp nhiều thách thức. Việc tập trung khai thác các đề tài xã hội, hiện thực cuộc sống đôi khi dẫn đến việc thiếu đi chiều sâu văn học.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng từ năm 2010 đến 2024, cải lương một lần nữa phải đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội hiện đại. “Các kịch bản cải lương bắt đầu đề cập những vấn đề đương đại như môi trường, giáo dục, tình yêu trong xã hội hiện đại, song đáng mừng là vẫn giữ được sự tinh tế của văn học truyền thống” – NSND Trần Minh Ngọc nói.
Hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ tác giả trẻ mê văn chương Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức các khóa đào tạo cơ bản, nâng cao, thu hút đông tác giả trẻ, trong đó phân tích, mổ xẻ bài bản về nghệ thuật sáng tác kịch bản cải lương để mỗi đề cương được thông qua, nâng tầm chất văn học. Các trại sáng tác đã thử nghiệm mời các nhà văn cùng tham gia, trao đổi góc nhìn về những đề tài, nâng tầm tính tư tưởng, đưa chất văn chương, thơ ca vào kịch bản cải lương.
Nhiều tác giả trẻ đã dũng cảm thử nghiệm các đề tài mới, mang lại sức sống mới cho cải lương, trong đó phải kể đến tác giả Hoàng Song Việt, Võ Tử Uyên, Tô Thiên Kiều, Phạm Văn Đằng…
Nguồn: https://nld.com.vn/cham-chut-tinh-van-hoc-trong-nghe-thuat-cai-luong-196241030211825813.htm