SGGP
Hiện cả nước có trên 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tương đương khoảng 91,7 triệu người. Tuy nhiên, nhiều năm qua, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT vẫn chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới, khiến người bệnh có thẻ BHYT chịu nhiều thiệt thòi, cơ sở y tế cũng gặp khó khăn trong công tác điều trị.
Ngại kê thuốc ngoài danh mục BHYT
Kết thúc quá trình thăm khám và nhận thuốc tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) khi đồng hồ đã điểm hơn 12 giờ trưa, bà Lê Thị Hồng (53 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, bà được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm dạ dày, trào ngược độ A.
Cầm bịch thuốc với đủ các loại, bà Hồng nói: “Lại uống thuốc thay cơm, tôi quen rồi! Cũng 7 loại thuốc quen thuộc giống như tháng trước, uống 30 ngày rồi lại tái khám, nhận thuốc”.
Còn anh Nguyễn Văn Kha (42 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) cho hay, anh bị rối loạn chuyển hóa lipid, thi thoảng có đi khám BHYT nhưng cũng ngại lấy thuốc BHYT uống mà dựa vào kết quả xét nghiệm rồi nhờ người quen “ghi đơn” giùm, ra nhà thuốc bên ngoài mua thuốc uống vì… hiệu quả hơn!
Theo một số chuyên gia y tế, người bệnh có thẻ BHYT khi đau ốm phải điều trị tại bệnh viện thì ngoài các loại thuốc BHYT được cấp theo danh mục, không ít người phải bỏ tiền túi để mua thêm các loại thuốc bên ngoài để nâng cao hiệu quả điều trị do BHYT không thanh toán những loại thuốc này, hay nói cách khác là không có trong danh mục thuốc BHYT.
Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, ngày 30-10. Ảnh: CAO THĂNG |
GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức và chống độc Việt Nam, thông tin, hiện nay, trong các loại thuốc BHYT, có không ít loại thuốc thế hệ cũ, hiệu quả điều trị hạn chế, nhiều tác dụng phụ nhưng bác sĩ vẫn phải kê đơn cho người bệnh, vì nếu kê thuốc ngoài danh mục thì người bệnh sẽ phải chi trả tiền túi nhiều hơn dù hiệu quả điều trị tốt hơn.
Đồng quan điểm, bác sĩ một bệnh viện công lập trên địa bàn TPHCM cho rằng, bác sĩ biết rõ một số thuốc trong danh mục BHYT có tác dụng phụ nhưng vẫn phải kê cho người bệnh, vì nếu kê thuốc ngoài danh mục BHYT thì sẽ “phiền phức” vì kê đơn không đúng… quy trình.
“Nhiều thuốc tốt, rút ngắn thời gian trị bệnh nhưng không có trong danh mục BHYT chi trả, còn nếu tự bỏ tiền ra mua thì chi phí lại cao, ngoài khả năng kinh tế của người bệnh. Theo thống kê của cơ quan chức năng, người Việt đang phải tự trả 40% chi phí khám chữa bệnh, gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên thực tế này đang tạo gánh nặng kinh tế về điều trị”, một bác sĩ chia sẻ.
Theo dữ liệu của Tổ chức nghiên cứu ngành y dược IQVIA MIDAS cập nhật đến năm 2022, chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trong tổng số 460 thuốc mới ra thị trường từ năm 2012 tới cuối năm 2021); chỉ 11% thuốc biệt dược gốc được sử dụng trong tỷ trọng thuốc dùng tại các bệnh viện. Các thuốc này bao gồm thuốc điều trị đích, thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư và một số thuốc tim mạch. Điều này hạn chế khả năng người bệnh được tiếp cận các giải pháp điều trị mới, tiên tiến thông qua kênh BHYT.
5 năm chưa cập nhật
Hiện nay, danh mục thuốc BHYT được thanh toán có 1.037 hoạt chất thuốc hóa dược, 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu và 229 thuốc đông y cổ truyền, thuốc từ dược liệu.
Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có khoảng 20.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực, trong đó có không ít thuốc mới được đánh giá có hiệu quả về lâm sàng và tài chính. Tuy nhiên, kể từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT theo Thông tư 30/2018/ TT-BYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể. Lần cập nhật gần nhất ở Thông tư 20/2022/TT-BYT về “Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT” thì chỉ bổ sung danh mục thuốc điều trị Covid-19, không cập nhật các loại thuốc mới.
Theo bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), việc đẩy nhanh cập nhật các thuốc mới trong danh mục thuốc BHYT là rất cần thiết cho người bệnh và cơ sở điều trị, nhưng cũng cần cân đối với mức đóng BHYT. Mặc dù Thông tư 20/2022/TT-BYT đã bổ sung tương đối đầy đủ các hướng dẫn thanh toán về thuốc BHYT, nhưng danh mục này chưa được rà soát sửa đổi, bổ sung một cách đầy đủ, toàn diện; hiện có nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại Việt Nam có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào danh mục thuốc được BHYT chi trả.
“Người bệnh và bác sĩ bao giờ cũng muốn có các thuốc tốt nhất cho người bệnh, nhưng cũng phải bảo đảm cân đối thu chi với nguồn của Quỹ BHYT. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các cơ quan liên quan về nguồn kinh phí chi trả cho người bệnh từ Quỹ BHYT, đa dạng hóa các nguồn, kể cả các nguồn xã hội hóa chi trả. Về phạm vi quyền lợi cũng cố gắng mở rộng tối đa, bao gồm thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị”, bà Trần Thị Trang thông tin.
Còn theo nhiều chuyên gia y tế, hiện danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT rất cần được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể, và có cơ chế cập nhật định kỳ một năm một lần. Việc này mang lại những lợi ích to lớn trong khám chữa bệnh cho cả người bệnh lẫn y, bác sĩ điều trị, đồng thời góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Đang phối hợp rà soát, cập nhật định kỳ
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện bộ đã chỉ đạo Vụ BHYT rà soát, cập nhật các danh mục thuốc để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, danh mục thuốc BHYT còn liên quan đến việc đánh giá sự an toàn cũng như tác động tới Quỹ BHYT, nên Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành rà soát, bổ sung danh mục này theo định kỳ. Dự kiến, đầu năm 2024 sẽ có những văn bản cập nhật danh mục thuốc BHYT để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho người dân.
Nâng mức hưởng BHYT cho một số trường hợp
Từ ngày 3-12, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Cụ thể, nâng mức hưởng BHYT từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định; dân công hỏa tuyến. Bổ sung mức hưởng BHYT cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Mất 2-4 năm để thuốc mới vào danh mục BHYT
Theo quy trình, để người bệnh tiếp cận thuốc mới, thuốc phải được EMA (Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu), FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt lần đầu; sau đó đăng ký lưu hành thuốc mới ở Việt Nam. Tiếp đến là thủ tục xét duyệt vào danh mục thuốc BHYT (thời gian thường 2-4 năm) và bệnh viện tiến hành mua sắm (đấu thầu). Trong khi quy trình này tại Nhật Bản là 3 tháng; Anh, Pháp là 15 tháng và Hàn Quốc là 18 tháng.