Con sập bẫy việc nhẹ lương cao, cha ôm trăm triệu đi chuộc
Trường hợp nam sinh Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) được gia đình tìm thấy sau hơn hai tháng mất tích bí ẩn mới đây lần nữa cảnh báo tình trạng sinh viên bị lừa đảo từ bẫy “việc nhẹ lương cao”.
Hai tháng qua, gia đình nam sinh này ròng rã đi tìm con với nỗi lo lắng, sợ hãi tột cùng. Ngay những ngày đầu con mất tích, người bố đã bỏ việc từ quê vào TPHCM, liên hệ khắp nơi để hy vọng có được một chút thông tin về người con của mình.
Đáp lại nỗi bất an, lo lắng của người bố lúc ấy là “không có lấy một chút thông tin gì về con”. Ông nuôi hy vọng con vẫn ở đâu đó, chưa gặp tình huống xấu nhất khi đôi lúc vẫn nhìn thấy Zalo của con vẫn hiển thị mới truy cập cách đây ít phút. Niềm tin của người bố đã đúng khi con trai trở về nhà sau hơn hai tháng mất tích.
Theo thông tin từ phía gia đình, khi về nhà, nam sinh cho biết đã bị dụ dỗ đi làm công việc văn phòng lương cao tại Tây Ninh. Tuy vậy, các đối tượng đã đưa chàng trai qua làm việc tại một xưởng gỗ ở khu vực biên giới Campuchia với Thái Lan.
Thời gian gần đây, nam sinh này được sử dụng điện thoại để liên lạc về gia đình đòi 250 triệu đồng tiền chuộc. Gia đình đã thương lượng và đóng 150 triệu đồng để đưa con về.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Chỉ vài tháng trước, sinh viên một trường đại học nổi tiếng ở TPHCM khi đi kiếm việc cũng gặp phải nhóm lừa đảo “việc nhẹ lương cao” nhưng may mắn thoát trong gang tấc một cách ngoạn mục.
Cụ thể, sau khi nộp hồ sơ xin việc đến nhiều nơi, em sinh viên nhận được cuộc gọi kèm đề nghị kết bạn Zalo, xin Email để xác nhận, hẹn ngày phỏng vấn và được xác nhận đã trúng tuyển thực tập tại kho ở Long An.
Theo lời hẹn, xe công ty đón ứng viên từ bến xe An Sương, TPHCM. Lúc đầu, chỉ có một mình sinh viên này và tài xế, giữa đường thì đón thêm một số người khác. Khi đó, nhóm lừa đảo đã dùng roi điện cưỡng chế, lấy tài sản, điện thoại của sinh viên và chạy thẳng đến cửa khẩu ở Tây Ninh. Tại khu vực cửa khẩu, em được chuyển sang một xe khác để đưa qua Campuchia cùng với 2 nạn nhân khác.
Qua đến Campuchia, nhóm người lại đổi xe để đưa đi tiếp. Lợi dụng đêm tối, mặc dù bị đánh đến kiệt sức, sinh viên này đã cố gắng bỏ chạy thoát thân.
Dễ bị lừa vì tâm lý thích hưởng thụ?
Sau sự việc trên, hàng loạt trường đại học ở TPHCM lập tức lên tiếng cảnh báo sinh viên về những bẫy lừa đảo thông qua hình thức “việc nhẹ lương cao”.
Ông Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, lưu ý sinh viên khi có ý định đi làm thêm thì phải tìm hiểu kỹ, đến những nơi uy tín hoặc thông qua kênh giới thiệu việc làm của nhà trường để tìm việc.
Đặc biệt, sinh viên cần cẩn thận những công việc được giới thiệu mỹ miều như; thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng; công việc chỉ ngồi gõ văn bản, đánh giá sản phẩm…
Những chiêu trò dụ dỗ, gạ gẫm việc nhẹ lương cao những tưởng chỉ có thể lôi kéo được những người hạn chế về học tập, ít có cơ hội tiếp xúc thông tin.
Nhưng không, những sinh viên đại học – những người đang khổ luyện trên giảng đường, những bạn trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin nhất – cũng dễ dàng bị lừa đảo xuất phát từ lời mời việc nhẹ lương cao.
Quản lý một trường đại học ở TPHCM cũng cho hay, các hình thức lừa đảo hiện nay quá tinh vi, rất khó nhận diện nên nhiều sinh viên đã vướng vào cảnh bị lừa đảo khi kiếm việc.
Nhóm lừa đảo đánh vào tâm lý mong muốn tìm việc, kiếm tiền của sinh viên mà ông cho rằng đây là một nhu cầu chính đáng khi nhiều bạn phải trang trải học phí, chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là dường như sinh viên lại là đối tượng rất dễ bị dụ dỗ, lừa đảo. Không chỉ các hình thức lừa đảo gần đây mà đã từng xảy ra nhiều trường hợp sinh viên sa vào đa cấp “bẩn” lừa tiền cả cha mẹ, người thân, bạn bè cũng từ suy nghĩ… kiếm tiền dễ dàng.
“Sinh viên, những người được ăn học, có trình độ nhận thức cao, có cơ hội tiếp cận thông tin, lẽ ra phải hiểu rõ hơn ai hết về sự khổ luyện, về giá trị của lao động, về giá trị của đồng tiền. Nhưng, các bạn lại dễ bị lôi kéo, lừa đảo phải chăng xuất phát từ tâm lý thích hưởng thụ, tâm lý làm giàu nhanh chóng?”, ông bày tỏ.
Theo vị quản lý này, không chỉ là việc trang bị cho sinh viên kỹ năng phòng chống lừa đảo mà hơn hết trẻ cần được giáo dục về giá trị của lao động, học tập, của đồng tiền, về kỹ năng, phân tích vấn đề… từ bé, ngay từ trong gia đình, trong nhà trường.
Làm gì để tránh bị lừa đảo khi tìm việc?
Bà Nguyễn Thị Diễm, Phó phòng tổ chức hành chính Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM (SAC) cho hay, hiện nay nhiều đơn vị uy tín giới thiệu việc làm cho sinh viên như SAC, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM, trung tâm giới thiệu việc làm các quận huyện, trường học.
Nếu bạn tìm thấy thông tin tuyển dụng của thương hiệu nổi tiếng nào đó mà không thông qua các kênh kiểm định, nên thực hiện thêm một bước tiếp cận thông tin, xác minh lại.
Để tránh trở thành nạn nhân của các bẫy lừa đảo, theo bà Diễm, các bạn nên thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Hạn chế tương tác với các kênh thông tin không chính thống để tránh các gợi ý tương tự trên mạng xã hội.
Không truy cập vào các đường link lạ, nguy cơ chứa mã độc đánh cắp thông tin và không cung cấp mã OTP cho người khác biết hoặc điền vào các link trung gian thanh toán giao dịch trực tuyến.
Khi tìm việc, người lao động tìm việc thường không phải đóng bất kỳ khoản phí nào phục vụ giao dịch tìm việc.
Các bạn không nên trả phí thù lao qua trung gian hoặc đóng cọc để nhận việc. Không cung cấp giấy tờ tùy thân bản gốc cho người khác hoặc bên tuyển dụng.
Trường hợp bạn đã ứng tuyển việc làm và nghi ngờ rơi vào bẫy lừa đảo, cần bình tĩnh để vận dụng kiến thức, kỹ năng để thoát hiểm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/cha-om-tram-trieu-chuoc-con-va-con-say-lam-giau-nhanh-cua-sinh-vien-20240624102347344.htm