Có câu nói “Tuổi thơ không được giáo dục về tiền bạc, tương lai sẽ bị xã hội giáo dục”. Một đứa trẻ biết quản lý tiền bạc sẽ thành thạo hơn trong việc kiểm soát cuộc sống của chính mình trong tương lai.
Những đứa trẻ biết cách tiêu tiền 10 năm sau sẽ có cuộc sống khác hẳn những đứa trẻ không biết cách tiêu tiền.
Tiền tiêu đến đâu, gặt hái đến đó
Tỷ phú người Mỹ John D. Rockefeller từng cho biết, những đứa trẻ trong gia đình ông, bắt đầu từ 6 tuổi, sẽ được cho một khoản tiền tiêu vặt cố định hàng tuần, khoản tiền này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng. Tuy nhiên, trẻ phải ghi chép lại từng xu mình chi tiêu vào việc gì để cha mẹ kiểm tra.
Trong quá trình đó, trẻ đã tự mình học cách chi tiêu, tiết kiệm và quản lý tiền ngay từ khi còn nhỏ, cũng như rèn luyện ý chí và khả năng trì hoãn sự hài lòng. Ngày nay, gia đình John D. Rockefeller đã duy trì được sự giàu có qua 6 thế hệ.
Thực tế đã chỉ ra, những đứa trẻ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ sẽ biết cách giải quyết mối quan hệ giữa ham muốn và khả năng, sống cuộc sống của chính mình trong phạm vi cho phép. Những đứa trẻ như vậy sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong tương lai so với trẻ không biết tiêu tiền.
Học cách sử dụng tiền là của cải cả đời quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cái. Thái độ kiểm soát tiền bạc của một người phản ánh khả năng kiểm soát và lập kế hoạch cho một cuộc sống độc lập trong tương lai. Vì vậy, thay vì dạy con làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền, tốt hơn là bạn nên dạy chúng tiêu tiền đúng cách.
Trẻ em không được giáo dục về tiền bạc tốt, dù bố mẹ có kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ
Một người mẹ đang chuẩn bị trả nợ thế chấp, nhưng đột nhiên phát hiện trong thẻ ngân hàng chỉ còn có mấy chục ngàn NDT, trong khi ban đầu có hơn 200 ngàn NDT. Mãi sau này, bà mới biết rằng chính đứa con trai 12 tuổi đã nạp tiền để chơi game.
Người mẹ này thế chấp căn nhà để vay nặng lãi, do không còn cách nào trả nợ nên đành phải bán nhà. Nhìn thấy điều đó, người ta không khỏi xót xa và phẫn nộ.
Trong quá trình lớn lên của trẻ thiếu nhận thức đúng đắn về tiền bạc, tiền không có ý nghĩa gì so với niềm hạnh phúc khi được mua sắm. Cuối cùng, những hành vi thiếu hiểu biết của đứa trẻ đã trở thành nguồn cơn cho bi kịch của cả gia đình.
Robert, tác giả cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” đã nói:
“Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay bạn làm điều đó, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát, và thậm chí là những kẻ dối trá. Hãy để những người này giáo dục con bạn về kinh doanh tài chính, và tôi e là bạn và con cái của bạn sẽ phải trả giá nhiều hơn.”
Vì vậy, không bao giờ là quá sớm cho việc giáo dục tiền bạc. Sự chậm trễ của cha mẹ sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Một số điều, bất kể tuổi tác, nếu bạn không nói cho trẻ biết thì chúng sẽ không bao giờ hiểu được, đặc biệt là giáo dục tiền bạc.
Nhà văn San Mao nói: “Phim hài trên thế giới có thể được sản xuất mà không cần tiền, nhưng hầu hết các bi kịch trên thế giới đều không thể tách rời tiền bạc”. “Miệng ăn núi lở”, chính vì không biết chăm chỉ kiếm tiền mà chỉ biết tiêu xài hoang phí nên cuối cùng khi “lở đất” xảy ra, không ai trong gia đình là vô tội.
Hành vi của cha mẹ tác động đến thói quen về tiền bạc ở trẻ
Không có gì ngạc nhiên khi trẻ em tiếp thu thói quen từ cha mẹ mình. Các hành vi liên quan đến tài chính cũng không ngoại lệ, cho dù bố mẹ có nói chuyện về tiền bạc với con cái hay không. Brad Klontz, một nhà tâm lý học lâm sàng và nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận đã khẳng định rằng trẻ em chủ yếu học về tiền từ việc “mô hình hóa” hành vi của cha mẹ.
Klontz gọi những hành vi, cảm giác này là “những trải nghiệm chớp nhoáng về tài chính” . Đó là những sự kiện xảy ra trong thời thơ ấu có liên quan đến tiền bạc mà trẻ em có thể hiểu hoặc không hiểu đầy đủ. Những nhận thức này của trẻ tùy thuộc vào việc cha mẹ chúng có giải thích rõ ràng ý nghĩa của chúng hay không.
Cha mẹ bạn có giải thích giá trị của việc tiết kiệm tiền tiêu vặt của bạn không? Họ có giải thích khái niệm đầu tư không? Hoặc, họ chỉ đơn giản là nói với bạn không tiêu nó vì họ đã nói như vậy? Điều hợp lý là cha mẹ nên dạy con cái họ hiểu biết về tài chính. Nhưng trong nhiều trường hợp, tiền bạc có thể là một chủ đề nhức nhối đối với các gia đình. Và cha mẹ có thể không được trang bị để dạy con cái của họ về một chủ đề mà chúng không hề hứng thú.
Klontz nói: “Nhiều bậc cha mẹ không nói chuyện với con cái về tiền bạc bởi vì họ căng thẳng về vấn đề đó và không cảm thấy hài lòng về tiền bạc”. Vấn đề nằm ở chỗ: không phải cha mẹ không muốn giải thích cho bạn vì sao bạn nên tiết kiệm tiền thay vì hoang phí tiền vào những trò chơi vô bổ hay đồ ăn độc hại mà có thể là họ cảm thấy không đủ tự tin về khoản tiết kiệm của mình để giải thích cho con mình.
Một cuộc khảo sát vào tháng 1 của Bankrate cho thấy, hơn một nửa số người Mỹ không có đủ tiền tiết kiệm để trang trải khoản chi phí khẩn cấp 1.000 đô la; khoảng 20% nhân viên thường xuyên hết tiền trước kỳ nhận lương tiếp theo, con số này tăng từ 15% một năm trước (theo Salary Finance).
Dù giàu hay nghèo cũng cần dạy con sử dụng tiền thật tốt
Trong bộ phim Tự thú của một tín đồ shopping (Mỹ), nhân vật Tổng biên tập Luke đã nói: “Những người thực sự biết kiếm tiền sẽ luôn biết tiêu tiền của mình vào đâu”. Nói cách khác, cách tiêu tiền thực sự là chìa khóa để trẻ có hiểu biết đúng đắn về tiền.
Học cách tiêu tiền là một khóa học bắt buộc trong cuộc đời của trẻ em. Thông qua sự hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ, nuôi dưỡng khái niệm tiền bạc của trẻ ngay từ khi còn nhỏ là món quà quý giá nhất mà cha mẹ dành cho con cái.
Nên dạy con những gì về tiền bạc?
Học cách tiết kiệm và tiêu dùng hợp lý
Có một bà mẹ lập sổ tiết kiệm cho con gái, tiền lì xì năm nào cũng cất vào đó, cô con gái cũng để dành tiền thưởng thường tích cóp được.
Khi con gái lớn hơn, lúc cần tiêu tiền, cô sẽ cân nhắc trước xem có cần thiết phải mua không, dần dần học được cách tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm để quản lý tiền không tiêu. Cô bé cũng tự hào nói: “Mẹ ơi, con sẽ dùng số tiền này để đi học đại học trong tương lai”. Điều đáng tự hào là số tiền do chính đứa trẻ tích lũy được đã được sử dụng vào một nơi có ý nghĩa.
Cha mẹ cần phải dạy con cái của họ kiềm chế sự ham muốn, ưu tiên chi tiêu hợp lý, trau dồi những thói quen tốt và tự kiểm soát cuộc sống của mình.
Kỹ năng tính toán cơ bản
Dù hiểu khái niệm về tiền và các mệnh giá khác nhau, trẻ vẫn không thể thực hành nếu không có các kỹ năng cộng và trừ cơ bản. Do đó, bạn có thể phát cho con tiền lẻ, dạy chúng cách mua đồ, lấy tiền trả lại khi đi siêu thị. Dần dần, đó sẽ là một kỹ năng tốt cho trẻ khi sử dụng đồng tiền.
Cha mẹ cũng có thể cho con một khoản tiền nhỏ, tùy độ tuổi, để trẻ từng bước học cách chi tiêu, tiết kiệm nếu muốn mua một món đồ gì đó.
Khơi gợi hứng thú về tài chính cho trẻ
Theo một cuộc khảo sát gần đây của CNBC và Momentive, một công ty nghiên cứu thị trường: khoảng 83% người trưởng thành ở Mỹ tin rằng cha mẹ là người có trách nhiệm cao nhất trong việc giáo dục con cái họ về kiến thức tài chính.
Một vài cách chúng ta có thể bắt đầu giáo dục con mình chính là sử dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến, nhận thức về hành vi kiếm tiền và giới thiệu các chủ đề tài chính càng sớm càng tốt.
Ông Carissa Jordan, đồng sáng lập của Benjamin Talks, một nguồn thông tin tài chính trực tuyến dành cho cha mẹ và trẻ em đã khẳng định: “Đến 3 tuổi, trẻ hiểu được giá trị. Đến 7 tuổi, trẻ đã phát triển mối quan hệ với tiền bạc. Tuy nhiên, một nửa số cha mẹ không nói chuyện với con cái của họ về tiền bạc, vì vậy có một vấn đề ở đó “. Nếu chúng ta đang bắt đầu đi sâu vào việc giáo dục về tài chính cho con mình, Jordan cho biết một trong những cách hiệu quả đầu tiên là cho chúng một khoản phụ cấp.
“Trợ cấp giúp trẻ em cảm thấy chúng có trách nhiệm liên quan đến các quyết định về tiền bạc và là một cách tốt để học cách lập ngân sách, tiết kiệm, trì hoãn sự hài lòng với việc chi tiêu hoặc quyên góp tiền cho những người gây quỹ mà chúng thích”, Jordan nói.
Thấm nhuần giá trị của việc kiếm được tiền
Hầu hết các bậc cha mẹ đều ủng hộ việc cho trẻ một chút tiền tiêu vặt nhưng không nhiều phụ huynh dạy trẻ thấm nhuần giá trị của việc kiếm được số tiền đó.
Khi trẻ kiếm được tiền thay vì được đưa cho, điều đó sẽ có ý nghĩa hơn vì chúng sẽ nỗ lực kiếm tiền và chúng sẽ không coi việc có tiền là điều hiển nhiên. Kiếm tiền từ những công việc đơn giản như lau nhà hay rửa bát, sau đó tiết kiệm số tiền đó để mua thứ gì đó cũng là một bài học hay về việc trì hoãn sự hài lòng và thường tránh cho trẻ lớn lên coi trọng vật chất quá mức.
Chi tiêu sáng suốt
Một cách để dạy trẻ chi tiêu sáng suốt là đưa trẻ đến hàng tạp hóa. Đây là cách tuyệt vời để chứng minh sức mạnh của sự lựa chọn và không bị tác động bởi hình ảnh hấp dẫn trên bao bì.
Nếu bạn có thể dạy con lựa chọn một cách khôn ngoan sản phẩm này chứ không phải sản phẩm kia và đưa ra những quyết định dựa trên giá trị để khiến đồng tiền bỏ ra tiết kiệm hơn, trẻ sẽ có khả năng ưu tiên và chi tiêu cho những thứ quan trọng hơn thay vì tiêu xài hoang phí. Khi trưởng thành, chúng cũng sẽ hạnh phúc hơn và độc lập hơn về mặt tài chính.
3 kiểu gia đình độc hại khiến trẻ dễ trầm cảm