Cởi bỏ “lăng kính” thế hệ trước
Hâm mộ nhóm nhạc nữ BlackPink, T.A, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, gần đây đã chi tổng cộng hơn 5 triệu đồng để dự sự kiện âm nhạc do nhóm này tổ chức tại Hà Nội, trong đó tiền vé gần 2 triệu đồng. “Quyết định này khiến cha mẹ tôi ‘đứng hình’, mắng tôi phung phí dù đây là khoản tiết kiệm tôi tự tích cóp. Mẹ bảo thà lấy tiền đó mua thêm sách vở, quần áo còn có ích hơn. Nhưng với tôi, đây là dịp ‘ngàn năm có một’ không thể bỏ lỡ, còn những vật kia lúc nào cũng có thể mua được”, nữ sinh bộc bạch.
Trong khi đó, một nữ sinh ngụ Q.1 vừa tốt nghiệp Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) thì chia sẻ phụ huynh “rất ra sức” kiểm soát cuộc đời của em, và việc không tìm được tiếng nói chung khi chia sẻ về sở thích, đam mê của em với cha mẹ đã là chuyện “như cơm bữa”. “Khi có vấn đề xảy ra, mẹ nói nhiều với em lắm. Nhẹ nhàng có, nặng lời có, động tay động chân có và có cả chiến tranh lạnh, miễn là em làm theo mong muốn của mẹ”, nữ sinh giãi bày.
“Ban đầu, em cũng cảm thấy có lỗi lắm. Nhưng sau này, em thật sự muốn mẹ lắng nghe và tôn trọng quyết định của em, thay vì không tiếc lời đay nghiến, chì chiết để em nghe theo lời mẹ. Dần dà, mỗi khi đưa ra quyết định hoặc có vấn đề gì xảy ra, em không còn chia sẻ với mẹ nữa mà chỉ tự trải qua một mình”, người này nói thêm.
Những mâu thuẫn trên không là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên, phụ huynh nên hiểu rằng trong kỷ nguyên số, “thời cuộc” của việc nuôi dạy con đã khác xưa, theo thạc sĩ Phạm Nguyễn Ngọc Nguyên, nhà đồng sáng lập Care Cube. Cụ thể, chị Nguyên cho rằng, các con hiện nay thích chơi game, “đu” idol (nghệ sĩ thần tượng)… và xem đây là nguồn lực tinh thần, không chỉ mang lại niềm vui mà còn tiếp thêm động lực để con vượt qua áp lực học tập, thi cử lẫn những khó khăn trong cuộc sống.
“Công nghệ là hơi thở, là ‘ngôn ngữ’ của giới trẻ mà cha mẹ cần tiếp cận nếu muốn chung ‘tần sóng’ với con. Hãy cởi bỏ ‘lăng kính’ thế hệ trước, dành thời gian hiểu về game con chơi, idol con hâm mộ với tất cả tôn trọng và niềm tin yêu, vì đây sẽ là ‘cầu nối’ để cha mẹ có thể đối thoại, từ đó làm bạn với con”, chị Nguyên chia sẻ trong tọa đàm “Học làm cha mẹ chủ động” diễn ra hồi tháng 8 ở TP.HCM.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cũng khuyên song song với làm bạn, phụ huynh cần đề ra nguyên tắc cho con để xây dựng thẩm quyền của người làm cha mẹ. Cha mẹ cũng cần trao quyền tự quyết có hướng dẫn cho con sao cho phù hợp với bối cảnh. “Việc nuôi dạy con nên được thiết lập từ 2 trục, với trục tung là giới hạn, kỷ luật và trục hoành là sự chấp nhận, tình yêu thương”, chị Nguyên đề xuất.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Công giáo Louvain (Bỉ), thì cho rằng trẻ em thời nay đã khác xưa nhiều. Các bạn nhỏ hiện đã cởi mở chia sẻ về quyền con người hay quyền của những nhóm thiểu số, có tiếng nói kém trong xã hội. “Với bối cảnh khác biệt như thế, hành trình nuôi dạy con cũng sẽ không còn như trước”, anh Thành đúc kết.
Theo anh Thành, mâu thuẫn thế hệ giữa con cái và cha mẹ chủ yếu xuất phát từ việc một trong hai bên vi phạm giới hạn trên hoặc dưới của bên còn lại. Do đó, hai bên cần xác định đâu là giới hạn “chấp nhận được” của nhau và tìm giải pháp để cùng mất và cùng được, thay vì quá cực đoan, cấm đoán. “Song, cuộc đối thoại cần phù hợp với độ tuổi của con”, chuyên gia tâm lý lưu ý.
Cách đồng hành cùng con
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Phạm Trần Kim Chi, nhà thực hành tâm lý học tích cực, sáng lập viên ứng dụng Con Của Tui, lý giải đồng hành cùng con nghĩa là đặt mình vào độ tuổi của con để hiểu những tâm tư, mong muốn, tiêu chuẩn ở thế hệ của con. Nhờ đó, cha mẹ có thể hiểu đúng hành vi, phản ứng của con, và có cách trò chuyện, hướng dẫn con phù hợp.
“Cha mẹ cần đồng hành với con như người bạn lớn, chứ không như người bạn ‘bằng vai phải lứa’ chỉ biết lắng nghe, thấu hiểu mà không đặt ra yêu cầu, trách nhiệm. Người bạn lớn này biết cách hỗ trợ con ngày một trưởng thành hơn và quan trọng nhất, hãy chậm lại một bước, đừng dùng suy nghĩ của thế hệ mình, cũng đừng dùng tư duy của người lớn để phán xét đúng sai, tốt xấu lên trẻ nhỏ”, chị Chi nhấn mạnh.
Theo đó, một nghiên cứu thực hiện năm 2019 trên 361 thanh thiếu niên New Zealand ở độ tuổi 11 đến 13 chỉ ra rằng, những yếu tố ảnh hưởng chặt chẽ đến hạnh phúc của bạn trẻ là niềm vui, cảm thấy an toàn và thấy mình có ích. Nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận tương tự, như trẻ hạnh phúc khi tự tin, có năng lực… chứ không liên quan gì đến lòng biết ơn hay sống có kế hoạch như cách cha mẹ hay giáo dục con.
“Như vậy, để vui vẻ và hạnh phúc, thanh thiếu niên cần những điều khác với cách nghĩ của cha mẹ. Nếu cha mẹ phán xét rằng, ‘Tại sao con chơi trò đó, vui thôi chứ có đem lại cái gì lâu dài không?’ hay, ‘Phung phí như vậy, cái này chơi một lần rồi thôi, có ý nghĩa gì đâu?’ thì nghĩa là cha mẹ đã dùng trí tuệ của người lớn để đánh giá tư duy của con. Và dĩ nhiên, sẽ không được con đón nhận”, chị Chi cho hay.
Tuy nhiên, như thế không đồng nghĩa với việc cha mẹ phải tôn trọng mọi mong muốn, sở thích của con. Chẳng hạn, con mua đồ đắt tiền, con đi xem buổi diễn của idol tốn kém mà cha mẹ cũng phải hiểu và chấp nhận “thì khó cho cha mẹ quá”.
“Cha mẹ không cần phải đồng tình và ủng hộ mọi suy nghĩ của con. Cha mẹ không cần phải hiểu biết hay cảm thấy đam mê một trò chơi, một idol như con. Nếu đó là lĩnh vực cha mẹ không hứng thú thì cũng rất bình thường. Con cái không cần cha mẹ phải thích giống chúng. Điều con cái cần là cha mẹ đừng phán xét chúng. Có như vậy thì mới tạo được sự đồng hành”, chuyên gia tâm lý đề xuất.
“Nên hiểu rằng chọn cách làm bạn một cách dễ dãi không can thiệp thì dễ. Chọn cách áp đặt con phải làm theo cách của cha mẹ cũng dễ. Còn muốn đồng hành thì khó. Điều này cần phải học”, chị Chi lưu ý thêm.
Câu chuyện về hâm mộ idol
Để cha mẹ hiểu rõ hơn cách đồng hành cùng con, chị Chi lấy ví dụ tình huống khi con muốn mua một vật phẩm rất đắt tiền của idol. Theo đó, ở bước 1, cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để hiểu rằng vật phẩm này là niềm vui, là điều mang đến hạnh phúc cho con. “Vật phẩm của idol không chỉ là món hàng, nó là cả câu chuyện và cảm xúc của con”, chị Chi nói.
Khi đã hiểu điều này, ở bước 2, cha mẹ cần tự vấn xem mình muốn nuôi dạy con điều gì qua câu chuyện này, chứ không phải phán xét. Nếu bài học là hướng dẫn con biết tiết kiệm tiền, vậy hãy thử cho con những khoản tiền nhỏ, cố định hàng tuần, hàng tháng. Sau khi tích cóp, tiêu như thế nào sẽ là việc của con và có thể con sẽ tự nhận ra việc để dành tiền mua một cái khác sẽ ý nghĩa hơn.
Còn nếu bài học là muốn dạy con ghi nhận bản thân, hiểu rằng ai cũng có điều đặc biệt, thì cha mẹ hãy thử cùng con tìm tòi lại hình ảnh, kỷ vật hồi nhỏ của cả hai, để cùng làm album kỷ niệm hay tái hiện lại những khoảnh khắc. Hoặc, cùng con đặt ra những mục tiêu hay thử thách và tìm cách hoàn thành, chị Chi đề xuất.
“Hầu hết cha mẹ đều có thể đặt ra mục tiêu và khuyến khích con. Hầu hết đứa con cũng sẽ học được cách ghi nhận bản thân. Điều mà phần lớn cha mẹ không làm được là dừng phán xét, ‘Tại sao hâm mộ người đó, có đáng gì đâu’, và điều mà phần lớn đứa con không thể đồng tình là, ‘Sao lại không đáng, rất đáng để gọi là idol chứ’.
Trong trải nghiệm của con, ai đáng hay không đáng hâm mộ, chẳng phải là điều cha mẹ nên phán xét. Có thể trải nghiệm của con sẽ thay đổi, như sau này con nhìn lại và nghĩ không nên ngưỡng mộ họ như thế. Đó là một quá trình chuyển đổi nhận thức, là vai trò của trưởng thành. Và cha mẹ không thể thúc ép điều đó xảy ra sớm được”, chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên.