Thay vì áp lực, hãy giữ cho yêu thương của các bậc cha mẹ luôn là một nguồn động lực tích cực, để con cái có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình một cách tự tin, hạnh phúc trong hành trình sau này.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay là một kỳ thi đặc biệt. Vì đây là sẽ là lứa thí sinh cuối cùng thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Đối với các bạn học sinh, thi cử luôn là khoảng thời gian quan trọng trong cuộc đời. (Ảnh: Trần Xuân Tiến) |
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sẽ có hơn 1 triệu sĩ tử tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi trên toàn quốc.
Với tính chất quan trọng và đặc biệt như vậy, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, đồng thời cũng là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 cho biết, toàn quốc đã chuẩn bị chu đáo, chủ động, đầy đủ, sẵn sàng để tổ chức cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thực tế triển khai.
Với một xã hội Á Đông trọng Nho giáo như Việt Nam, thi cử vẫn là một trong những điều quan trọng. Các mục tiêu như điểm số cao, đạt thành tích xuất sắc, vào học trường đại học danh tiếng đều trở nên quen thuộc.
Vì vậy, đối với các bạn học sinh, thi cử luôn là khoảng thời gian quan trọng trong cuộc đời. Thật nhiều xúc cảm đan xen, trong đó hồi hộp và áp lực là cảm xúc khó tránh khỏi.
Các bậc cha mẹ dù sống ở xã hội hiện đại, vẫn thường có xu hướng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái mà đôi khi đã không nhận ra những tác động phụ của sự kỳ vọng này.
Thực tế cho thấy, nếu phụ huynh đặt quá nhiều áp lực thi cử có thể khiến con cảm thấy lo lắng, thiếu tự tin và thậm chí là mất niềm đam mê với việc học tập.
Rõ ràng, sự quan tâm lo lắng và yêu thương của các bậc cha mẹ và người thân cần phải được thể hiện đúng cách, nếu không, sẽ vô tình trở thành gánh nặng áp lực không mong muốn đối với con cái.
Yêu thương từ phụ huynh cần được biểu đạt bằng cách tích cực hơn là chỉ qua những sự mong đợi và áp lực về kết quả thi cử.
Để tình cảm yêu thương con cái không trở thành gánh nặng áp lực không mong muốn, các bậc phụ huynh cần phải hiểu và chấp nhận rằng mỗi người, mỗi mối quan hệ đều có những cách biểu đạt và cảm nhận riêng.
Chúng ta cần đặt sự chân thành và sự tự nhiên lên hàng đầu, không ép buộc bản thân hay người khác vào các khuôn khổ yêu thương mà chúng ta tự mình áp đặt.
Các chuyên gia tâm lý tin rằng sự khuyến khích và sự ủng hộ chân thành từ phụ huynh là yếu tố quan trọng để con có thể phát triển toàn diện, không chỉ trong việc học mà còn trong các mặt khác của cuộc sống.
Thay vì chỉ quan tâm đến điểm số và thành tích, phụ huynh cũng nên quan tâm đến sự phát triển toàn diện của con cái, bao gồm cả khía cạnh tinh thần và tâm lý.
Hãy giữ cho yêu thương của phụ huynh luôn là một nguồn động lực tích cực và không bao giờ trở thành áp lực, để con cái có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình một cách tự tin, hạnh phúc trong hành trình sau này.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có vài điểm khác biệt so với các năm trước. Đây là lứa thí sinh chịu nhiều thiệt thòi của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, bổ túc thêm kiến thức để các em tự tin, thực hiện tốt yêu cầu kỳ thi; đồng thời, việc ra đề cũng được tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-cha-me-dung-de-yeu-thuong-tro-thanh-ap-luc-276515.html