Tiết kiệm 83% nước
Tại hội thảo giới thiệu “Giải pháp sáng chế hệ thống cơ – điện điều khiển bồn cầu xả nước” diễn ra ở Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) vừa qua, ông Nguyễn Văn Nam (60 tuổi) đổ một xô bi vào chiếc bồn cầu tự động do mình sáng chế.
Sau đó, ông đổ một ca nước nhỏ (khoảng 200ml) vào rồi nhấn công tắc. Nhanh chóng, số bi được đẩy xuống trong chưa đầy 8 giây.
Đây là sản phẩm do ông Nam và con trai cùng nghiên cứu, sáng chế trong hơn 9 năm. Ông thông tin thêm: “Theo tính toán, một hộ gia đình 5 người chỉ cần 14m3 nước/năm cho loại thiết bị vệ sinh này so với con số 86m3 nước tiêu tốn của dạng bồn cầu bình thường khác. Với các doanh nghiệp, mức tiết kiệm có thể tính tới hàng tỷ đồng mỗi năm”.
Áp dụng kinh nghiệm 25 năm làm việc trong ngành vận tải biển, ông Nam giải thích, bồn cầu tiết kiệm nước hoạt động dựa trên nguyên lý của hệ trực tràng con người với các bộ phận như van đóng mở một chiều, thiết bị đẩy chất thải ra ngoài…
Các bộ phận cấu tạo vận hành theo mạch điện tử mà ông Nam mày mò thiết kế, giúp tối ưu hóa việc sử dụng nước, ngăn mùi hôi.
Khác với bồn cầu thông thường, ông Nam loại bỏ phần két nước ở sản phẩm của mình. Nước sẽ được bơm liên tục trong quá trình xả thải. Người dùng chỉ mất 6-8 giây để nhấn nút xả trực tiếp từ đường ống dẫn nước vào bồn cầu.
Hệ thống xả hình chữ S phía bên dưới được thay thế bằng ống thẳng mềm, dạng ruột gà và có tính đàn hồi cao. Dọc đường ống, ông Nam cho bố trí thêm các kẹp đóng mở liên tục, đặt tại các vị trí khác nhau để phối hợp hoạt động y hệt trực tràng con người.
Bảng điều khiển của thiết bị được thiết kế dạng hộp tay cầm nhỏ, gọn, có chức năng xả nước theo 3 mức chạm tay, không chạm hoặc tự động.
Khi kết thúc quá trình thu gom chất thải, bồn cầu sẽ tự động vệ sinh bát bồn với nhiều lượt khác nhau sau khi xả thải.
Việc loại bỏ nhiều bộ phận so với thiết bị vệ sinh thông thường, theo ông Nam, sẽ giúp việc thương mại hóa sản phẩm tốt hơn. Ngoài 83% lượng nước vận hành, thiết bị mới còn tiết kiệm được hơn 50% nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất, giúp hạ giá thành sản phẩm.
Lan tỏa tinh thần sống xanh ra thế giới
Được biết, sản phẩm của ông Nam đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 2/2022.
Ông Nam càng tự hào vì sản phẩm đem đến giải pháp an toàn cho môi trường, giảm được những ảnh hưởng đến tự nhiên.
Đến nay, ông vừa nộp đơn đăng lý sáng chế đến cơ quan sở hữu trí tuệ tại Mỹ và Liên minh châu Âu để xin bảo hộ kiểu dáng, ý tưởng sản phẩm.
Theo ông Nam, năm 2014, con trai ông là Nguyễn Nhật Quang (26 tuổi) cùng bố đã nảy ra ý tưởng sáng tạo bồn cầu tự động, giúp tối ưu hóa chức năng, đồng thời tiết kiệm được lượng nước đáng kể. Quá trình tìm hiểu, mày mò gặp vô vàn khó khăn, trắc trở vì phải tính toán sao cho thiết bị tiết kiệm được lượng nước tối đa, càng không tốn quá nhiều điện năng tiêu thụ.
Ông Nam bộc bạch, khoảnh khắc gắn được con ốc cuối cùng để hoàn thành sản phẩm là lúc ông cảm thấy hạnh phúc nhất.
“Có nhiều chuyến đi đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa như miền núi, hải đảo, chứng kiến cảnh người dân sống trong lũ, nhà vệ sinh bị nước làm ngập, bồn cầu không sử dụng được, tôi càng thêm trăn trở, muốn hoàn thành thiết bị này thật nhanh”, ông Nam chia sẻ.
Nam kỹ sư điện năm nay đã ở tuổi 70 mong mỏi sản phẩm của người Việt như thiết bị cha con ông tạo ra có thể lan tỏa rộng rãi.
“Tính riêng trong nước, nếu áp dụng rộng rãi loại thiết bị vệ sinh như vậy, mỗi năm có thể tiết kiệm được 120 tỷ m3 nước, tương đương với 120 triệu USD”, ông Nam quả quyết.
Theo Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, ông Trần Giang Khuê, đây là sáng chế mang lại nhiều ưu điểm và đặc biệt có ích cho đời sống sinh hoạt cũng như thân thiện với môi trường.
“Trong đó, sáng chế có những ưu điểm lớn như tính ứng dụng cao, dễ lắp đặt. Hơn hết, nó còn giúp tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, tiết kiệm nước sinh hoạt. Sản phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa tinh thần sống xanh. Ngoài ra, khi đã thương mại hóa, sản phẩm mang tính thị trường cao”, ông Khuê nhận định.