Trong 2 ngày 19 – 20.10, các chuyên gia về tiêm chủng của CDC Mỹ tại Atlanta và Văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam cùng chuyên gia Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có chuyến công tác đánh giá về triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm bù mũi cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại Thanh Hóa.
Đoàn đã làm việc tại một số trạm y tế và trường tiểu học tại huyện miền núi Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, nơi còn khó khăn về bao phủ tiêm chủng đầy đủ.
Thông tin về công tác kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ tại Thanh Hóa, BS Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc CDC Thanh Hóa, cho biết ngành y tế và ngành giáo dục tỉnh đều xác định đây là hoạt động trọng tâm trong năm nay. 100% các xã, phường, thị trấn cần hoàn thành công tác rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ chậm nhất trong tháng 10.
Do đó, các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với trạm y tế tại địa phương và phụ huynh trong việc triển khai chủ trương và thu thập thông tin, hồ sơ tiêm chủng của trẻ. Phụ huynh và người chăm sóc trẻ có nhận thức tốt trong việc phối hợp với nhà trường và cơ sở tiêm chủng để thu thập thông tin tiêm chủng của trẻ.
Các trạm y tế xã, trung tâm y tế tuyến huyện tổng hợp đối tượng cần tiêm bù liều và gửi dự kiến nhu cầu vắc xin, vật tư tiêm chủng cho CDC tỉnh trong tháng 10 này để có căn cứ đề xuất vắc xin tiêm chủng với Văn phòng Tiêm chủng quốc gia.
“Chúng tôi mong muốn đảm bảo an toàn tiêm chủng và đạt tỷ lệ trên 90% trẻ sau rà soát được tiêm chủng bù liều các mũi vắc xin theo quy định; rất quan tâm triển khai tại các địa bàn vùng núi, vùng khó khăn của tỉnh”, Phó giám đốc CDC Thanh Hóa cho biết.
Bà Lê Thị Kim Dung (Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa) đánh giá tiêm bổ sung bù liều với các cháu mầm non và tiểu học là rất cần thiết, giúp cho các cháu tránh được nguy cơ mắc bệnh, giảm các nguy cơ dịch bệnh trong trường học.
“Do Covid-19 và gián đoạn nguồn cung một số vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, các tháng qua, tỷ lệ tiêm chủng của các cháu bị giảm, có cháu 17 tháng nhưng chỉ mới tiêm một mũi vắc xin “5 trong 1″. Nhiều tháng nay không có vắc xin này, vắc xin sởi cũng đang gián đoạn. Thực sự chúng tôi rất lo lắng bệnh tăng trở lại với các trẻ nhỏ, do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ”, BS Lê Thiên Phú, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Thanh Hóa), chia sẻ.
Sớm cung ứng trở lại vắc xin tiêm chủng mở rộng
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm cung ứng trở lại các vắc xin tiêm chủng mở rộng thiếu hụt trong thời gian qua, phân bổ cho các địa phương để tiêm bù cho các trẻ ngay từ tháng cuối năm nay và đầu năm sau.
Tại Việt Nam, mỗi năm có 100.000 – 200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi, là nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch trong môi trường học tập.
Trong năm 2023, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều sẽ thí điểm triển khai tại 12 tỉnh, thành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; năm 2024, mở rộng đến 30% các tỉnh, thành cả nước và từ năm 2025 sẽ triển khai trên cả nước.
Theo CDC Mỹ, hiện có hơn 130 quốc gia đã rà soát tiêm chủng, một số nước đã đưa ra quy định bắt buộc tiêm chủng đầy đủ khi trẻ đi học. Việc này nhằm ngừa dịch bệnh bùng phát trong trường học, bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia về triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược hướng tới mục tiêu thanh toán, loại trừ và khống chế các bệnh truyền nhiễm.