Liên danh VIETUR vừa lọt vào vòng trong với gói thầu 5.10 của sân bay Long Thành với trị giá 35.000 tỷ đồng. Sự việc này hiện cũng đang gây chú ý trong dư luận do đối thủ của VIETUR là Liên danh Hoa Lư cũng đang khiếu nại khẩn cấp về kết quả đấu thầu lần này.
Liên danh VIETUR do Công ty IC Holding (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu, gồm 10 doanh nghiệp bao gồm: Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Trong đó, Ricons, Newtecons và Sol E&C là ba doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương.
Đáng chú ý trong đó, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1) là đơn vị có kết quả kinh doanh tương đối tốt với 10 quý liên tiếp báo lãi. Tuy nhiên, ngay khi liên danh VIETUR lọt vào vòng trong, CC1 đã liền báo lỗ sau thuế 2,5 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023.
Quý 2 thua lỗ 2,5 tỷ đồng, chấm dứt mạch lãi của CC1 trong 10 quý liên tiếp
Theo BCTC hợp nhất quý 2, CC1 ghi nhận doanh thu 1.236,6 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với quý 1 thì doanh thu CC1 đã tăng trưởng tương đối tốt. Lợi nhuận gộp quý 2 đạt 108,8 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ 2022.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm 21%, xuống chỉ còn 76 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính vẫn ở mức cao với 132,1 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay với 125,2 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng trong kỳ đã được tiết giảm mạnh, từ 7,9 tỷ đồng cùng kỳ giảm xuống chỉ còn hơn 214 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 1/3, từ 68 tỷ xuống chỉ còn 44,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế thì lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận âm 2,5 tỷ đồng.
Đây là quý đầu tiên mà CC1 phải báo lỗ bởi đơn vị này đã báo lãi liên tiếp trong 10 quý trước đó.
Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm của CC1 đạt 1.782,4 tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 5,8 tỷ đồng, giảm 80,5%. So với mục tiêu đặt ra, CC1 đang mới chỉ hoàn thành được 16,6% kế hoạch doanh thu cùng 2,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nợ vay vượt vốn chủ, dòng tiền kinh doanh của CC1 âm 814,9 tỷ đồng
Tính tới hết quý 1 năm 2023, tổng tài sản của CC1 đạt 14.415,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa, xuống chỉ còn 897 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng cũng chỉ ghi nhận 275,8 tỷ đồng.
Lượng tài sản phải thu của CC1 tương đối lớn, lên tới 6.906,5 tỷ đồng. Trong đó công ty còn đang phải trả người bán ngắn hạn 4.696,2 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, công ty đang sử dụng phần lớn nguồn vốn từ nợ phải trả, chiếm 10.362,7 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 71,9% tổng nguồn vốn. Trong đó, lượng vay nợ ngắn hạn chiếm 2.048,5 tỷ đồng, giảm hơn 150 tỷ so với đầu năm.
Tuy nhiên, lượng vay nợ dài hạn lại chiếm tới 4.580,5 tỷ đồng. Tổng lượng vay nợ ngắn và dài hạn của công ty lên tới 6.629 tỷ đồng. Lượng nợ vay này hiện đang cao gấp hơn 1,5 lần so với vốn chủ sở hữu của CC1.
Tính đến hết quý 2, vốn chủ của CC1 đạt 4.052,7 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt 3.289,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 362,4 tỷ đồng. Việc vốn chủ sở hữu thấp hơn rất nhiều so với nợ, đặc biệt là nợ vay cho thấy rủi ro tiềm tàng trong công tác quản trị nguồn vốn của công ty.
Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CC1 cũng đang ghi nhận âm 814,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng âm tới 2.343,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng nguồn tiền thu về từ kinh doanh đang không đủ chi cho các hoạt động thường ngày của CC1. Để bù đắp nguồn tiền thiếu hụt, công ty sẽ phải tăng cường vay nợ. Như vậy thì cơ cấu nợ trong tài sản của CC1 sẽ lại tiếp tục phình to.