Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Bộ môn Dược học cổ truyền – Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và đứng thứ hai ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, các nguồn dược liệu thiên nhiên có tác dụng chống ung thư đã trở thành mối quan tâm của mọi người trên thế giới và Việt Nam. Trong lịch sử, người dân đã biết sử dụng rất nhiều loại dược liệu làm thuốc như dừa cạn, táo ma, thông đỏ… để hỗ trợ điều trị ung thư.
Trong đó, xạ đen đã được sử dụng rộng rãi trong các nền y học cổ truyền một số nước để điều trị và phòng ngừa ung thư. Thời gian gần đây, xạ đen đã được người dân nước ta tìm kiếm để sử dụng trong điều trị hoặc hỗ trợ điều trị ung thư dưới dạng nước sắc độc vị hoặc dạng phối hợp.
Ở Việt Nam hiện nay, loài xạ đen (Celastrus hindsii Benth) là phổ biến nhất. Lá xạ đen đã được sử dụng để sản xuất các sản phẩm trà như một thức uống có lợi cho sức khỏe. Xạ đen còn được dùng làm thuốc đông y chữa ung nhọt, u bướu, ung thư và kháng viêm.
Có tác dụng với một số loại ung thư
Các báo cáo về dược lý đã chứng minh rằng các cao chiết và hợp chất được phân lập từ các loài xạ đen thuộc chi celastrus cho thấy tác dụng gây độc mạnh trên một số dòng ung thư trong thử nghiệm ở phòng thí nghiệm. Trong đó, một số hợp chất quan trọng như celastrol, maytenfolon A và celasdin B đã được phân lập từ cây xạ đen là có tác dụng tiềm năng nhất.
Ngoài ra, quercetin-3-β-D-rutinoside (rutin) là một hợp chất phổ biến thuộc nhóm flavonoid cũng được tìm thấy trong lá xạ đen, hợp chất này đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, kháng ung thư và làm bền thành mạch.
Trong báo cáo gần đây vào năm 2020 của nhóm tác giả Việt Nam đã chứng minh rằng các cao chiết từ lá xạ đen đã thể hiện các tác dụng dược lý trong phòng thí nghiệm trong việc chống oxy hóa và gây độc tế bào đối với các dòng ung thư vú, ung thư gan và ung thư phổi.
Mặc dù các loài xạ đen thuộc chi Celastrus được biết đến rộng rãi như là dược liệu hiệu quả trong điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh về gan nhưng đánh giá về độc tính và độ an toàn của chúng vẫn chưa đầy đủ. Do đó, các nghiên cứu độc tính cấp tính cần được tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn để thiết lập giới hạn độc tính cũng như liều lượng sử dụng của chúng.
Cần tham khảo ý kiến chuyên gia
Thạc sĩ, dược sĩ Trần Văn Chện, Bộ môn Dược học cổ truyền – Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cho đến nay chưa có những nghiên cứu thực hiện trên lâm sàng, do đó cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá độ an toàn của cao chiết xạ đen đối với cơ thể con người trước khi sử dụng.
Độc tính từ một số bộ phận của cây xạ đen chưa được báo cáo đầy đủ, do đó, cần phải chú ý liều lượng khi sử dụng. Đặc biệt khi dùng xạ đen với mục đích hỗ trợ hay điều trị bệnh, nhất là ung thư thì cần phải hỏi ý kiến hoặc lời khuyên từ chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền để có cách sử dụng hợp lý và an toàn.
“Không được sử dụng loại dược liệu này như trà hay thay thế nước uống thông thường, đồng thời cần thận trọng sử dụng đối với một số đối tượng đặc biệt như trẻ em hay phụ nữ có thai”, dược sĩ Chện khuyến cáo.