Nghị lực của đồng bào Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn khiến ai đã từng ngắm những công trình ruộng bậc thang trên đường lên Tây Bắc, hoặc đã từng trèo lên các sườn đá cheo leo để được thấy người dân cày cuốc và canh tác giữa trập trùng đá núi thì đều phải ngỡ ngàng khâm phục.
Mời quý vị hãy cùng tác giả Nguyễn Vũ Hậu tham gia một ngày lao động cày bừa của đồng bào Mông trên những đỉnh núi đá cao qua bộ ảnh “Cày trong mây”. Bộ ảnh sẽ cho quý vị thấy dù điều kiện địa lý đặc biệt hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nhưng với bản chất cần cù, mà sáng tạo, đồng bào Mông nơi đây vẫn tận dụng từng vốc đất, từng đường cày để làm ra hạt lúa, hạt ngô nuôi sống con người. Ở đó đồng thời cũng hình thành nên những giá trị văn hóa độc đáo của “Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng văn”. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Cao nguyên đá nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, trải rộng trên địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Đây là vùng núi đá vôi, ít sông suối, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác. Để sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây, chủ yếu là người Mông và một số nhóm người, như Dao, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo… phải tận dụng từng hốc đá để canh tác. Theo đó, kĩ thuật thổ canh hốc đá độc đáo của đồng bào đã hình thành và được duy trì qua nhiều thế hệ.
Khi sương sớm vẫn còn giăng khắp bản, đồng bào Mông đã thức dậy cùng gia súc leo lên núi để cày bừa, canh tác.
Đến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang. Trong thổ canh hốc đá, người dân đã sử dụng các nông cụ thích hợp với điều kiện canh tác, như: cày, bừa, cuốc bướm. Thân cày hỗ trợ nông dân chính là những chú bò khoẻ mạnh và có sức cày dẻo dai.
Việc làm đất thường diễn ra sau Tết của đồng bào. Đối với những nương đã được khai phá và canh tác nhiều vụ, thì công việc đầu tiên là dọn những phiến đá lộ ra trong quá trình canh tác từ vụ trước, rồi xếp lại và tu sửa những đoạn bờ kè bị xói lở. Sau đó, đồng bào sử dụng cuốc bướm và dao phát dọn sạch cỏ, phơi khô và đốt. Tro được rải đều ra khắp mặt nương để làm nguồn phân bón.
Kĩ thuật thổ canh hốc đá – Canh tác trên vùng đất xen lẫn đá, thường dùng đá xếp quanh đất để che chắn, chống xói mòn, rửa trôi đất, nhiều hốc đá tự nhiên được người dân gùi đất đổ vào và trở thành hốc canh tác. Nhờ sáng tạo ra hình thức thổ canh hốc đá và kĩ thuật trồng ngô trên nương đá, kĩ thuật xen canh các loại cây hoa màu, mà bà con nơi đây thích nghi được với điều kiện tự nhiên đặc biệt để ổn định cuộc sống.
Bừa có hai loại: bừa tay và bừa chân. Bừa tay là loại bừa có tay ngang để người sử dụng cầm ấn xuống khi bừa. Bừa chân được dùng thông dụng hơn, thường có dạng hình chữ nhật, cấu tạo chắc chắn, với hai hàng răng, không có tay giữ, khi bừa, người điều khiển phải đứng lên bừa.
Thổ canh hốc đá của người Mông và một số tộc người thiểu số khác sống trên cao nguyên đá Đồng Văn thể hiện tinh thần sáng tạo, vượt khó và thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt của cư dân. Phương thức sản xuất này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên vùng cao nguyên đá, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, giữ gìn mảnh đất biên cương nơi địa đầu của tổ quốc.
Vietnam.vn