(BLC) – Nắng nóng kéo dài khiến cây trồng trên địa bàn huyện Phong Thổ thời gian gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều diện tích bị héo úa, không có khả năng phục hồi, nguy cơ tác động trực tiếp đến năng suất, sản lượng cây trồng, khiến nông dân xót xa.
ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN VÌ RUỘNG NƯƠNG KHÔ HẠN
Sau những trận mưa hiếm hoi, cánh đồng ngô của các thôn: Đoàn Kết, Thống nhất (thị trấn Phong Thổ) những ngày gần đây vẫn không lấy lại được mầu xanh mướt, tràn đầy sức sống như mọi năm. Thay vào đó là những ruộng ngô bị hỏng, lá héo rũ, thậm chí nhiều chỗ lá, bắp đã khô, chuyển hẳn sang màu trắng bạc. Theo chia sẻ của bà con, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do từ đầu tháng 3/2023 đến nay trên địa bàn hầu như không có mưa, nếu có thì cũng không đáng kể. Chính việc nắng nóng kéo dài khiến cho đất đai khô cằn, có chỗ nứt toác, không có nước cung cấp cho cây phát triển.
Hơn nửa diện tích ngô của gia đình anh Điêu Chính Vương (bên phải) ở thôn Đoàn Kết (thị trấn Phong Thổ) không có khả năng phục hồi.
Gia đình anh Điêu Chính Vương ở thôn Đoàn Kết trồng trên 2.000m2 ngô. Vốn là cây trồng chính của gia đình, cung cấp thức ăn phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường nên gia đình anh Vương trông mong rất nhiều. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khô hạn, hơn nửa diện tích ngô của gia đình anh đã bị hỏng, không thể phục hồi.
Khuôn mặt thất thần nhìn vườn ngô đang khô héo, anh Vương chia sẻ: “Năm ngoái, gia đình tôi chỉ trồng 1.000m2. Mưa thuận gió hòa, ngô phát triển tốt cho thu 60 bao. Thấy vậy năm nay gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi thêm hơn 1.000m2 đất trồng mía sang trồng ngô, nâng tổng diện tích ngô của cả gia đình lên trên 2.000m2. Rất tiếc, khô hạn kéo dài, toàn bộ 1.000m2 ngô trồng sớm hỏng hoàn toàn, diện tích ngô còn lại trồng sau tỷ lệ mọc thấp, nếu có mưa liên tục trong thời gian tới thì thu được cũng không đáng là bao”.
Dưới tác động của nắng nóng, khô hạn, nhiều diện tích ngô ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ) bị khô bắp và lá.
Hiện nay, thôn Đoàn Kết có 226 hộ dân với 90% số hộ trồng ngô trên ruộng và nương, hầu như hộ nào cũng bị ảnh hưởng do nắng nóng và diện tích bị ảnh hưởng đều chiếm phần lớn diện tích trồng. “Gia đình tôi trồng 700m2 ngô giống CP 511. Từ lúc trồng đến nay trời nắng nhiều, nền nhiệt cao, ngô chậm phát triển và đến giờ thì 100% diện tích không có khả năng cho thu hoạch. Mất công chăm sóc, mất đi nguồn thu đã vậy, chúng tôi còn âm 3 triệu đồng tiền mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu” – anh Màng Văn Định cùng thôn Đoàn Kết bộc bạch.
Đối với thôn Thống Nhất, tình trạng nắng nóng ảnh hưởng đến lúa, ngô cũng làm bà con đứng ngồi không yên. Riêng diện tích ngô của thôn đã có 12/15ha bị hỏng hoàn toàn, 3/15ha bị ảnh hưởng khoảng 30%. Nhiều bà con thấy ngô không thể cho thu hoạch đã chặt cây về làm thức ăn cho gia súc.
NỖ LỰC CỨU CÂY TRỒNG
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Trần Bảo Trung – Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Hiện nay thời tiết rất khô nóng, các loại cây trồng, đặc biệt các loại cây trồng ngắn ngày thiếu nước nghiêm trọng, chúng tôi đang chỉ đạo bà con dừng các hoạt động gieo cấy, chờ khi thời tiết thuận lợi mới gieo cấy tiếp. Với các cây trồng đã gieo cấy rồi thì khai thác triệt để các nguồn nước hiện có để đảm bảo cây trồng được phát triển bình thường”.
Người dân xã Mường So thuê máy hút nước từ suối Nậm Lùm dẫn về ruộng để cứu lúa.
Trên cơ sở sự chỉ đạo của UBND huyện, cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân linh hoạt các giải pháp cứu cây trồng (ngô, khoai sọ, chanh leo). Song, do nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao (ngoài trời có lúc trên 41 độ C) trong khi đó các cây được trồng trên nương nhiều, phụ thuộc vào nguồn nước trời là chính, mực nước ở các sông suối giảm mạnh, khó để dẫn nước về ruộng. Vào thời điểm thiếu nước nhất lại là lúc nhiều diện tích ngô trổ cờ, tạo bắp nên các diện tích này không đáp ứng được nhu cầu cầu của cây, không thể tạo hạt. Việc ảnh hưởng của nắng nóng đến cây trồng là không tránh khỏi.
Với diện tích lúa, cũng đang trong giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trỗ bông. Đây là giai đoạn quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến năng suất, sản lượng lúa cuối vụ, do đó bà con nông dân đang dồn sức cứu lúa.
Chị Pờ Thị Thín – Trưởng bản Phiêng Đanh nói: “Cánh đồng Nà Ngào có tổng diện tích 7ha do Nhân dân 2 bản: Nậm Cung, Phiêng Đanh gieo cấy. Giờ lúa đang trỗ bông nhưng thiếu nước đã có 20% diện tích bị cháy lá. Chúng tôi rất lo lắng, do đó đã trao đổi và thống nhất giữa các hộ cùng đóng góp công sức, thời gian, tiền để mua dầu, dây dẫn nước, thuê máy bơm hút nước từ suối Nậm Lùm cả tuần nay. Hàng ngày, chúng tôi đều chia ca trực, trông coi việc bơm nước đảm bảo hiệu quả, an toàn”.
Từng chút nước được tận dụng dẫn dòng về cánh đồng Nà Ngào (xã Mường So).
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy 754,8ha lúa và trồng 3.291ha ngô xuân hè. Dưới tác động của nắng nóng, khô hạn đã có 68ha lúa, 456ha ngô, 13ha khoai sọ, 5ha chanh leo bị ảnh hưởng. Diện tích cây trồng bị ảnh hưởng tập trung ở thị trấn Phong Thổ và các xã vùng thấp như: Mường So, Khổng Lào, Hoang Thèn, Nậm Xe, Bản Lang, Huổi Luông, Lản Nhì Thàng.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại, khi có điều kiện sẽ bố trí hỗ trợ người dân khôi phục sau đợt nắng nóng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân khôi phục lại diện tích ngô bị thiệt hại bằng cách gieo trồng khi có mưa, khung lịch thời vụ có thể kéo dài đến trung tuần tháng 5. Với cây lúa, sẽ duy trì nạo vét khơi dòng, tận dụng máy hút nước đưa nước về ruộng.
Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chuyên môn, huyện Phong Thổ sẽ giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng do nắng nóng, khô hạn gây ra.