Thời gian gần đây, khu vực cảng Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh) là địa điểm tập kết dăm gỗ để chờ những chuyến tàu lớn vào nhập hàng xuất đi nước ngoài.

W-tp_quocnam_DJI_0215 (1).jpg
Dăm gỗ tập kết thành đống lớn tại cảng Cái Lân. Ảnh: Phạm Công

Trao đổi với PV VietNamNet, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh ông Vũ Duy Văn cho biết, hiện cảng Cái Lân có lượng dăm gỗ rất lớn. Việc tập kết dăm gỗ xuất phát từ việc người dân tận thu cây bị gãy đổ trong bão số 3 vừa qua. Thay vì bỏ đi, lượng lớn cây keo được người dân thu về rồi làm sản phẩm dăm gỗ để bán cho các doanh nghiệp thu mua.

Cũng theo ông Văn, nguồn cung cấp sản phẩm dăm gỗ đợt vừa rồi là từ những diện tích rừng trồng của hộ dân, doanh nghiệp tận thu để chuẩn bị cho việc trồng rừng vụ mới. Đây là một phương án của Quảng Ninh để giúp bà con trồng rừng giảm bớt thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Đối với việc khai thác, thanh lý rừng thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đầu tư, Chính phủ đã rất kịp thời ban hành nghị định số 140 năm 2024 quy định việc thanh lý rừng trồng.

Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp vừa qua đã ban hành nghị quyết số 50 về phân cấp thẩm quyền thanh lý rừng.

“UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đang tiếp nhận hồ sơ về việc thanh lý rừng thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đầu tư”, ông Văn cho biết.

W-tp_quocnam_DJI_0236 (1).jpg
Các khoảng trống trong cảng Cái Lân đều được tận dụng trở thành nơi tập kết dăm gỗ. Ảnh: Phạm Công

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 gây tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 128.873ha. Trong đó, diện tích rừng trồng là 112.816ha, diện tích rừng tự nhiên là 16.057 ha.

Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai chính sách hỗ trợ đối tượng bị thiệt hại sau bão, trong đó diện tích rừng thiệt hại trên 70% thì được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân sản xuất lâm nghiệp bị thiệt hại từ 30% trở lên do cơn bão số 3 được hỗ trợ thêm với mức 1 triệu đồng/ha để thực hiện công tác dọn vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng.

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ đối với 11 địa phương số tiền hơn 38 tỷ đồng, tương ứng diện tích rừng bị thiệt hại được hỗ trợ là 38.464,9ha.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 278 cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển của ngành lâm nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Quảng Ninh ghi nhận có sự tăng trưởng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2020 đạt trên 221 triệu USD, năm 2021 đạt 238 triệu USD, năm 2023 đạt 242 triệu USD. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và đang hướng dần tới thị trường EU.