Giới quan sát nhận định, “cuộc hôn nhân” thuận lợi của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã mang lại cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan những gì ông cần để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Nhờ ‘cuộc hôn nhân thực dụng’ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan không ngại kinh tế bết bát? (Nguồn: Getty Images) |
Nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử được cho là quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại 100 năm của đất nước. Người đàn ông 69 tuổi này cũng đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong một thế hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và một liên minh đối lập hùng mạnh nhất, trên con đường giành chiến thắng trong cuộc bầu cử khó khăn nhất.
Bí kíp cân bằng của Ankara
Giới quan sát bình luận, trong những thành công mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có “bóng dáng” mối quan hệ tốt đẹp của ông với Tổng thống Nga Putin, đặc biệt từ sau xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Nền kinh tế đang gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ đang được hưởng lợi từ việc hoãn thanh toán đối với nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp ông Erdogan mạnh dạn hơn với các cam kết trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Nga hiện là một trong những nguồn cung cấp nguồn nhân lực và tài chính quan trọng cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm qua, trong số người Nga đến với Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người đang mua tài sản, gửi tiền của họ bên ngoài nền kinh tế đang phải chịu sự trừng phạt của Moscow, hoặc mở doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm ngoái, người Nga đã mở 1.363 công ty mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở một mức độ nào đó, số lượng người Nga mới đến đã – ít nhất là tạm thời– thay đổi bộ mặt của các thành phố Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như Istanbul hay Antalya. Giá thuê nhà tăng vọt, quán cà phê đông đúc và thậm chí cả biển quảng cáo thỉnh thoảng cũng được viết bằng chữ Kirin và quan trong nhất là giá khí đốt tự nhiên vẫn ở mức thấp.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc duy trì và thậm chí làm sâu sắc thêm quan hệ với Nga, nhưng đồng thời duy trì vị trí là một trong những thành viên “có tiếng nói” của NATO là một hành động cân bằng khó khăn nhưng rất cần thiết. Và chính bí kíp cân bằng giữa Nga và phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Ankara trở nên quan trọng đặc biệt dù là đứng ở bên nào.
Thổ Nhĩ Kỳ bị chèn ép giữa Iran và phương Tây, có biên giới trên bộ với Syria; kiểm soát lối ra biển duy nhất của Biển Đen và có biên giới trên biển với cả Ukraine và Nga. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách hỗ trợ cả nỗ lực quân sự của Ukraine – dù không phải nhân tố làm thay đổi cuộc chơi và cả nền kinh tế Nga đang “điêu đứng” bởi hàng loạt lệnh trừng phạt “ngột ngạt” từ phương Tây.
Ở bờ biển phía Bắc của mình, Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực với vai trò trung gian đàm phán Thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc, để nông sản của Ukraine có thể thuận lợi ra khỏi các cảng Biển Đen. Ở phía bên kia, Ankara tăng cường mua khí đốt và dầu mỏ của Nga, góp phần giúp Moscow giảm tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, vị trí trung gian trở thành “một món hời” được sinh ra từ nhu cầu địa chính trị, chính trị và kinh tế, nó đã giúp ông vượt qua cuộc bầu cử thách thức nhất từ trước đến nay đối với cá nhân ông.
Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cùng có lợi
“Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là một cuộc hôn nhân thực dụng”, Alper Coskun, một thành viên cấp cao tại Quỹ vì Hòa bình quốc tế nhận xét. Dù đó, chắc chắn không phải là một cuộc hôn nhân dễ dàng.
Không đề cập vấn đề chính trị, chỉ xét về mặt kinh tế, đặc biệt kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã hỗ trợ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bằng dòng vốn khổng lồ, thậm chí nhắm mắt làm ngơ trước sự hỗ trợ quân sự “có hạn chế” của Ankara dành cho Kiev. Hai nước hiện đang đàm phán về khả năng giảm giá khí đốt và Ankara đã yêu cầu Nga hoãn thanh toán khí đốt cho đến năm 2024 – ít nhất đã cung cấp nguồn hỗ trợ kinh tế tạm thời.
Tất nhiên, đây là con đường hai chiều. Đối với Điện Kremlin đang bị cô lập do loạt đòn trừng phạt của phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nơi trú ẩn an toàn về tài chính. Năm ngoái, thương mại giữa hai nước ước tính lên tới 70 tỷ USD, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Đồng thời, hàng trăm công ty phương Tây đang tìm cách lách lệnh trừng phạt bằng cách mở văn phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục giao dịch với Nga, tờ Hurriyet Daily News đưa tin.
Tờ Hurriyet Daily News nhận định, “Mặc dù ông Erdogan không phải lúc nào cũng là đối tác đáng tin cậy của Moscow, nhưng Tổng thống Putin khó có lựa chọn nào tốt hơn trong lúc này”.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chủ nghĩa thực dụng cũng nổi bật trong các lựa chọn của họ. Về mặt địa lý và quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khối phương Tây và là một đồng minh quan trọng của phương Tây, nhưng về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Nga. “Nếu Nga cắt đường khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ, đó sẽ là một thảm họa”, Kerim Has, chuyên gia độc lập về Nga ở Moscow nhận định.
“Tương tự như vậy, nếu nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ, các ngân hàng châu Âu cũng sẽ điêu đứng khi phải gánh chịu thiệt hại từ các khoản vay khổng lồ của Ankara”.
Giới chuyên gia nhận định rằng, ở thời điểm hiện tại, trong quan hệ Nga-Thổ dù vẫn tồn tại nhiều vấn đề cả chính trị và kinh tế, nhưng Tổng thống Erdogan đã thích nghi và công nhận Nga là đối tác quan trọng. Tuy nhiên, giống như tất cả các cuộc hôn nhân dù thực dụng hay không, thì tương lai phía trước là gì không ai có thể biết trước được, kể cả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hay người đồng cấp ở nước Nga – ông Putin.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với bề dày kinh nghiệm vượt khủng hoảng, đã chiến thắng trong cuộc đua vào ngày 28/5, để kéo dài thời gian tại vị ở chiếc ghế quyền lực sang thập kỷ thứ ba.
Tuy nhiên, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang suy thoái; Đồng nội tệ Lira sớm rơi vào tình trạng rơi tự do và tỷ lệ lạm phát hàng năm chạm mức 85% vào năm ngoái. Capital Economics cảnh báo, “ngày quyết định đối với nền kinh tế và thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sắp đến gần”. Giới phân tích cho rằng, đây chính là phép thử tức thời nhất đối với ông Erdogan.
Có lẽ tin vui mới nhất với Tổng thống Erdogan là Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa thông báo nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ với những tin tưởng vào Nội các mới và việc cải tổ đội ngũ kinh tế của ông.
Theo đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, tăng so với dự báo 2,7% được đưa ra vào tháng 1. Còn OECD dự kiến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng trưởng 3,6%, tăng so với dự báo 2,8% hồi tháng 3, theo báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất vừa công bố. WB còn cho biết, bất chấp những cơn gió ngược, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên cường trong quý đầu tiên và vẫn là quốc gia đóng góp chính cho sự tăng trưởng của châu Âu và Trung Á.