(Báo Quảng Ngãi)- Các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên đều làm các loại cây nêu trong các lễ thức tín ngưỡng, đặc biệt là trong lễ ăn trâu. Mỗi dân tộc có mỗi cây nêu ăn trâu riêng, nhưng với cây nêu trong lễ ăn trâu của người Ca Dong ở miền Tây Quảng Ngãi là độc đáo nhất.
Nhiều điều thú vị về cây nêu
Kalung là tên một loại cây cổ thụ mọc khắp núi đồi miền Tây Quảng Ngãi. Ở miền xuôi hình như không thấy có cây này. Trước đây, người Ca Dong chưa biết tính ngày tháng như bây giờ, họ nhìn trái reang kalung nở bung cánh trắng trên khắp núi rừng là biết sắp vào mùa lễ ăn trâu.
Cây nêu được dựng trước nhà ông Đinh Văn Dung, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Ảnh: Đăng Vũ |
Mặc dầu kalung có ở khắp núi rừng miền Tây Quảng Ngãi, nhưng với người Ca Dong, đó là trái của thần Tarok – Thần Trời ban tặng cho con người. Bởi ban cho con người nên con người phải dùng những cánh reang kalung làm cây nêu đẹp cho thần Tarok và các thần linh khác.
Vào tháng Ba, tháng Tư dương lịch, lên vùng núi Sơn Tây, ta sẽ thấy trong các khu dân cư của đồng bào Ca Dong ở lưng chừng núi thấp thoáng những ngọn nêu cong mềm mại, trắng tinh màu reang kalung, như chạm vào mây trôi bềnh bồng, như mời gọi bước chân của những người phiêu lãng.
Để có cây nêu cao chừng 25m, người Ca Dong phải làm cây nêu trong vài tháng. Màu reang kalung trắng tinh khiết là màu chủ đạo, nhưng với suy nghĩ để màu trắng tinh khiết ấy vươn lên mây trời mời gọi các vị thần lẫn con người từ khắp nẻo về với mùa lễ hội, người Ca Dong phải làm các bộ phận khác của cây nêu, bằng 3 tầng rất đỗi cầu kỳ, vừa mang hơi thở của nhịp điệu thường nhật, vừa chuyển tải chiều sâu cội nguồn văn hóa, lịch sử của tộc người.
Tầng ngọn (chak goai), dài chừng 8 – 10m, được làm bằng ống nứa, có treo nhiều dải reang kalung màu trắng, kết chùm với vỏ trái reang kalung được cắt thành hình tam giác, có 3 bậc, treo các vòng tròn đan bằng nứa. Người Ca Dong gọi đó là reang krum. Trên đỉnh reang krum có gắn biểu tượng chim vlink (chèo bẻo) bằng gỗ, màu đen. Chim chèo bẻo chính là biểu tượng cho người Ca Dong, chao cánh trên tầng cao chót vót, mời gọi các vị thần về dự hội.
Tầng giữa, được làm bằng tre lồ ô (tanrôp), dài chừng 8m. Ở dưới tầng giữa có gắn chang vay bằng gỗ, 4 cánh, như hình cánh hoa xòe ra, trang trí 3 màu. Chang vay được gắn trên glâng – là chiếc mâm tròn bằng gỗ.
Ở đoạn trên cùng của tầng giữa, người Ca Dong gắn hình một con chim hang – chim phượng hoàng. Mỏ chim hang ngậm miếng bông reang kalung, 2 cánh chim được treo 2 chuỗi cring nink bằng ống nứa, được xâu bằng hạt cườm trắng – là loại cây có hạt mọc dưới suối, có tên gọi là kloong ravông. Chuỗi hạt cườm gợi nhớ huyền thoại về ngày con người phải trở về với thế giới Mang Lùng – thế giới bên kia. Muốn qua được thế giới bên kia, người vừa quá cố phải trao chuỗi cườm cho nữ thần gác cửa là Yă Toong.
Đuôi chim hang có gắn tấm phướn hình tam giác, dài chừng 10m. Người Ca Dong gọi đó là clă acleang. Clă acleang được trang trí các ô vuông chồng xếp, được hiểu vừa là đuôi chim hang, vừa như để xua đuổi ma quỷ, vừa như tấm thổ cẩm dâng hiến cho thần. Người Ca Dong quan niệm, chim hang chính là con vật cưỡi của thần Tarok – vị thần của các vị thần – nên chim hang là linh vật chính trên cây nêu, được chạm khắc công phu nhất.
Tầng gốc được làm bằng gỗ chò hoặc gỗ sến, hình trụ tròn, đường kính khoảng 20cm, dài chừng 8m (gọi là chak xiâm gâng). Phần trên cùng của tầng gốc (glâng) có gắn bàn gỗ hình đĩa tròn (gâng xiâm), có đường kính chừng 40 – 50cm. Trên glâng người ta gắn các chu wuk – là những miếng gỗ đẽo cong như cánh hoa phượng, vươn lên đều 4 phía, và treo các cring nink (chuông, hay lục lạc) bằng nứa nhỏ chung quanh. Cách mặt đất chừng 2m, thuộc tầng gốc, có vung veang làm bằng gỗ, 4 cánh, dài chừng 6 tấc, được chạm trổ các họa tiết hình vuông, hình tam giác, hình thoi, hình bán nguyệt, sọc ngang, sọc dọc.
Từ chu wuk người Ca Dong lấy 4 dây mây xâu ruột cây hố, rồi buộc vào 4 góc của vung veang. Còn dải dây đan bằng nứa mỏng gọi là yi zoai ka được treo từ giữa tầng hai của cây nêu. Trên yi zoai ka có treo các linh vật bằng gỗ, như: Cho croh (biểu tượng con chó 2 đầu), một con gà trống, một con gà mái, một con ếch, hai hoặc ba con cá h’linh (cá niên) và một hình chiếc cachui (gùi) 3 ngăn của đàn ông.
Lý giải của nghệ nhân
Cây nêu dựng trước nhà ông Đinh Ka La, ở xã Sơn Mùa. Ảnh: Đăng Vũ |
Ông Đinh Văn Đàm (78 tuổi), ở thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) cho biết, người Ca Dong chỉ sử dụng có 3 màu: Đỏ, đen, trắng – từ đá đỏ hoặc bã trầu trộn với bột nghệ, nhọ nồi, vôi. Hoa văn khắc chỉ bằng dao nhọn, nhưng các con trẻ cũng biết đó là đôi tai con hổ, hàm răng trâu, lá ranu (đùng đình), các ổ con nhện, da cá h’linh (cá niên), tấm thổ cẩm, cring nink… Rừng núi mình có gì thì mình khắc trên đó. Mỗi hoa văn là một câu chuyện.
Nếu nghe người Ca Dong kể các amoan (chuyện cổ), chắc hẳn nhiều người sẽ hiểu thêm vì sao người Ca Dong lại khắc những hoa văn có các con vật, cây cỏ lên cây nêu. Hình ảnh cho croh gợi câu chuyện về người mẹ thủy tổ và con chó sống sót sau trận đại hồng thủy mà sản sinh ra người Ca Dong. Hình ảnh răng trâu, hẳn phải liên quan đến tục người miền núi cà răng cho giống răng trâu, hay con trâu chính là hóa thân của con người. Hình ảnh con hổ thì phải liên quan đến chuyện hổ không ăn thịt người Ca Dong trong câu chuyện Hổ và Ốc. Lá ranu là một lá thiêng liên quan đến kiêng cữ. Cá h’linh hẳn phải liên quan đến chuyện nàng Y Dật trong nhiều truyện cổ tích. Hình ảnh ổ nhện liên quan đến câu chuyện về hai nàng Y Bênh và Y Bliếc hóa thân làm người…
Cây nêu của người Ca Dong có lẽ còn chứa đựng những câu chuyện, những ẩn ngữ khác mà ta khó bề giải thích cho đầy đủ. Bởi lẽ, nó chứa đựng nhân sinh quan, thế giới quan của một tộc người thể hiện trên từng hoa văn, họa tiết, trên mỗi dải reang kalung, mỗi hình ảnh linh vật… Đây là một di sản văn hoá độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người Ca Dong.
NGUYỄN ĐĂNG VŨ
TIN, BÀI LIÊN QUAN