Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh. Trong hơn 30 năm qua, từ khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập, những bí thư chi bộ ấp, khóm, người có uy tín trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… góp phần đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững.
Trở lại ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) sau gần 3 năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước diện mạo của vùng quê từng là ấp đặc biệt khó khăn. Đón chúng tôi là người đàn ông trung niên giản dị trong chiếc áo chàm xanh, gương mặt đôn hậu và cương nghị. Đó là đồng chí Lý Phonh, người dân tộc Khmer, Bí thư Chi bộ ấp Bưng Tróp A. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, ông từng làm Phó chủ tịch UBND xã, Chánh văn phòng Đảng ủy xã An Hiệp trong thập niên 1980. Khi nghỉ hưu, ông được người dân tin yêu và các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp. Là người có tri thức, uy tín với nhân dân, có mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nên ông thường xuyên được bà con tìm đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, giúp họ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Ấp Bưng Tróp A hiện có 641 hộ dân, hơn 80% là đồng bào Khmer, từng là ấp đặc biệt khó khăn. Trước đây, nhận thức của người dân hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, số hộ nghèo cao, đường sá lầy lội, còn xảy ra tệ nạn xã hội… Những kinh nghiệm trong công tác quản lý ở xã trước đây được ông khéo léo vận dụng để vận động bà con tích cực sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cũng như hòa giải mâu thuẫn, vướng mắc trong cộng đồng, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Dẫn chúng tôi xem tuyến đường rộng 3,5m, dài gần 500m dẫn vào chùa ở ấp Bưng Tróp A mới hoàn thành với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, ông Lý Phonh cho biết: “Có được con đường này, tôi cùng với ban quản trị chùa vận động nhân dân đóng góp 50% kinh phí để cùng Nhà nước làm.
Đời sống người dân ở ấp bây giờ cải thiện nhiều rồi, nhờ nhà chùa phối hợp với chính quyền ấp cho mượn điểm chùa mở các lớp học may nên con em trong ấp đã có việc làm; hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, vốn chăn nuôi để thoát nghèo. Đây cũng là một trong những ấp có nhiều mô hình kinh tế, như mô hình làm khô cá lóc, mô hình chăn nuôi bò, trồng màu, sản xuất lúa đặc sản… Các tuyến đường liên ấp đều đã được bê tông hóa”.
Nhiều tuyến đường nông thôn ở xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được bê tông hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng. |
Tương tự, tại ấp Thạnh Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), sau bao năm phấn đấu giảm dần rồi về đích “xóa trắng” hộ nghèo, bà con địa phương rất tự hào. Có được thành quả ấy phải kể đến công lao của ông Mai Văn Phấn, người có uy tín, cũng là gương điển hình ở địa phương. Mới đây, ông Phấn đã đi đầu trong việc hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới. Hơn 10 năm qua, ông tích cực ủng hộ và vận động người dân trong ấp tự nguyện đóng góp để giúp địa phương có thêm 7 cây cầu bê tông cốt thép, 4 đường bê tông, làm 2 căn nhà để người dân có nơi nghỉ ngơi khi đi làm đồng và ủng hộ gạo cho hộ khó khăn, trồng hoa hai bên đường để làm đẹp ngõ xóm.
Ông Phấn còn phát huy tốt vai trò của mình qua phong trào sản xuất, kinh doanh. Vốn tính cần cù chịu khó, ông đã làm giàu cho mình và giúp đỡ nhiều người cùng thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Anh Lý Sêl, một trong những hộ dân được ông Phấn giúp đỡ, bộc bạch: “Trước đây, vì một số vấn đề trong cuộc sống khiến tôi buồn, hay uống rượu và cũng không muốn làm gì. Chú Phấn biết chuyện đã hỗ trợ vợ chồng tôi vốn, cho mượn đất trồng hẹ, hướng dẫn cách chăm sóc. Nhờ vậy mà giờ đây cuộc sống gia đình tôi khá hơn”.
Đồng chí Lý Rotha, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có 606 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Trong 5 năm qua (2017-2022), người có uy tín tỉnh Sóc Trăng đã vận động nhân dân, mạnh thường quân đóng góp xây dựng nông thôn mới hơn 74 tỷ đồng để xây 234 cây cầu nông thôn, xây mới và sửa chữa 131 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, làm hơn 5km đường lộ nông thôn, khoan 20 giếng nước…; đóng góp cho sự nghiệp giáo dục hơn 454 tỷ đồng, gồm: Mở 597 lớp dạy chữ Khmer, Pali tại các điểm chùa, trao 690.806 học bổng, tặng hơn 13.000 cuốn vở, trao 13.216 xe đạp; đóng góp an sinh xã hội hơn 129 tỷ đồng…
“Với sự góp sức của đội ngũ người có uy tín, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 17,89% năm 2016 xuống còn 2,66% vào năm 2020, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 3,77%. Đến nay, có 21/41 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được ổn định…”, đồng chí Lý Rotha nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THÚY AN