Trang chủNewsThế giớiCầu nối Crimea-Nga bị tấn công, Moscow ngừng gia hạn thỏa thuận...

Cầu nối Crimea-Nga bị tấn công, Moscow ngừng gia hạn thỏa thuận ngũ cốc



Quan chức Mỹ-Trung thảo luận về biến đổi khí hậu ở Bắc Kinh, Bình Nhưỡng cảnh cáo Washington ngừng khiêu khích… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

(07.17) Đoạn hình ảnh về cây cầu nối Crimea-Krasnodar bị hư hại sau vụ tấn công ngày 17/7. (Nguồn: Crimea24/Krasnodar)
Đoạn hình ảnh về cây cầu nối Crimea và Krasnodar (Nga) bị hư hại sau vụ tấn công ngày 17/7. (Nguồn: Crimea24/Krasnodar)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

* Cầu nối Crimea bị tấn công: Nga nêu thủ phạm, Ukraine ngầm thừa nhận? Đêm ngày 17/7 (giờ địa phương), một vụ nổ đã xảy ra tại cầu Crimea nối bán đảo cùng tên với khu vực Krasnodar của Nga, khiến hai người thiệt mạng và một người khác bị thương.

Ngay sau khi vụ việc diễn ra, giao thông trên cầu đã tạm thời gián đoạn, trước khi nối lại ít lâu sau đó. Kênh Telegram “Crimea 24” viết: “Hoạt động vận tải đường sắt trên cầu Crimea đã được nối lại”. Theo đó, chuyến tàu Simferopol-Moscow, dừng trên cầu trong 5 giờ do tình trạng khẩn cấp, đã đi về phía Krasnodar.

Hãng thông tấn RIA (Nga) dẫn lời người đứng đầu cơ quan quốc hội Crimea do phía Nga bổ nhiệm nêu rõ các lực lượng Ukraine đã đứng sau vụ việc. Tuy nhiên, nhân vật này cho biết phần đường sắt trên cây cầu đã không bị phá hủy.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được thông báo về vụ việc. Ông cáo buộc Kiev đứng sau vụ việc và cho biết Moscow sẽ ngăn chặn bất kỳ vụ tấn công tương tự nào. Phát biểu cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định: “Có mọi dấu hiệu của một nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế. Các quyết định được giới chức và quân đội Ukraine đưa ra với sự tham dự trực tiếp của các cơ quan tình báo cùng chính khách Mỹ và Anh.”.

Cùng ngày, Ủy ban chống khủng bố Nga nhận định Ukraine đã sử dụng các thiết bị không người lái trên mặt nước để tấn công cây cầu nêu trên. Theo đó, “đặc vụ” Ukraine đã thực hiện vụ tấn công và phía Nga đang điều tra hình sự vụ việc này.

Trong một diễn biến khác, trang mạng RBC (Ukraine) dẫn một nguồn trong Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết vụ tấn công cầu Crimea vào đêm rạng sáng 17/7 là chiến dịch đặc biệt của SBU và Hải quân Ukraine. Theo trang mạng này, các lực lượng Kiev đã sử dụng các xuồng không người lái để làm hư hại cây cầu.

Tương tự, đài Suspilne (Ukraine) và báo Pravda Ukraine đã đưa ra một số chi tiết về hoạt động mà họ nói là có sự tham gia của SBU và hải quân nước này. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Hải quân Ukraine đã phủ nhận thông tin trên. Ông cũng kêu gọi truyền thông chờ đợi các tuyên bố chính thức. (Reuters/TASS)

* Hàn Quốc nêu ‘công thức quản lý’ quan hệ với Nga: Ngày 17/7, phát biểu trên đài SBS (Hàn Quốc), Thứ trưởng Ngoại giao nước này Chang Ho Jin đã hạ thấp tác động từ chuyến công du Kiev bất ngờ của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới quan hệ với Moscow: “(Hàn Quốc và Nga có) một công thức quản lý quan hệ sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Hai nước đều ngầm hiểu rằng có một giới hạn nhất định trong mối quan hệ song phương khi xảy ra trường hợp như vậy. Do đó, chuyến thăm của tổng thống sẽ không làm xấu đi đáng kể (mối quan hệ với Nga)”.

Thứ trưởng Ngoại giao Chang Ho Jin, người từng đảm nhiệm cương vị Đại sứ Hàn Quốc tại Nga tin rằng Moscow sẽ chỉ “coi chuyến đi này là nghiêm trọng” nếu như Seoul thông báo viện trợ vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Jeon Ha Kyu cũng khẳng định: “Chính phủ Hàn Quốc giữ nguyên lập trường về không gửi vũ khí sát thương (cho Ukraine)”.

Trước đó, trong chuyến thăm Kiev bất ngờ và hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Volodymyr Zelensky ngày 15/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nhất trí cung cấp viện trợ an ninh, nhân đạo và tái thiết theo “Sáng kiến Hòa bình và đoàn kết Ukraine”. Song ông vẫn từ chối đề nghị cung cấp vũ khí sát thương. (Yonhap)

* Ukraine mất 1/3 xe bọc thép chiến đấu của Mỹ? Ngày 15/7, tờ Insider (Mỹ) tham chiếu cổng thông tin phân tích quân sự Oryx (Hà Lan) cho biết: “Hiện đã xác nhận bằng mắt thường rằng 34 chiếc (xe chiến đấu bộ binh) Bradley đã bị bỏ lại, hư hỏng hoặc bị phá hủy… Điều này có nghĩa gần 1/3 số Bradley có thể đã bị mất hoặc phá hủy”.

Trước đó, tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ viết: “Sự kháng cự quyết liệt đã ảnh hưởng đến trang bị vũ khí của Ukraine. Hồi tháng Ba, Mỹ cam kết chuyển giao 113 xe Bradley. Theo quan chức này, ít nhất 17 chiếc trong đó, hơn 15%, đã bị hư hại hoặc phá hủy sau đụng độ”. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Nga ‘vô hiệu hóa’ nhiều khí tài phương Tây, UAV cảm tử sẽ ngày càng thông minh?

* Đặc phái viên Mỹ-Trung nỗ lực khôi phục ngoại giao khí hậu: Ngày 17/7, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã tới Khách sạn Bắc Kinh, Trung Quốc để đối thoại với người đồng cấp chủ nhà Giải Chấn Hoa, nhằm khôi phục lòng tin sau các cuộc đàm phán bị đình trệ hồi năm ngoái. Phát biểu tại sự kiện này, ông Giải nói rằng hai đặc phái viên về khí hậu có thể đóng một vai trò trong việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung.

Về phần mình, Đặc phái viên Mỹ John Kerry khẳng định “Trung Quốc và Mỹ cầnđạt được tiến bộ thực sự” trong vòng bốn tháng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tháng 11 tới.

Đồng thời, ông hối thúc Trung Quốc hợp tác với Mỹ để cắt giảm phát thải khí methane và giảm tác động khí hậu của điện đốt than. Quan chức cấp cao của Mỹ lưu ý: “Trong ba ngày tới, chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu thực hiện một số chiến dịch lớn, vốn sẽ gửi tín hiệu cho thế giới về mục tiêu nghiêm túc của Trung Quốc và Mỹ trong việc giải quyết rủi ro, mối đe dọa, thách thức chung đối với toàn nhân loại do chính con người tạo ra”.

Các cuộc gặp dự kiến sẽ tiếp tục tới ngày 19/7. Dù không có nghị trình chính thức, song nội dung thảo luận có thể sẽ tập trung vào giảm thiểu khí methane và các khí thải không phải CO2 khác, đồng thời chuẩn bị cho COP28. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Mỹ ‘khai hỏa’ cuộc chiến công nghệ, Trung Quốc ‘phản công’ bằng ‘lá bài’ hiếm có khó tìm

Đông Nam Á

* Campuchia: Thủ tướng kêu gọi người dân đi bầu cử: Ngày 16/7, chia sẻ trên kênh Telegram và nền tảng truyền thông xã hội khác, Thủ tướng Hun Sen cho biết, sau 16 ngày diễn ra chiến dịch vận động tranh cử, các đảng phái tham gia tranh cử đều đã triển khai các hoạt động trong không khí phấn khởi. Hiện các đảng phái chính trị nước này đang kêu gọi thêm những lá phiếu ủng hộ của người dân vào những ngày cuối của chiến dịch vận động tranh cử (từ ngày 1-21/7).

Dự kiếnm cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23/7 tại 23.789 điểm, thuộc 25 khu vực bầu cử thủ đô và đơn vị hành chính cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Hơn 9,7 triệu cử tri nước này sẽ bỏ phiếu bầu 125 nghị sỹ Quốc hội Campuchia khóa VII. Trong đó, 17 chính đảng sẽ tranh cử với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.

Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), tới nay chiến dịch vận động tranh cử đã diễn ra suôn sẻ, bảo đảm an ninh trật tự và không có bạo lực. (TTXVN)

TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc – thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Campuchia

Đông Bắc Á

* Trung Quốc phản đối lãnh đạo Đài Loan quá cảnh tại Mỹ: Ngày 17/7, Trung Quốc đã trao công hàm phản đối tới Mỹ về việc lãnh đạo đảo Đài Loan Lại Thanh Đức có kế hoạch quá cảnh tại Mỹ vào tháng tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước này, bà Mao Ninh nêu rõ: “Trung Quốc phản đối bất kỳ hình thức đồng lõa và hỗ trợ nào đối với các lực lượng đòi Đài Loan độc lập”.

Trước đó, quan chức ngoại giao cấp cao Đài Loan Du Đài Lôi cho biết phó lãnh đạo đảo Đài Loan Lại Thanh Đức sẽ quá cảnh tại Mỹ trong chuyến đi đến và đi từ Paraguay để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Paraguay Santiago Pena. (Reuters)

* Triều Tiên cảnh báo Mỹ ngừng khiêu khích: Ngày 17/7, phản ứng trước nhận định của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), KCNA (Triều Tiên) dẫn lời bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh: “Mỹ nên dừng hành động có thể gây nguy hiểm cho an ninh của họ bằng việc khiêu khích chúng tôi”.

Bà Kim cũng từ chối lời kêu gọi đàm phán vô điều kiện của Mỹ, đồng thời nhận định Washington đã sai nếu tin rằng việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là khả thi. Quan chức cấp cao này nói: “Mỹ đang bị ảo tưởng nếu họ tin rằng họ có thể ngăn chặn bước tiến và đạt được việc giải trừ không thể đảo ngược vũ khí hạt nhân của chúng tôi bằng cách tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung, tạm dừng triển khai các khí tài chiến lược hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt”.

Trước đó, Triều Tiên đã phóng một ICBM ngoài khơi bờ biển phía Đông của mình. Vừa qua, Bình Nhưỡng cũng đã cáo buộc các máy bay do thám của Lầu năm góc bay qua vùng đặc quyền kinh tế. Nước này cũng chỉ trích chuyến thăm gần đây của một tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả. (KCNA/Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Không lâu sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Mỹ-Nhật-Hàn tập trận chung

Châu Âu

* Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen “đổ bể”, nhiều nước đồng loạt lên tiếng: Ngày 17/7, RIA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc rằng Moscow phản đối gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen:

“Thỏa thuận ngũ cốc đã chấm dứt. Ngay sau khi phần của Nga (trong các thỏa thuận) được thực hiện, phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc”.

Trước đó, ngày 15/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay các nghĩa vụ gỡ bỏ trở ngại đối với việc xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chưa được thực hiện. Các bên cũng chưa thể thực hiện Mục tiêu chính của thoả thuận là cung cấp ngũ cốc cho các nước có nhu cầu.

Về phần mình, phát biểu tại họp báo thường kỳ cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Đức Christiane Hoffmann nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga cho phép gia hạn thỏa thuận ngũ cốc”. Quan chức Đức cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời kêu gọi: “Xung đột không nên được tiến hành sau lưng những người nghèo nhất trên hành tinh này”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Trung Quốc hy vọng gói thỏa thuận về vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen sẽ tiếp tục được thực hiện cân bằng, toàn diện và hiệu quả”. Theo bà, cường quốc châu Á cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác với tất cả các bên trong lĩnh vực an ninh lương thực và đóng góp vào việc thiết lập sự đồng thuận quốc tế về vấn đề này.

Trong khi đó, ngày 16/7, trả lời phỏng vấn đài CBS (Mỹ) liên quan đến khả năng Nga không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định: “Tôi không thể đoán trước rằng (Tổng thống) Vladimir Putin sẽ làm gì. Có khả năng Nga sẽ rút khỏi Thoả thuận, hoặc có thể nước này sẽ tiếp tục (tham gia). Nếu họ rút lui, phần còn lại của thế giới sẽ nhìn vào điều đó và nói rằng Nga đã quay lưng lại với việc bảo đảm Nam bán cầu, châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á có thể nhận được thực phẩm với giá cả phải chăng. Theo tôi, trong tương lai, điều này sẽ khiến Nga phải trả những cái giá ngoại giao rất lớn”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm điều phối chung ở Istanbul, khoảng 33 triệu tấn nông sản đã được xuất khẩu trong quá trình thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Bản tóm tắt của Trung tâm này cũng chỉ ra rằng các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp chỉ nhận được 10% lượng ngô và 40% lượng lúa mì được vận chuyển trong thỏa thuận ngũ cốc nêu trên. (AFP/CBS/Reuters/Sputnik)

* Ba Lan có thể đóng cửa cơ sở ngoại giao Nga: Ngày 17/7, đài phát thanh RMF FM (Ba Lan) dẫn lời người đứng đầu Văn phòng Chính sách Quốc tế Tổng thống Ba Lan, ông Marcin Przydacz cho biết nước này có thể áp dụng “nguyên tắc có đi có lại” sau khi Nga thông báo sẽ đóng cửa một lãnh sự quán Ba Lan vào ngày 31/8. Ông nêu rõ: “Ba Lan bảo lưu khả năng thực hiện các bước tương tự”.

Phát biểu của quan chức này làm dấy lên khả năng “ăn miếng trả miếng” ở cả Ba Lan và Nga, điều có thể gây thêm áp lực lên mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Przydacz cho biết hiện tại chưa có kế hoạch triệu hồi Đại sứ Ba Lan tại Moscow, đồng thời nhấn mạnh rằng các quyết định như vậy luôn được trao đổi với các đối tác chính trị.

Trước đó, ngày 14/7, Nga đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Ba Lan ở phía Tây nước này, do “các hành động không thân thiện, chống Nga” của Warsaw. (PAP)

TIN LIÊN QUAN
Nga chính thức quyết định hướng đi của thỏa thuận ngũ cốc, đã ‘loan tin’ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ

Châu Mỹ

* Tây Ban Nha, Brazil kỳ vọng về thỏa thuận EU-Mercosur năm 2023: Ngày 17/7, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã lạc quan về cơ hội ký kết thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối thương mại Mercosur của Nam Mỹ nửa cuối năm 2023. Ông cũng kỳ vọng hai thỏa thuận riêng biệt giữa EU với Chile và Mexico sẽ lần lượt được phê chuẩn vào cuối năm 2023.

Về phần mình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva cũng hy vọng thỏa thuận EU-Mercosur sẽ được ký kết năm nay. Tổng thống Lula phát biểu: “Một thỏa thuận cân bằng giữa Mercosur và EU mà chúng tôi dự định hoàn tất trong năm nay sẽ mở ra chân trời mới… Chúng tôi muốn một thỏa thuận duy trì năng lực của các bên và đáp ứng các thách thức hiện tại và trong tương lai’. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Brazil và Italy thảo luận về ‘thách thức chung của vấn đề toàn cầu’

Trung Đông-Châu Phi

* EU để ngỏ khả năng cho Tunisia vay 1 tỷ USD: Ngày 17/7, một quan chức của EU cho biết khối vẫn có thể cho Tunisia vay 900 triệu euro (1 tỷ USD), song các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra trong quý III và phụ thuộc vào thỏa thuận của đất nước Bắc Phi với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quan chức thạo tin này nêu rõ: “Sự hỗ trợ về mặt vĩ mô vẫn còn trên bàn đàm phán, song điều này cần phải đáp ứng các điều kiện của IMF. Tunisia nói rằng họ có thể không cần một thỏa thuận của IMF. Chúng ta sẽ xem liệu điều này có phải là thật trong quý III”.

Trước đó, các cuộc đàm phán về khoản vay 1,9 tỷ USD của Tunisia với IMF đã bị đình trệ kể từ tháng Mười sau khi Tổng thống Kais Saied bác bỏ các điều khoản bao gồm cắt giảm trợ cấp và cắt giảm quỹ lương công. Tunisia đang bên bờ vực của khủng hoảng nợ lớn và thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu. Hầu hết các khoản nợ là trong nước, song có những khoản vay nước ngoài đến hạn trả vào cuối năm nay. Các cơ quan xếp hạng tín dụng cảnh báo Tunisia có thể sẽ vỡ nợ.

Trước đó, ngày 16/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối này sẽ phân bổ 100 triệu Euro (112,36 triệu USD) cho Tunisia như một phần của thỏa thuận “đối tác chiến lược” để chống lại nạn buôn người và thúc đẩy đầu tư và thương mại. (TTXVN)





Nguồn

Cùng chủ đề

Tăng cường hợp tác học thuật và ngoại giao giữa ASEAN-MERCOSUR

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương Hà Nội, Phạm Thu Hương nhấn mạnh: Lễ khởi động ASEAN-MERCOSUR CHAIR là bước đệm quan trọng, khẳng định tầm nhìn chung của hai khu vực trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Đây không chỉ là biểu tượng cho sự kết nối giữa ASEAN và MERCOSUR mà còn là nền tảng để thúc đẩy các cuộc đối thoại đa...

Ukraine tuyên bố đánh chìm tàu ngầm 300 triệu USD của Nga

Ukraine cho biết đã đánh chìm một tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen của Nga và làm hư hại một số hệ thống phòng không S-400 được đánh giá cao tại Crimea. Theo Báo Business Insider, trong một tuyên bố trên Telegram, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don đã bị tấn công tại cảng Sevastopol. "Chiếc tàu đã chìm ngay...

Bolivia chính thức gia nhập “nhà” Mercosur

Việc Bolivia hội nhập vào Mercosur tăng cường các liên minh kinh tế và chính trị ở Nam Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định chính trị và hợp tác khu vực.

Chỉ đạo “nóng” của Bộ trưởng Quốc phòng Nga về tình hình Biển Đen

Bộ Quốc phòng Nga hôm 28/6 cho biết, Mỹ đang tăng cường các hoạt động với máy bay không người lái (UAV/drone) chiến lược trên Biển Đen, nói rằng chúng “tiến hành các hoạt động tình báo và nhắm mục tiêu vào các loại vũ khí chính xác do các nước phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraine để tấn công vào các cơ sở của Nga”. “Điều này nhấn mạnh sự tham gia ngày càng tăng...

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Nhận định thời điểm xuất khẩu tiêu Việt tăng, kỳ vọng lớn từ thị trường tỷ dân

Giá tiêu hôm nay 14/11/2024 tại thị trường trong nước giảm mạnh ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 138.000 – 139.000 đồng/kg.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội XIV của Đảng

Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Tiểu ban Kinh tế-xã hội đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, có tư duy đổi mới, đột phá mạnh mẽ...

Nga “nóng mặt” vì động thái ở Ba Lan? Một nước NATO được mời làm đối tác BRICS, Mỹ nhắc nhẹ Israel

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.

Mỹ mở căn cứ tên lửa mới ở Ba Lan, khẳng định quyết tâm chiến lược

Ngày 13/11, Mỹ chính thức khai trương căn cứ phòng không mới tại bờ biển Baltic của Ba Lan, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại Đông Âu.

Hà Nội giữ vững vị trí lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Baoquocte.vn. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn Thủ đô, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gần hơn với khu vực đô thị.

Bài đọc nhiều

Anh, Pháp và Ba Lan tìm cách ngáng đường ông Trump, Tổng thống Zelensky dõng dạc tuyên bố

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ không chỉ làm Ukraine lo lắng, mà nhiều nước châu Âu cũng đang tìm cách ứng phó tác động của điều này tới viện trợ quân sự cho Kiev.

Iran quyết tâm truy quét khủng bố, hàng chục phần tử bị tiêu diệt và bắt giữ

Ngày 10/11, lực lượng Quds thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiếp tục chiến dịch chống khủng bố tại tỉnh Sistan-Baluchestan ở khu vực Đông Nam nước này, tiêu diệt ít nhất 3 phần tử và bắt giữ 9 tên khác.

Đô đốc NATO nói về loại vũ khí khiến Nga ngăn NATO đưa bộ binh đến Ukraine

Đô đốc Rob Bauer mới đây nói rằng binh sĩ NATO sẽ có mặt ở Ukraine để chiến đấu chống lực lượng Nga nếu Moscow không có vũ khí hạt nhân. ...

Ông Donald Trump muốn ‘lách’ Thượng viện Mỹ để bổ nhiệm nội các

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hôm 10.11 cho rằng tân thủ lĩnh đa số kế tiếp của thượng viện nên đồng ý để ông bổ nhiệm các vị trí then chốt của nội các mới mà không cần thượng viện phê...

Cùng chuyên mục

Nga “nóng mặt” vì động thái ở Ba Lan? Một nước NATO được mời làm đối tác BRICS, Mỹ nhắc nhẹ Israel

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.

Mỹ mở căn cứ tên lửa mới ở Ba Lan, khẳng định quyết tâm chiến lược

Ngày 13/11, Mỹ chính thức khai trương căn cứ phòng không mới tại bờ biển Baltic của Ba Lan, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại Đông Âu.

Philippines mua hàng chục tàu tuần tra mới từ Pháp, Nhật Bản

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines chuẩn bị trang bị ít nhất 49 tàu tuần tra mới nhằm tăng cường năng lực an ninh hàng hải trong bối cảnh nhiều biến động. ...

Mỹ mở căn cứ phòng không ở Ba Lan

Mỹ đã chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền bắc Ba Lan vào ngày 13.11 trong bối cảnh nhiều quan ngại về nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. ...

Đảng Cộng hòa toàn thắng mùa bầu cử Mỹ 2024, các chính sách của chính quyền ông Biden “gặp hạn”?

Với việc giành quyền kiểm soát Hạ viện khóa 119 trong Quốc hội Mỹ, cùng với chiến thắng ở Thượng viện và cuộc đua vào ghế chủ nhân Nhà Trắng, đảng Cộng hòa đã khép lại một mùa bầu cử toàn thắng.

Mới nhất

Tạm đình chỉ cô giáo đánh học sinh lớp 6 bầm tím chân

Nhà trường đã tạm đình chỉ công tác cô giáo dùng thước đánh học sinh lớp 6 bầm tím hai chân. Lãnh đạo nhà...

Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Công tác giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đúng quy định, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai đồng...

Khảo sát thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2024

Ngày 13/11, tại Trường Đại học Vinh, Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc với các Sở GDĐT và cơ sở giáo dục đại học khu vực miền Trung...

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bị kỷ luật khiển trách

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và một số lãnh đạo cấp dưới. ...

Mới nhất