1. Cầu nào ở Hà Nội được đi ngược chiều?
- Thăng Long
- Thanh Trì
- Đông Trù
- Long Biên
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia, cách đây hơn 120 năm, cây cầu thép Doumer (nay là cầu Long Biên) được khánh thành. Thời điểm đó, đây là cây cầu thép dài thứ hai trên thế giới, sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ.
Cầu do người Pháp thiết kế, chủ yếu để phục vụ tuyến xe lửa chở nguyên, nhiên liệu trong cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Kể từ năm 1953, chiều các phương tiện di chuyển trên làn đường bộ được quy định: chiều Hà Nội – Gia Lâm đi làn bên trái so với đường sắt; chiều Gia Lâm – Hà Nội đi làn bên trái so với đường sắt. Việc di chuyển theo hướng “ngược” vẫn duy trì cho đến ngày nay.
2. Ngoài cây cầu này, cầu nào ở Phú Thọ cũng đi ngược chiều?
- Đoan Hùng
- Trung Hà
- Việt Trì
- Văn Lang
Cầu Việt Trì được xem là biểu tượng độc đáo khi tổ chức lưu thông ngược chiều. Hiện ở Việt Nam chỉ có hai cây cầu như vậy là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Việt Trì (Phú Thọ). Cây cầu này được xây dựng năm 1901, trong chiến lược khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Bị chiến tranh tàn phá, cuối năm 1955, cầu Việt Trì được xây dựng lại. Đến năm 1992, cây cầu mới được xây dựng và tồn tại đến ngày này. Đây là cây cầu đường bộ và đường sắt kết hợp.
3. Cầu Nhật Tân giữ kỷ lục gì?
- Cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam
- Cây cầu rộng nhất Việt Nam
- Cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam
- Cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam
Cầu Nhật Tân được khánh thành vào tháng 1/2015. Đây là cầu dây văng dài nhất Việt Nam với 3,9km. Cầu bắc qua sông Hồng (nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ) gồm 6 nhịp dây văng và 5 trụ tháp hình thoi tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Trong khi đó, các cầu treo dây văng khác trên thế giới và ở Việt Nam thường chỉ được thiết kế 2 tháp 3 nhịp.
4. Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam nối Hà Nội với tỉnh nào?
- Thái Nguyên
- Phú Thọ
- Vĩnh Phúc
- Bắc Ninh
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng, nối liền thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam. Cầu dài hơn 5,4 km (phần cầu 4,4 km và đường dẫn hai đầu một km), rộng 16 m với 4 làn xe.
Được khởi công từ tháng 12/2011 và khánh thành vào tháng 6/2014, cầu Vĩnh Thịnh kết nối hai trục hướng tâm quốc lộ 32 và quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh giữa trung tâm thủ đô với các tỉnh phía tây bắc.
5. Đâu là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam?
- Rạch Cát
- Kinh Dương Vương
- Tân Thuận
- Bình Lợi
Cầu Kinh Dương Vương bắc qua sông Đuống, nối huyện Tiên Du và Thuận Thành của Bắc Ninh, có chiều dài hơn 1,5km; tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Đây là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam. Khoảng cách từ mặt cầu lên tới đỉnh vòm từ 40-67m, với 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cay-cau-nao-o-ha-noi-duoc-di-nguoc-chieu-2328814.html