Tình yêu với cây cầu biểu tượng của Hà Nội
Ngày 4/10, nhân dịp 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Cầu Long Biên – Cây cầu huyền thoại”, do Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành.
Cuốn sách là tuyển tập các bài viết và sáng tác thơ ca của nhiều tác giả, do kiến trúc sư Nguyễn Nga, Việt kiều Pháp – người đã dành nhiều tâm huyết cho cây cầu, làm chủ biên. Cuốn sách chất chứa nhiều hoài niệm, tình yêu và khát vọng về cây cầu biểu tượng của Hà Nội.
Nội dung cuốn sách được chia thành nhiều chương, mỗi chương chứa đựng thông tin, hình ảnh và tư liệu phong phú. Tác giả đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện thú vị từ những người gắn bó với cầu, cùng những kỷ niệm về tình yêu và hy vọng của người dân Thủ đô. Đặc biệt, cuốn sách còn có nhiều hình ảnh quý giá từ các kho lưu trữ quốc gia, giúp độc giả hình dung rõ nét hơn về lịch sử của cây cầu.
Theo KTS Nguyễn Nga, cầu Long Biên – cây cầu lịch sử đã hơn 120 tuổi, vắt qua ba thế kỷ đầy thử thách của thời gian, thiên tai và địch họa… Cây cầu là chứng nhân lịch sử của một thời bom đạn cho tới ngày đất nước được hòa bình; là gạch nối quá khứ, hiện tại và tương lai, nối các thế hệ, nối các dòng nghệ thuật, nối Việt Nam với Pháp và nối Việt Nam với thế giới. Cầu Long Biên cũng là cây cầu của lịch sử, của hòa bình, của nghệ thuật và của tình yêu. Cầu Long Biên đưa Hà Nội trải qua một bước ngoặt mới vì đã thay đổi giao thông từ đường sông sang đường bộ, góp phần tạo nên diện mạo đô thị của Thủ đô văn hiến như ngày hôm nay…
“Với tất cả tình yêu và khát vọng dành cho cây cầu này, cuốn sách “Cầu Long Biên – Cây cầu huyền thoại” ra mắt mong muốn phác họa nhân chứng lịch sử dưới các góc nhìn khác nhau, góp phần vào kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của cầu Long Biên, để di sản này mãi trường tồn” – bà Nguyễn Nga cho biết thêm.
Nhân chứng của lịch sử dân tộc
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng cho biết: “Sở dĩ cây cầu Long Biên trở thành huyền thoại bởi nó là nhân chứng, được chứng kiến những con người huyền thoại, làm nên những sự kiện lịch sử huyền thoại cho một dân tộc, đất nước Việt Nam huyền thoại. Cây cầu đã cùng dân tộc đi qua các cuộc kháng chiến để giành được độc lập và nó sẽ còn tiếp tục chứng kiến giai đoạn mới của đất nước đang ngày một phát triển hùng cường”.
Chia sẻ tại chương trình, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Cây cầu đã tồn tại cho đến ngày hôm nay, nối hai bờ Nam – Bắc của sông Hồng, tạo ra sự phát triển lớn. Mặc dù cầu Long Biên ra đời trong chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng phải khẳng định rằng, cây cầu đã mang lại sự thay đổi to lớn cho đất nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng. Bởi, ngay sau khi cầu Long Biên được hoàn thành, dân số Hà Nội trong thời gian ngắn đã tăng rất nhanh. Dù thời điểm ấy không còn là kinh đô nhưng Hà Nội vẫn giữ một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, không chỉ là cái nôi của nền văn hiến mà còn là nguồn lực phát triển của đất nước. Và cây cầu ấy được gọi là “huyền thoại” vì sau bao nhiêu bão tố, mưa giông, súng đạn của chiến tranh, nó vẫn luôn ở đó”.
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, năm 1954, cầu Long Biên là địa điểm ta và Pháp bắt tay nhau để chia tay, đánh dấu sự kết thúc, rút quân của Pháp ra khỏi Hà Nội.
“Một sự kiện mà chúng ta ít nhớ tới, trong khi quân Pháp rút ra khỏi Hà Nội trên cầu Long Biên, có một người Pháp khác đi về phía ngược lại, đó là ông Jean Sainteny (Tổng đại diện của Chính phủ Cộng hòa Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Ông kể trong nhật ký rằng, ông đi ngược lại cây cầu ấy và đến Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) thì thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng sẵn ở cửa và dang đôi bàn tay ra nói rằng, bây giờ ta và Pháp hãy hợp tác với nhau đi. Vậy nên, cầu Long Biên khi ấy lại là cây cầu của tình hữu nghị dân tộc” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính nhắc lại về những dấu vết thời gian mà cầu Long Biên đã trải qua: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta trở về tiếp quản Thủ đô. Sau đó, chúng ta lại tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô, cây cầu Long Biên trở thành điểm kết nối hai đầu dòng sông Hồng. Quan trọng nhất, chúng ta phải nhắc tới 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972. 12 ngày đêm ấy, cầu Long Biên bị giặc Mỹ ném bom tới 14 lần và đích thực là một chứng tích lịch sử cho cuộc chiến ác liệt ấy”.
Cuốn sách “Cầu Long Biên – Cây cầu huyền thoại” không chỉ là một tài liệu tham khảo quý báu mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai yêu mến lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa và khơi dậy niềm tự hào về những gì mà ông cha ta đã xây dựng và gìn giữ qua nhiều thế hệ./.
Nguồn: https://toquoc.vn/cau-long-bien-bieu-tuong-van-hoa-lich-su-cua-ha-noi-20241007170144854.htm