Không bất ngờ khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc đã chứng kiến sự dịch chuyển đáng kể sang cánh hữu. Đêm 9/6 là một đêm tuyệt vời dù không mấy ấn tượng đối với các đảng trung hữu và cực hữu, nhưng là một đêm tồi tệ đối với những người theo chủ nghĩa tự do.
Mặc dù các đảng trung dung, tự do và xã hội dự kiến sẽ giữ được đa số trong nghị viện EU khóa mới, nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc hoài nghi châu Âu đã giành được lợi thế lớn nhất.
Ở Pháp, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực hữu đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải dấn thân vào một “canh bạc” mạo hiểm nhằm giành lại thế chủ động chính trị: Giải tán Quốc hội, mở đường cho cuộc bầu cử sớm, với vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 30/6 và vòng thứ hai vào ngày 7/7.
Ở châu Âu, nơi nền chính trị hiện đại đôi khi diễn biến chậm chạp, cơn “địa chấn chính trị” ở Pháp để lại một câu hỏi lớn lơ lửng: Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Trong canh bạc đầy rủi ro này, Tổng thống Macron đặt cược rằng cử tri sẽ lật ngược làn sóng cực hữu và cho thấy Đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National – RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen không thể giành chiến thắng ở cấp quốc gia.
“Pháp cần một đa số rõ ràng để hành động bình tĩnh”, ông Macron nói trong một bài phát biểu đột xuất trên truyền hình quốc gia một giờ sau khi các cuộc thăm dò ý kiến hậu bầu cử công bố kết quả áp đảo của Đảng RN trong cuộc bầu cử ở châu Âu.
“Tôi đã nghe thông điệp của các vị, những mối quan tâm của các vị, và tôi sẽ không để chúng không được hồi đáp. Kêu gọi giải tán Quốc hội – lần thứ 6 trong lịch sử nước Pháp hiện đại – là một quyết định nghiêm túc và nặng nề, nhưng trên hết là hành động của sự tin tưởng, tin tưởng… vào khả năng người dân Pháp đưa ra lựa chọn đúng đắn cho mình và cho thế hệ tương lai”, nhà lãnh đạo Pháp nói.
Cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng này là một cuộc bầu cử lập pháp, nhưng nó cũng giống như một cuộc trưng cầu dân ý về ông Macron. Phe của ông Macron không chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội Pháp và phải dựa vào các thỏa thuận chính trị đặc biệt cho từng trường hợp lập pháp để tiến lên phía trước.
Việc không giữ đa số tuyệt đối cũng dần làm xói mòn quyền lực của ông. Cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, cải cách hưu trí, vấn đề nhập cư… tiếp tục giáng thêm đòn.
Ngược lại, những sự kiện này mang đến lực đẩy cho Đảng RN của bà Le Pen cùng vị chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella mà bà đã đưa lên vị trí Chủ tịch Đảng cực hữu của bà.
Một cuộc thăm dò hồi đầu năm nay cho thấy, trong trường hợp có cuộc bầu cử Quốc hội mới ở Pháp, Đảng RN sẽ giành được nhiều ghế nhất, thậm chí có thể giành được đa số tuyệt đối.
Và giờ đang thực sự có một cuộc bầu cử sớm ở một trong những quốc gia đầu tàu châu Âu. Nếu đảng cực hữu này thực sự giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử sớm này, có khả năng ông Macron sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong các vấn đề đối nội trong phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Pháp kết thúc vào năm 2027.
Minh Đức (Theo Sky News, Politico EU, The Spectator, EurActiv)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cau-hoi-lon-lo-lung-sau-khi-ong-macron-keu-goi-bau-cu-som-a667686.html