Nhắc đến địa danh Hàm Rồng, người ta không chỉ nhớ đến một vùng đất nhiều trầm tích văn hóa, mà ở đó còn có sự kiện quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn đã chiến thắng không quân Mỹ làm rúng động thế giới vào những ngày đầu tháng 4-1965.
Cầu Hàm Rồng – một biểu tượng của Thanh Hóa. Ảnh: KIỀU HUYỀN
Linh thiêng một vùng đất
“Chim chín ngọn đã sang sông/ Còn một ngọn nữa sao không chịu về” hay “Chín mươi chín ngọn bên đông/ Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về” là những câu ca về vùng đất nằm sát bờ Nam sông Mã với 99 núi, đồi hình thân rồng uốn lượn từ làng Vồm (Thiệu Khánh) tới tận chân cầu Hàm Rồng, để làm nên một vùng “sơn kỳ, thủy tú”.
Nhiều tài liệu khảo cổ học cho biết, từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp hình thành, phát triển và có vị thế trong khu vực. Phát hiện về di tích làng cổ Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm đã mở ra chương mới cho việc nghiên cứu văn minh Việt cổ thời dựng nước đầu tiên. Sau thời kỳ huy hoàng của văn hóa Đông Sơn, suốt ngàn năm Bắc thuộc, làng cổ Đông Sơn vẫn nằm trong địa bàn quan trọng của vùng đất Cửu Chân. Dấu vết khu cư trú, khu mộ táng cho thấy sự phát triển liên tục của vùng đất này trong thời kỳ giao thoa văn hóa Việt – Hán và các giai đoạn phát triển kế tiếp… Đến thời kỳ phong kiến, vùng đất Đông Sơn là địa bàn quan trọng được đánh dấu bằng những chứng tích hoạt động của các triều đại Lý – Trần – Lê – Tây Sơn. Thậm chí, thời Nguyễn triều đình đã cho dựng văn miếu ở làng Đông Sơn. Trên trục “niên biểu” từ buổi các vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại, văn hóa Đông Sơn và làng Đông Sơn luôn có một vị trí riêng. Nhưng, như nhà văn Từ Nguyên Tĩnh viết: Hàm Rồng là danh lam, bởi núi non sơn thủy hữu tình. Hút hồn bao tao nhân mặc khách, các bậc danh sĩ, đế vương thăm viếng, cởi bỏ những dằn vặt, cật vấn sự đời, nhập với hồn sông khí núi. Nếu chỉ chừng ấy thôi, thì Hàm Rồng vẫn chỉ là thắng địa. Nhưng trong lòng đất còn chứa bao bí mật, hình bóng lịch sử trầm tích cả một nền văn minh nhân loại. Và bao câu chuyện thêu dệt nên “huyệt đạo” Hàm Rồng. Hàm Rồng chỉ thực sự trở thành biểu tượng khi đứng lên bằng vũ khí thô sơ đánh trả lại không lực hùng mạnh của Hoa Kỳ…” (Hàm Rồng, biểu tượng của người Thanh Hóa).
Đến trận mở đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ
Trên mảnh đất ấy, từ đầu thế kỷ XX, cây cầu Hàm Rồng chứng kiến bao thăng trầm, những mất mát và cả oai hùng của Nhân dân Đông Sơn nói riêng, quân và dân Thanh Hóa nói chung.
Giới quân sự Mỹ vào thời điểm mở rộng chiến tranh phá hoại cho rằng: Từ Hà Nội vào đến đường mòn Hồ Chí Minh có tới 60 điểm ách tắc và Hàm Rồng là một “điểm tắc lý tưởng”, là đầu nút của khu vực “cán xoong”. Vì thế, việc đánh phá Hàm Rồng sẽ ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B.Johnson tuyên bố: “Đã đến lúc Mỹ phải đánh tan ý chí của những mái đầu bạc Hà Nội và đánh gãy xương sống Quân đội Việt Nam bằng cách đánh ngay vào chiếc cầu thép mang tên Hàm Rồng cách Hà Nội 75 dặm về phía Nam”. Do vậy, việc đánh phá Hàm Rồng được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chọn là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Với âm mưu cắt đứt sự chi viện Bắc – Nam, cô lập Hàm Rồng và tập trung đánh dứt điểm Hàm Rồng, vào 8 giờ 45 phút ngày 3-4-1965, 16 chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ ném bom vào địa phận Thanh Hóa với một loạt địa điểm đánh phá như cầu Đò Lèn (Hà Trung), cầu Cun (Nông Cống), ga Văn Trai (Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn)…
Chỉ trong 2 ngày, 3 và 4-4-1965, quân Mỹ đã sử dụng 174 lần tốp, 454 lần máy bay; ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hóa của Thanh Hóa. Riêng khu vực Hàm Rồng – Nam Ngạn – Yên Vực, địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két. Có thể khẳng định, đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ tổ chức một trận đánh với quy mô lớn nhất và mức độ ác liệt nhất, chúng muốn ta “trở về thời kỳ đồ đá”.
Nhưng, quân và dân Nam Ngạn – Hàm Rồng đã ngoan cường chiến đấu trước các đợt không kích tàn khốc của máy bay giặc Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng – huyết mạch giao thông quốc gia, bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam; với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chỉ tính trong 2 ngày 3 và 4-4-1965, quân dân tỉnh ta đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống 2 tên giặc lái. Riêng Hàm Rồng, trong 2 ngày đã bắn rơi 31 máy bay Mỹ, lập kỷ lục về thành tích tiêu diệt máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Trong khói lửa ác liệt ấy, đã có nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng. Đó là nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vượt đạn bom vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, tiếp tế cho bộ đội; là 6 cô gái của tổ cứu thương Lò Cao, dân quân Yên Vực, Hạc Oa băng qua lửa đạn địch tới các khẩu đội pháo để băng bó vết thương cho thương binh, tiếp đạn cho các trận địa cao xạ Đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên. Hàng trăm bà mẹ, người chị trong làng Đông Sơn nấu cơm đưa ra trận địa cho bộ đội… như câu chuyện huyền thoại, khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục.
Hàm Rồng trở thành nỗi kinh hoàng của không lực Hoa Kỳ. Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, riêng quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ cầu bảo đảm giao thông thông suốt, đẩy mạnh sản xuất góp phần xứng đáng cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Thời điểm đó, các hãng thông tấn báo chí phương Tây đưa tin bình luận về chuyện “thần sấm Mỹ” bị MIG-17 của Bắc Việt Nam “chọc tiết” và gọi ngày 4-4-1965 là “ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”. Ngoài ra, giới thông tấn thế giới còn đưa ra những cụm từ như “một thần thoại phi thường”, “Đài chiến thắng”, “Chiếc cầu đẹp nhất” dành cho cầu Hàm Rồng. Hơn tất cả, sau bao mưa bom bão đạn, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững trên dòng Mã giang.
Và Hàm Rồng tỏa sáng
Những chiến công ấy đã làm rạng danh truyền thống anh hùng, bất khuất của Nhân dân Thanh Hóa, trở thành biểu tượng của sức mạnh chính nghĩa Việt Nam.
Cầu Hàm Rồng lịch sử và cầu mới Hoàng Long vắt qua dòng sông Mã.
Năm tháng qua đi, cầu Hàm Rồng cùng hai chữ “Quyết thắng” uy nghiêm tạc vào sườn núi như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Còn nhớ, năm 1901, người Pháp đã khởi công xây dựng cầu Hàm Rồng và sau 3 năm (1904), một cây cầu vòm cong bán nguyệt như một “nàng thiên nga” hiện đại nhất Đông Dương, bắc ngang qua dòng sông Mã đã được hoàn thành. Lần thứ 2 là vào năm năm 1962 – sau khi thực hiện tiêu thổ kháng chiến, cầu Hàm Rồng được xây dựng lại và đến năm 1964 “chiếc cầu trụ kỳ diệu” đã khánh thành. Lần thứ 3, cầu Hàm Rồng sau 69 ngày đêm xây dựng, thông xe vào ngày 19-5-1973. Đến nay, bên cạnh cây cầu Hàm Rồng lịch sử, cầu Hoàng Long và cầu Nguyệt Viên góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của TP Thanh Hóa.
Chiến tranh đã lùi xa 58 năm, trên những hố bom xưa cây trái đã tốt tươi. Hàm Rồng ngày nay đã trở thành điểm nhấn về du lịch của tỉnh Thanh Hóa, bên dòng sông Mã đã có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị sầm uất, nhiều tuyến đường mở rộng, đời sống bà con Nhân dân thay đổi từng ngày.
Bà Lê Thị Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng, cho biết: Đảng bộ và Nhân dân phường Hàm Rồng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng bộ; phát huy truyền thống anh hùng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường du lịch thân thiện; phấn đấu đến năm 2025 trở thành phường kiểu mẫu” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Năm 2022, dù tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP Thanh Hóa cùng với sự quyết tâm, nỗ lực trong toàn bộ hệ thống chính trị phường Hàm Rồng và Nhân dân trên địa bàn, tình hình kinh tế – xã hội cơ bản ổn định. Trong tổng số 23 chỉ tiêu phường đã hoàn thành vượt 3 chỉ tiêu, 18 chỉ tiêu đạt 100%. Trong đó, giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 361,9 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021; sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 306,2 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp đạt 15,9 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2023, phường đã vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra.
“Đã là người Thanh Hóa, chắc ai cũng phải nhớ Hàm Rồng, chứ đâu phải mình tôi. Hàm Rồng đã ở trong tim của hàng chục triệu con người” (Nỗi nhớ Hàm Rồng – Kiều Vượng). Điều đó càng nhắc nhở chúng ta về lịch sử hào hùng của dân tộc đồng thời cũng là động lực để ta cùng chung tay xây dựng TP Thanh Hóa hiện đại, văn minh.
KIỀU HUYỀN
Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Thành phố Thanh Hóa xưa và nay” (NXB Thanh Hóa, 2010), “Hàm Rồng – biểu tượng của người Thanh Hóa”, Từ Nguyên Tĩnh, NXB Thanh Hóa, 2021).