Nhưng trong suốt 100 năm qua, gần như không có người dân nào sinh sống ở đó.
Thị trấn Kayaköy, ở tỉnh Muğla, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị cư dân bỏ hoang và ám ảnh bởi quá khứ. Nơi đây như một lời nhắc nhở về thời kỳ đầy biến động của quốc gia này.
Ký ức về một thị trấn nhộn nhịp cách đây hơn 1 thế kỷ
Chỉ hơn một thế kỷ trước, Kayaköy, là một thị trấn nhộn nhịp với khoảng từ 10.000 đến 20.000 người theo Chính thống giáo Hy Lạp, nhiều người trong số họ là thợ thủ công, họ sống hòa hợp cùng với những người nông dân Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi. Nhưng những biến động diễn ra từ sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành một nước cộng hòa độc lập, người dân nơi đây đã bị chia cắt.
Sau khi chiến tranh Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc vào năm 1922, thị trấn Livissi trở nên hẻo lánh do cư dân ở đây bị trục xuất. Sau đó, thị trấn này trở thành nơi sinh sống của người Hồi giáo trở về từ Hy Lạp, nhưng họ đã không quen sống tại vùng đất khô cằn như vậy nên họ cũng dần bỏ đi nơi khác.
Trong số rất ít người dân ở lại, có ông bà của Aysun Ekiz, chủ của một nhà hàng nhỏ gần lối vào chính của Kayaköy, nơi phục vụ đồ ăn thức uống cho khách đến tham quan thị trấn. Những câu chuyện về năm tháng khó khăn ấy đã được truyền lại qua nhiều thế hệ.
“Những người dân Hy Lạp không muốn rời đi và họ đã khóc, ông bà tôi kể với tôi”, Ekiz, người hiện đang bán đồ trang sức thủ công cho du khách, cho biết. “Một số thậm chí còn để lại con cái cho những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ chăm sóc vì họ nghĩ rằng họ sẽ quay trở lại. Nhưng họ đã chưa từng làm vậy”.
Jane Akatay, đồng tác giả của “Hướng dẫn về Kayaköy”, cho biết lý do khiến thị trấn bị bỏ hoang là nỗi buồn vẫn còn hiện hữu nơi đây sau những sự việc bi thảm của những năm 1920. Thiên nhiên cũng đóng vai trò trong sự sụp đổ của nơi này.
Những trận động đất và bão
“Đã có những trận động đất và những cơn bão. Khí hậu, thời tiết, mưa bão… mọi thứ đều tác động đến nơi này”, bà Ekiz nói. “Theo năm tháng, lớp vữa giữ chúng lại với nhau đã vỡ vụn và mọi thứ sẽ sụp đổ nếu bạn không chăm sóc chúng.”
Du khách chỉ phải trả 3 euro tại một ki-ốt nhỏ trên đường chính vào Kayaköy. Họ có thể đi bộ tới những con hẻm có thể dốc và không bằng phẳng. Các biển chỉ dẫn trường học, nhà thờ và đài phun nước.
Thật xứng đáng để dành ra vài giờ đồng hồ để khám phá nơi đây. Với ít khách tham quan kể cả vào mùa cao điểm, bạn có thể tận hưởng không gian yên tĩnh ở đây, tưởng tượng về thời điểm nơi đây từng nhộn nhịp, đặc biệt là ở quảng trường phố cổ, nơi những người đàn ông địa phương từng tụ tập để uống trà và kể chuyện.
Hầu hết các ngôi nhà giờ đây đã mất mái và những bức tường đã mọc đầy thảm thực vật. Một số ngôi nhà có hố ở tầng hầm, trước đây được sử dụng để làm da thuộc – nghề đóng giày từng là một trong những nghề phổ biến nơi đây.
Nhiều ngôi nhà vẫn còn bể chứa nước nguyên vẹn – rất quan trọng vì thị trấn không có hệ thống ống nước.
Kayaköy đã từng khá thịnh vượng và từng là trung tâm thương mại của khu vực, hơn cả cảng Fethiye gần đó – hiện là một trung tâm đô thị phát triển và là địa điểm du lịch nổi tiếng.
“Mỗi ngôi nhà hai tầng ở đây đều cách xa nhau một khoảng hợp lý. Tất cả được xây dựng sao cho không ai bị che mất ánh sáng mặt trời”, bà chia sẻ.
“Tấm gương phản chiếu quá khứ”
Một trong những nơi nổi bật nhất trong thị trấn là nhà thờ Upper, một công trình lớn với những bức tường trát vữa màu hồng phai và trần nhà hình vòm thùng. Nhưng thật không may, tòa nhà đã bị niêm phong do tình trạng xuống cấp.
Trên điểm cao nhất của thị trấn, tàn tích của ngôi trường cũ Kayaköy có tầm nhìn ra nhà thờ và những ngôi nhà bên dưới. Khi quan sát quang cảnh nơi đây, Yiğit Ulaş Öztimur đã mô tả Kayaköy là “một tấm gương đen tối phản chiếu quá khứ của chúng ta”.
“Nơi đây từng là một ngôi làng theo đạo Thiên chúa, và giờ đây những gì chúng ta thấy là sự phản chiếu cay đắng về những chuyện đã xảy ra”, ông nói. “Vì hầu hết các ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, nên bạn có thể cảm nhận được cuộc sống ở đây đã như thế nào”.
Có những con đường mòn được chỉ dẫn đi qua Kayaköy từ các thị trấn gần đó, nhưng rất dễ bị lạc khi lang thang trên phố. Một số ngõ hẻm biến thành ngõ cụt. Những lối ra vào và cầu thang ở khắp mọi nơi (mặc dù do tình trạng xuống cấp của nhiều tòa nhà, du khách được yêu cầu không vào).
Băng qua thung lũng, qua những con phố quanh co, tham quan những nhà thờ nhỏ là điều du khách nhất định phải thử. Phải leo lên dốc, qua những tảng đá và cây thông, ta sẽ tới được đỉnh đồi.
Nhà thờ với lối kiến trúc nhỏ cổ điển thường thấy, nhìn ra các ngôi làng trên các đảo Hy Lạp. Đây là một tòa nhà nhỏ với mái vòm và những ô cửa sổ nhỏ không kính. Bên trong hoàn toàn trống rỗng.
Một lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ đang tung bay, màu đỏ tươi trên nền trời xanh thẳm. Và bên dưới sườn đồi là vùng nước lấp lánh của biển Aegean. Đó là một khung cảnh ngoạn mục, hầu như không thay đổi gì nhiều kể từ ngày Kayaköy còn đông người qua lại.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-mot-thi-tran-bi-bo-hoang-trong-hon-100-nam-post309610.html