(Nhân kỷ niệm ngày 4/4/1965, không quân Mỹ ném bom hủy diệt Đồng Hới)
(QBĐT) – “Cái răng cái tóc là gốc con người”
Cứ gặp nhau là hẹn, rằng, phải đi gặp chị ấy để tìm lại một tư liệu quý về cái ngày không quân Mỹ hủy diệt Đồng Hới như thế nào? Chị đã thoát chết thế nào và… làm thế nào mà giữ được mái tóc thời thiếu nữ? Có những góc khuất, những chi tiết lịch sử đắt giá mà nếu không lưu giữ sẽ mãi mãi chìm khuất.
Thì hôm nay, một ngày sắp vào tiết thanh minh xuân 2023, nhạc sĩ Dương Viết Chiến làm tài xế, nhà thơ-nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên làm hướng đạo, đi thôi!
Té ra, nhà chị đâu có xa, chỉ qua cầu Dài, rẽ phải, ngay gần bờ sông Lũy. Ra mở cửa là một phụ nữ cao tuổi rất… đẹp, phúc hậu và sang trọng. Nhìn “chị” hôm nay, không khó cũng hình dung được năm 16 tuổi xuân thì ra sao và mái tóc thế nào. Câu chuyện xoay quanh cái thời khắc thập tử nhất sinh và giá trị nhân văn tuyệt vời giữa chiến tranh ứng xử với mái tóc thiếu nữ giữa thế kỷ hai mươi.
Sau hai đợt tập kích “Mũi lao lửa” mồng sáu tháng giêng Tết Ất Tỵ (1965) cơ bản đánh tan các thiết chế đô thị Đồng Hới, chỉ chưa đầy hai tháng sau, ngày 4/4/1965, trong vòng bốn tiếng đồng hồ từ 12 đến 16 giờ, không lực Mỹ chính thức làm cuộc “tổng hủy diệt” TX. Đồng Hới. Trong đống đổ nát như một trận động đất, người ta thu lượm được hàng trăm tử thi. Lực lượng dân quân và Đoàn Thanh niên khẩn trương đào bới tìm người bị thương, bị bom vùi…
|
Và người thanh niên đó đã dồn tất cả sức lực tuổi ba mươi tranh chấp với thần chết đang cầm lưỡi hái chờ lấy đi sinh mạng cô nữ sinh 16 tuổi. Người thanh niên ấy là Bí thư Thị đoàn Nguyễn Xuân Chàm!
– Một mình chú ấy thôi à?
– Một chắc chú ấy. Thì mọi người phải tỏa đi cứu nơi khác nữa. Cả thị xã bị bom, hàng trăm người bị vùi…
– Rồi sao?
– Khi tui đã ngắc ngoải thì chú ấy cũng đào kịp, lôi tui lên nhưng không lôi được.
– ???
– Là hai con tít (đuôi sam) của tui mắc cứng giữa mấy viên táp lô. Căn hầm bọn tui vô trú ẩn là hầm xây, khi bị bom các viên táp lô chồng lên nhau. Hai con tít của tui bị kẹt cứng trong đó, lôi không ra…
Tình hình hết sức khẩn trương, không ai biết được máy bay Mỹ còn trở lại đánh tiếp hay không. Nguyễn Xuân Chàm rút dao găm định chặt “hai con tít” nhưng cô gái trẻ lúc này đã tỉnh vội nài nỉ:Chú giữ mái tóc lại cho cháu, cháu van chú!…
Năm mươi tám năm đã trôi qua, và người Bí thư Thị đoàn ngày ấy đã về miền mây trắng nên không ai có thể trả lời được lúc ấy ông nghĩ gì, mà đã: “Đao hạ lưu tình” đút dao găm vào bao, cầm lấy dụng cụ đào bới gỡ bằng được để giữ mái tóc cho cô gái…
Không ai trả lời được, nhưng những ai đã may mắn được tiếp xúc nhiều với Bí thư Thị đoàn, rồi Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND thị xã, Giám đốc Sở Thủy sản Nguyễn Xuân Chàm đều có thể lý giải được. Có lẽ đây là chi tiết đặc biệt nhất trong cuộc chiến đằng đẵng ba mươi năm ở Việt Nam mà Quảng Bình luôn ở tuyến đầu, từ Bình Trị Thiên khói lửa chín năm kháng Pháp đến tuyến lửa thời đánh Mỹ. Và đây cũng là chi tiết điển hình của tinh thần nhân văn, tôn trọng và bảo vệ cái đẹp, được quyết định ngay trong phút giây sinh tử…
*
Hai năm sau, chị Tú Khánh tròn 18 tuổi, xung phong lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện cơ bản, sẵn có năng khiếu văn nghệ, chị được tuyển vào đoàn văn công Tỉnh đội đi phục vụ các địa bàn chiến đấu ác liệt cho đến ngày đất nước thống nhất. Tuổi Kỷ Sửu có phần may mắn, chị đẹp duyên cùng người đồng đội tài hoa quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng trong đoàn văn công Tỉnh đội, trở lại đời thường làm ăn sinh con xây dựng gia đình. Nhìn anh chị ngồi dưới bức ảnh đại cảnh gia đình lớn mà ngưỡng mộ. Anh chị sinh thành sáu người con. Được mấy cháu nội ngoại?
– Để từ từ nhẩm đếm đã, riêng chắt nội ngoại thì chín đứa!
Ôi, phúc đức quá, chồng vợ song toàn, còn khỏe thế này mà đã chín lần lên chức cố. Các chắt trưởng thành xây dựng gia đình sơm sớm một chút, có thể lên chức cụ kỵ có “chút chít” ngũ đại đồng đường.
Nhớ lại kỷ niệm thời chiến tranh, như cổ nhân vẫn khuyên: “Làm ơn nên quên, hàm ơn nên nhớ!”, người mang ơn sinh mạng là chị thì luôn nhớ, nhưng Bí thư Thị đoàn Nguyễn Xuân Chàm thì hình như coi đó là chuyện nhỏ, chuyện thường ngày ở… thị xã. Chị kể:
– Từ dạo đó về sau, mỗi lần tình cờ gặp, chú ấy cũng chỉ hỏi: “Tú Khánh đấy à?” rồi đi, chứ chưa bao giờ kể lể công lao gì. Chỉ duy nhất một lần chú đi thăm người bà con nơi sơ tán rồi tiện thể ghé nhà tui, mạ tui có nói: “Chú là người đẻ hắn ra lần thứ hai đó!”. Chú cười hồn hậu, nói: “Có chi mô!”.
– Rứa tóc chị hồi ấy dài…?
– Dài quá mông, dày và mượt lắm, nói thiệt, ít ai có….
Năm tháng qua đi, cuộc sống với bao biến thiên và quan niệm về cái đẹp cũng thay đổi. Ngày nay, người phụ nữ có thể thản nhiên cắt ngắn mái tóc của mình để uốn quăn lên, xù lên, cho đó là đẹp là tân thời. Nghĩ về một thời, cha mẹ sinh thành, cho con gái mái tóc dài mượt mà óng ả được coi như một tài sản vô giá. Trong những thời khắc sinh tử ngặt nghèo mà đủ can đảm tỉnh táo để giữ lại “tài sản vô giá ấy” cho người thiếu nữ, cũng coi như một hành xử cao thượng, nhân văn đáng trân trọng lắm vậy.
Tương Huyền