Trước năm 2021, nữ doanh nhân 44 tuổi này từng sở hữu một nhà hàng nổi tiếng ở Kabul, vốn sôi động với những buổi biểu diễn âm nhạc và thơ ca, được giới trí thức, nhà văn, nhà báo và người nước ngoài tại Afghanistan yêu thích. Lợi nhuận thu được, Haidari dành một phần tài trợ cho trung tâm cai nghiện ma túy do chính cô thành lập.

Hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ Afghanistan thành lập trước năm 2021 liên quan đến các ngành tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, một xu hướng rõ rệt là ngày càng có nhiều phụ nữ lấn sân sang các lĩnh vực vốn được coi là “lãnh địa” của nam giới, như công nghệ thông tin, truyền thông, xuất khẩu, du lịch, xây dựng.

 Phụ nữ Afghanistan làm việc tại một xưởng may ở tỉnh Herat ngày 7-8-2023.

Ngay cả việc Haidari kinh doanh nhà hàng ăn uống cũng là một thành tựu đặc biệt, do luật Hồi giáo có những điều cấm kỵ xung quanh việc phụ nữ giao tiếp với đàn ông bên ngoài gia đình. Afghanistan cũng bắt đầu xuất hiện một số nữ doanh nhân điều hành các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ; hậu cần; xuất, nhập khẩu.

Mọi việc đã thay đổi sau khi lực lượng Taliban giành được quyền kiểm soát đất nước vào tháng 8-2021. Chính quyền Taliban đã ban hành nhiều lệnh cấm phụ nữ tham gia hầu hết các công việc, cấm nữ sinh đến trường, cấm phụ nữ học đại học. Phụ nữ không được chơi thể thao, không được đến nơi công cộng hay ra đường mà không có người thân là nam giới (mahram) đi kèm.

Chỉ vài ngày sau khi Taliban tiếp quản đất nước, trung tâm cai nghiện ma túy của Haidari bị đóng cửa, nhà hàng bị phá hủy, đồ đạc bị cướp bóc. Vực dậy từ đống đổ nát, Haidari lặng lẽ dựng lên xưởng thủ công cắt may quần áo, thiết kế phụ kiện thời trang, sản xuất thảm và đồ trang trí nội thất. Xưởng có lực lượng lao động gồm khoảng 50 phụ nữ, với mức thu nhập ít ỏi 58USD/người/tháng. Haidari tiếp tục dành một phần lợi nhuận để tài trợ cho một trường học bí mật, nơi có 200 nữ sinh đang theo học, cả trực tiếp và trực tuyến. “Tôi không muốn các cô gái Afghanistan quên hết kiến thức, để trong vài năm nữa, chúng ta sẽ có thêm một thế hệ mù chữ”, Haidari cho hay.

Afghanistan đang sa lầy vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, sau khi nhiều nước đồng loạt cắt giảm tài trợ và đóng băng dự trữ ngoại hối của quốc gia này trong nỗ lực nhằm trừng phạt chính quyền Taliban. Hậu quả là nền kinh tế Afghanistan vốn phụ thuộc vào viện trợ đã bị tê liệt, hàng triệu người mất việc làm, nhân viên chính phủ không được trả lương, giá thực phẩm và thuốc men tăng chóng mặt. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, quốc gia Nam Á này có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) đang lâm vào khủng hoảng nhân đạo và cần được hỗ trợ khẩn cấp.

Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nặng nề đến tất cả doanh nghiệp, song khó khăn với phụ nữ còn tăng thêm gấp bội bởi các lệnh cấm hà khắc của Taliban, trong đó có lệnh cấm phụ nữ ra đường mà không có “mahram” đi kèm. Ở một đất nước có tới 2 triệu góa phụ, phụ nữ độc thân và phụ nữ đã ly hôn-nhiều người là trụ cột duy nhất của gia đình-thì lệnh cấm khắc nghiệt này gần như đã khép lại cơ hội được sống của họ.

Tưởng chừng cuộc sống chỉ còn toàn bế tắc, song bất chấp những lệnh cấm khắc nghiệt, hàng nghìn phụ nữ Afghanistan vẫn tìm cách khởi nghiệp ngay tại gia đình, mà Sadaf là một ví dụ. Sau khi chồng qua đời vào năm 2015, Sadaf (đề nghị không dùng tên thật) dựa vào thu nhập từ thẩm mỹ viện ở Kabul để nuôi 5 đứa con.

Tháng trước, chính quyền Taliban ra lệnh đóng cửa tất cả thẩm mỹ viện với lý do nơi này “cung cấp các phương pháp điều trị đi ngược lại các giá trị Hồi giáo”. Để xoay xở, Sadaf mở dịch vụ chăm sóc thẩm mỹ tại nhà. Lo lắng vì không biết trước sẽ còn lệnh cấm nào được ban ra, song người phụ nữ mạnh mẽ này vẫn tìm mọi cách có thể để tự kiếm sống.

Mặc dù loại bỏ phụ nữ khỏi hầu hết các lĩnh vực của đời sống cộng đồng, Taliban chưa cấm phụ nữ điều hành doanh nghiệp, nhờ đó, một số tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục giám sát các dự án việc làm. Tổ chức từ thiện CARE Afghanistan đang tập trung đào tạo phụ nữ Afghanistan với các nghề may vá, thêu thùa, làm các món ăn như bánh quy, mứt, dưa chua… hỗ trợ họ mở cửa hàng nhỏ tại nhà để mưu sinh.

Với chức năng thiên bẩm là lo toan cho gia đình, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn và cùng quẫn, phụ nữ Afghanistan vẫn đang nỗ lực vượt qua mọi bế tắc để tìm ra con đường làm chủ cuộc đời.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.