Quảng Trị: Cấm lợi dụng hội phụ huynh để thu các khoản ngoài quy định Cần “liều thuốc đặc trị” căn bệnh lạm thu gây nhức nhối trong ngành giáo dục |
Xã hội hóa và lạm thu: Ranh giới mong manh
Bước vào năm học mới, cả nước lại phấn khởi, vui mừng chào ngày khai giảng, các em học sinh, đặc biệt là cấp tiểu học được đến trường với cờ đỏ sao vàng trên tay, cùng được nghe tiếng trống khai giảng đầy thiêng liêng. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu chăm lo cho “tương lai của đất nước”.
Thế nhưng ngoài niềm vui chung đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn “canh cánh” với nỗi lo, gánh nặng mang tên “xã hội hóa”, “đóng góp tự nguyện”, “thu tự nguyện”… Câu chuyện này được bàn tán xôn xao, từ nơi công sở ra đến tận góc chợ. Và chắc hẳn rằng, ai đã là phụ huynh cũng đã từng ít nhất một lần tham gia câu chuyện này.
Nhiều phụ huynh phải “còng lưng” gánh các khoản thu. Tranh: Phùng Bản |
Xã hội hóa nói chung và xã hội hóa giáo dục là một chủ trương, tinh thần tốt đẹp, được hiểu một cách dân dã là huy động nguồn lực tài chính của toàn xã hội phục vụ cho công tác giáo dục. Mà cụ thể ở đây là huy động từ chính các bậc phụ huynh đóng góp tiền của, vật chất cùng nhau xây dựng ngôi trường của con em mình đang theo học.
Tinh thần tốt đẹp là vậy, thế nhưng có một bộ phận không nhỏ vì thiếu hiểu biết, hoặc thừa hiểu biết nhưng vẫn cố tình làm méo mó, lợi dụng chủ trương trên rồi “biến tướng” phục vụ mục đích cá nhân, một phần có động cơ trục lợi, làm xấu hình ảnh của ngành giáo dục, đến mức người dân thường gọi là “lạm thu”.
Trong nhiều năm gần đây, cứ sau đợt khai giảng là trên mạng xã hội, trên các diễn đàn lại nóng câu chuyện trên, báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực và góp phần lớn trong việc phanh phui, dẹp vấn nạn trên.
Tại tỉnh Đồng Nai, một phụ huynh tại trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng, huyện Xuân Lộc đã bức xúc khi bị yêu cầu đóng khoản phí “bảo trì tivi” 100.000 đồng/học sinh. Điều này gây ra tranh cãi do tivi là tài sản của nhà trường và đã có chế độ bảo hành.
Vị phụ huynh chia sẻ rằng, họ đồng ý đóng góp để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng cho rằng khoản phí này là không hợp lý. Nhà trường giải thích rằng họ vừa thay thế tivi cũ bằng tivi thông minh và hứa sẽ xem xét lại vấn đề. Kết quả, trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng đã thông báo ngừng thu khoản phí này cho năm học 2024-2025.
Tại Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP. HCM, một lớp học đã thu tới 310 triệu đồng cho các khoản như sửa phòng học, sơn bàn ghế, lắp Internet, và các chi phí văn nghệ, với nhiều khoản được đánh giá là “lạ đời”. Sau khi vụ việc được công khai, phòng giáo dục quận chỉ ra rằng hầu hết các khoản thu là sai quy định và nhà trường đã phải hoàn trả số tiền đó cho phụ huynh.
Ranh giới giữa lạm thu và xã hội hóa đầu năm học là rất mong manh. Ảnh: Khánh Linh |
Hay như tại Thanh Hóa, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Hải Thượng (thị xã Nghi Sơn) cảm thấy hoang mang khi được cô giáo chủ nhiệm thông báo về nhiều khoản thu đầu năm học tại buổi họp phụ huynh ngày 14/9 vừa qua. Các phụ huynh đã phát hoảng với hàng loạt các khoản thu, cộng với số tiền cần đóng dịp đầu năm mới là lên tới gần 5 triệu đồng. Ngoài những khoản theo quy định, còn có những khoản thu dịch vụ và tự nguyện và có nhiều khoản không hợp lý.
Dẹp nạn lạm thu: Nói thì dễ, làm thì khó
Để công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhà trường và phụ huynh, cũng như để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, chính quyền địa phương, ngành giáo dục các tỉnh, thành phố, huyện thị đều ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết từng khoản thu, mức thu, cách thức thu vào đầu năm học mới, trong đó có cả khoản xã hội hóa.
Và dĩ nhiên, xã hội hóa phải dựa trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận, dựa vào nhu cầu thực tế của từng đơn vị; dựa vào tình hình kinh tế – xã hội của từng địa phương, từng gia đình và căn cứ vào giá cả thực tế trên thị trường.
Thế nhưng khi triển khai đến từng trường, vẫn còn đâu đó bệnh thành tích, không đặt mục tiêu phục vụ nhu cầu học tập thiết thực của học sinh lên hàng đầu mà chỉ “sĩ diện hão” để rồi “lách luật, biến tướng” các khoản thu, một bộ phận nhỏ còn có mục đích trục lợi cá nhân dẫn đến lạm thu.
Và trên thực tế, nhiều phụ huynh đều bức xúc, phản đối với những khoản thu phi lý, bị “đội giá” kể trên nhưng vì tâm lý e ngại, cả nể, ngại va chạm, sợ con bị trù dập…, mọi việc lại dần rơi vào im lặng. Báo chí cũng rất khó khăn mới có thể đưa vấn đề trên ra công chúng, từ đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc xác minh, xử lý.
Đừng để xã hội hóa biến thành lạm thu. Tranh: Khều |
Tại tỉnh Thanh Hóa, cứ mỗi đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đều có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghiêm túc chấn chỉnh việc thu học phí, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa yêu cầu các nhà trường thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 09/2024/TT BGDĐT ngày 3/6/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.
Để có thể xử lý triệt để vấn nạn lạm thu, cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng, của toàn xã hội; cần sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của chính quyền, ngành giáo dục các cấp; cần trong sáng, công tâm của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục và cần cả sự lên tiếng mạnh mẽ của các bậc phụ huynh, người dân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Bên cạnh đó cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó nêu cao vai trò của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời có các hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc nếu vi phạm, không chỉ dừng lại ở việc trả lại tiền rồi tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm qua loa như những năm qua.
Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế tình trạng lạm thu vẫn còn âm ỉ tại các cơ sở giáo dục nhiều năm qua và vẫn chưa có hồi kết.
Nguồn: https://congthuong.vn/lam-thu-dau-nam-hoc-cau-chuyen-ban-tan-tu-cong-so-ra-den-tan-goc-cho-347783.html