(Dân trí) – Nguyễn Minh Thể mồ côi cha khi vào lớp 6. Hằng ngày, Thể đi bán vé số dạo cùng mẹ để có tiền ăn học. Nỗ lực học tập không ngừng nghỉ giúp em trở thành thủ khoa ngành của Học viện Hàng không.
“Gắng học để không bị người khinh”
Nguyễn Minh Thể sinh năm 2005, quê ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Bố mẹ em đều bỏ học từ sớm, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Năm Thể lớp 6, bố em mắc bệnh qua đời. Gánh nặng cơm áo dồn lên vai người mẹ bệnh tật.
Hằng ngày, mẹ Thể đi bán vé số dạo từ 4h sáng. Thể và anh trai cũng đi bán vé số cùng mẹ nửa ngày. Mẹ không cho hai anh em nghỉ học với lý do “vì nghèo, ít học nên mới bị người đời khinh thường”.
“Mẹ bảo em cứ cố gắng học. Học tới đâu mẹ lo tới đó. Ráng học cho thật cao để người ta phải nể mình”, Thể kể.
Theo đuổi việc học với mục tiêu giản đơn đó, Thể và anh trai đều học giỏi. Đều đặn mỗi ngày, Thể học nửa buổi, nửa buổi còn lại đạp xe 7-8km đi bán vé số, mang về cho mẹ 40-50.000 đồng. Cuối tuần, Thể đi bán vé số từ sáng sớm đến chiều muộn, được 110.000 đồng.
Thời gian học của Thể từ 8h tối tới 1-2h sáng. Càng học, em càng tìm thấy những mục tiêu mới. Không chỉ “học để cho người ta nể nữa”, Thể học vì yêu thích việc học và nuôi ước mơ trở thành phi công.
Nguyễn Minh Thể tại lễ trao học bổng Nâng bước thủ khoa 2024 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Việc anh trai đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ khiến Thể càng quyết tâm.
Những năm cấp 3, Thể học xuyên đêm tới 3-4h sáng mỗi ngày. Ngoài ra em vẫn phải đi bán vé số để tích lũy dần cho 4 năm học đại học.
Kết quả, Thể có 3 năm trung học phổ thông đạt loại giỏi, có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh. Lớp 11, Thể đạt danh hiệu học sinh 3 tốt của tỉnh Bạc Liêu. Nhưng mong muốn làm phi công Thể đành gác lại khi tìm hiểu và biết về mức học phí chỉ dành cho những gia đình có điều kiện.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Thể đạt 25,75 điểm khối D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh).
Mong muốn thành phi công có thể tạm gác lại nhưng ước mơ bầu trời vẫn còn nguyên trong Thể. Em quyết định nộp hồ sơ vào ngành quản lý hoạt động bay của Học viện Hàng không mà không nghĩ mình là thủ khoa của ngành học này.
Nửa ngày bán bánh mì, nửa ngày lên giảng đường
Ngày em nhập học Học viện Hàng không, mẹ Thể vay ngân hàng chính sách 14 triệu đồng cho con đóng học phí kỳ I. Thể có một ít tiền tiết kiệm ăn ở sinh hoạt trong tháng đầu.
Để lo cho các tháng sau đó, Thể đi bộ lang thang đường phố Sài Gòn kiếm việc làm thêm. May mắn, chàng trai sinh năm 2005 tìm được một tiệm bánh mì bình dân ở quận 3 cần nhân viên bán hàng. Em đi làm ngay trong tuần thứ hai đặt chân đến Sài Gòn.
1 tuần 4 buổi, Thể bán bánh mì thuê từ 6h đến 10h30. Tháo chiếc tạp dề là Thể khoác ba lô chạy bộ đến trường. Với hơn 4 tiếng làm việc, em được trả 100.000 đồng, vừa đủ chi phí ăn uống, đóng tiền trọ.
Buổi tối, trong căn trọ hơn 20m2 với 5 người chen chúc, Thể lại học đến khuya như thói quen từ khi còn nhỏ. Em dành khoảng một tiếng chỉ để học tiếng Anh trên các kênh miễn phí, quyết tâm nâng cao kỹ năng nghe, nói mà khi ở Bạc Liêu không có cơ hội rèn luyện.
Nguyễn Minh Thể trong một giờ học tại Học viện Hàng không (Ảnh NVCC).
“Ở quê không có phong trào học tiếng Anh nên em không được ai chỉ cho các nguồn học liệu miễn phí trên mạng. Lên Sài Gòn em mới biết có thể học tiếng Anh tốt mà không mất tiền nên tận dụng mọi thời gian rảnh để học”, Thể chia sẻ.
Xác định ngành quản lý hoạt động bay là lĩnh vực khó, vị trí việc làm không nhiều, Thể vạch sẵn mục tiêu giai đoạn nào cần học kỹ năng bổ trợ gì để cầm tờ đơn đi xin việc không bị từ chối. Trong lúc ấy, Thể vẫn phải duy trì công việc bán bánh mì để có tiền ăn học.
Ước mơ hiện tại của Thể là vào làm việc tại sân bay Long Thành, Đồng Nai. Cậu bé mồ côi bán vé số dạo suốt những năm thơ ấu chưa đặt khát vọng gì xa xôi ngoài việc có một công việc tốt, lo được cho mẹ và đưa mẹ đi du lịch.
Vừa qua, Nguyễn Minh Thể là 1 trong 120 sinh viên thủ khoa, á khoa trên cả nước được nhận học bổng Nâng bước thủ khoa của Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam.